Sản phẩm văn hóa-du lịch mới trên đất Cố đô

Hoạt động mỹ thuật 'Mùa hè với di sản' vừa diễn ra tại huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã quy tụ đông đảo nghệ sĩ tham dự, sáng tác nhiều tác phẩm giá trị.

Thành công bước đầu được kỳ vọng sẽ tạo dựng một sản phẩm văn hóa-du lịch mới mẻ, đặc sắc cho Cố đô Hoa Lư.

Điểm đáng chú ý đầu tiên của hoạt động mỹ thuật “Mùa hè với di sản” là được tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa dưới sự bảo trợ của Công ty CP du lịch Hoàng Long. Vì vậy, sự kiện đã thu hút gần 100 họa sĩ khắp ba miền thay vì chỉ 15 họa sĩ đi dự trại sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức lâu nay.

Bức tranh “Hoa Lư hoài cổ” của họa sĩ Văn Tiến.

Câu lạc bộ (CLB) mỹ thuật trẻ Ninh Bình đứng ra mời gọi các CLB họa sĩ trẻ khác tham dự và định hướng sáng tác mỹ thuật gắn với các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa của Quần thể danh thắng Tràng An. Chỉ sau 4 ngày tổ chức, đã có 76 tác phẩm hoàn thiện và nhiều tác phẩm, ý tưởng sáng tạo đang dang dở sẽ sớm được hoàn thành. Họa sĩ Hoàng Trung Dũng, Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ tỉnh Thái Bình, cho rằng: “Hoạt động mỹ thuật “Mùa hè với di sản” là một trong những hoạt động kết nối được nhiều CLB, họa sĩ tạo hình nhất từ trước đến nay. Các họa sĩ trẻ được giao lưu, học hỏi lẫn nhau làm sao để thể hiện thật nghệ thuật “đề bài” là sáng tác về giá trị di sản Cố đô Hoa Lư. Thật sự đây là một hoạt động bổ ích, gợi ý cho các thành viên CLB khi trở về địa phương góp phần tuyên truyền bảo vệ di sản tại quê nhà”.

Các họa sĩ bên tác phẩm vừa hoàn thành.

Điều đáng nói là các tác phẩm tại hoạt động mỹ thuật hết sức đa dạng về mặt nội dung và hình thức thể hiện. Non nước Ninh Bình đẹp nao lòng, tâm hồn nhạy cảm của người họa sĩ không quá khó khăn để thể hiện với lối vẽ hiện thực ấn tượng thường thấy trong các bức tranh: “Hoa Lư hoài cổ” (Văn Tiến), “Phong cảnh Hoa Lư” (Nguyễn Ngần), “Bên dòng Hoàng Long” (Đinh Trường), “Non nước” (Đặng Mậu Triết)… Nhiều họa sĩ không thích phản ánh hiện thực một cách rõ ràng nên sử dụng thủ pháp trường phái trừu tượng, biểu hiện, siêu thực để tạo ra tính độc đáo kích thích người xem tiếp xúc các bức tranh: “Chiều Tràng An” (Nguyễn Lương Sáng), “Núi sen” (Lê Thị Minh Tâm), “Mầu” (Nguyễn Thế Dung), “Đường về Tràng An” (Đỗ Hiệp)… Trong quá trình lưu lại Ninh Bình, các họa sĩ được tham quan những di tích vùng đất Cố đô nghìn năm lịch sử; vì thế, rất nhiều tác phẩm kiến tạo từ cảm hứng lịch sử, như: “Miền ký ức” (tranh của Ngô Cảnh), “Dấu tích” (tượng gỗ của Thanh Túc), “Những chiến binh Đại Việt” (tượng gỗ của Nguyễn Phú Văn)…

Không chỉ giàu tính nghệ thuật, các tác phẩm còn có chức năng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng giữ gìn, bảo vệ di sản nên đã thu hút nhiều đoàn khách du lịch, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc, Giám đốc Công ty CP du lịch Hoàng Long, Trưởng ban tổ chức hoạt động mỹ thuật “Mùa hè với di sản”, cho biết: “Sự hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ sĩ và nhất là sự quan tâm của người dân và du khách đến hoạt động mỹ thuật là cơ sở để Ban tổ chức mạnh dạn đưa sinh hoạt mỹ thuật này trở thành một hoạt động thường niên. Qua đó, mang lại cho quê hương Ninh Bình một sản phẩm văn hóa-du lịch mới mẻ, đặc sắc”.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/san-pham-van-hoa-du-lich-moi-tren-dat-co-do-547490