Sản phẩm robot phun xịt, khử khuẩn ngừa Covid-19 Made in Vietnam

Nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa nghiên cứu, chế tạo thành công 2 robot để phục vụ cho 2 loại khu vực cần khử khuẩn khác nhau có thể hỗ trợ tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hai robot sử dụng 2 công nghệ diệt khuẩn khác nhau của nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là: robot CD 1.0 (Covid Defender 1.0) hoạt động ở khu vực chịu được nước, khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất dạng dung dịch và robot DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0) hoạt động ở khu vực không chịu được nước như khu vực văn phòng, nhà ga, nơi đông người... khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV.

Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0)

Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0)

Đây là sản phẩm của nhóm nghiên cứu gồm: TS. Dương Thị Thùy Vân; TS. Hán Thành Trung; TS Vũ Trí Viễn; TS. Đỗ Hoàng Thịnh; ThS. Trần Quốc Hưng; ThS. Nguyễn Thành Quang cùng nhóm học viên cao học, sinh viên khoa Điện - Điện tử trường ĐH Tôn Đức Thắng.

TS. Dương Thị Thùy Vân chia sẻ, robot phun, xịt khử khuẩn được trang bị vi điều khiển STM34F4, với cấu hình mạnh và tính năng vượt trội, được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa đến 2.000m. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh cho phép người dùng dễ dàng quan sát và điều khiển thông qua cuộc gọi video.

TS. Dương Thùy Vân và cộng sự của mình

Cánh tay robot được nhóm thiết kế chính là vòi phun thuốc có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải. Ngoài ra, hai bên thân robot còn được gắn hai vòi phun, nên trong quá trình di chuyển robot có thể phun thuốc ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn.

Độ xa phun ra từ thân robot ra hai bên là khoảng 1m, phía trước, phía trên là khoảng 2m nên robot chỉ cần di chuyển 1 lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện.

Với khả năng di chuyển linh hoạt nhờ sử dụng hai động cơ dẫn động độc lập và kích thước nhỏ gọn sản phẩm khoa học công nghệ của nhóm nghiên cứu trường ĐH Tôn Đức Thắng là robot phun, xịt khử khuẩn có thể làm việc trong những không gian chật hẹp. Việc sử dụng hai bánh cao su đặc (không săm) giúp robot di chuyển dễ dàng trên những bề mặt trơn trượt lẫn gồ ghề.

Với khả năng tải khoảng 170kg, thời gian làm việc liên tục khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/h, robot có thể phát triển thành nhiều loại robot có tính năng khác nhau như robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, thức ăn cho bệnh nhân, cứu hộ, cứu nạn...

"Sau khi khống chế được dịch bệnh, robot sẽ được cải tiến để sử dụng cho các công việc và công năng khác như cứu hộ, cứu nạn... trong những môi trường và điều kiện mà con người không thể trực tiếp tham gia tác nghiệp do nguy hiểm đến tính mạng hoặc quá khó khăn", TS Thùy Vân cho biết thêm.

Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân

Với sản phẩm khoa học công nghệ của nhóm nghiên cứu trường ĐH Tôn Đức Thắng thì trong khu cách ly có bệnh nhân dương tính với COVID-19 nhân viên y tế chỉ cần dùng một thiết bị điều khiển, không cần có mặt ở phòng bệnh vẫn có thể điều khiển từ xa và những chú robot hoàn toàn có thể di chuyển đến các khu vực để tiến hành việc khử khuẩn trang thiết bị bên trong phòng cách ly.

Theo kỹ sư Võ Hồng Quân – Chủ nhiệm Dự án Vườn ươm Sáng tạo (Bệnh viện Quân dân y miền Đông) cho hay: “Con robot này có hai hệ thống dạng phun sương và phun sàn dung dịch khử khuẩn trên tầm cao hoạt động bằng hệ thống ba trục có thể di chuyển lên, xuống, trái phải. Sáng chế này là tin vui đặc biệt với các nhân viên y tế khi họ là người phải tiếp xúc với nguồn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Robot này có thể giảm tải công việc cho nhân viên vệ sinh cũng như nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn đồng thời hạn chế cho nhân viên y tế. Chúng tôi đánh giá rất cao sáng chế khoa học công nghệ này của nhóm nghiên cứu trường Đại học Tôn Đức Thắng”.

Nhờ các kênh thông tin truyền thông về robot, mới đây một công ty tại Úc đã đặt hàng nhóm nghiên cứu của TS. Dương Thị Thùy Vân thực hiện robot Viroban hỗ trợ công tác khử khuẩn ở các trường học, bệnh viện, công ty, khu thương mại …

Hiện nhóm nghiên cứu đang phát triển tiếp 2 dòng sản phẩm này lên bậc tiếp theo. Chi phí sản xuất, đưa ra thị trường cho các dòng sản phẩm này dự tính rẻ hơn chi phí nhập sản phẩm tương tự từ 3 đến 5 lần.

Hiện ngoài công việc nghiên cứu, giảng dạy ở trường, Tiến sĩ Thùy Vân còn được mời về các tỉnh thành khu vực phía Nam để truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đến với những công chức, viên chức trẻ, giúp họ tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0.

Là Giám đốc trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng của trường ĐH Tôn Đức Thắng, TS. Dương Thị Thùy Vân luôn là người chủ động kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước tìm đường thương mại hóa sản phẩm của mình và các cộng sự trong quá trình nghiên cứu.

“Để đưa sản phẩm từ giai đoạn nghiên cứu ra sản phẩm demo là công đoạn không hề dễ dàng. Từ sản phẩm demo mà muốn trở thành sản phẩm đưa vào ứng dụng thực tế nhất định phải trải qua quá trình thử nghiệm và đánh giá với nhiều công đoạn vô cùng gian nan mà có lúc người nghiên cứu muốn bỏ cuộc.

Tôi và các cộng sự đã từng nghiên cứu những sản phẩm thử nghiệm vài tiếng đồng hồ thì không có vấn đề nhưng khi đưa ra thực tế vận hành liên tục thì phát sinh lỗi kỹ thuật. Vậy là nhóm nghiên cứu lại phải làm lại từ đầu các công đoạn, tiến hành quá trình thử nghiệm để giúp người nghiên cứu có thể đánh giá lại sản phẩm và cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển giao.

Đặc biệt, công đoạn đưa sản phẩm đi thử nghiệm còn giúp nhóm nghiên cứu có thể phát hiện thêm nhiều tính năng tích cực khác từ sản phẩm mà mình nghiên cứu từ đó có thể nâng cấp, cải tiến sản phẩm tối ưu hơn nữa, có thể tiếp tục hạ giá thành sản phẩm”, TS. Dương Thị Thùy Vân cho hay.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-robot-phun-xit-khu-khuan-ngua-covid-19-made-in-vietnam-duoc-danh-gia-cao-263610.html