Sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của tỉnh An Giang

An Giang vừa mang đặc trưng của vùng sông nước miền Tây với nhiều tôm cá, cây trái xum xuê, nhưng cũng là nơi có linh khí trời đất với núi cao rừng thẳm cho nhiều sản vật. Cùng với quá trình phát triển, nhiều nghệ nhân và người dân đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng tiêu biểu của tỉnh, góp phần phát triển du lịch (DL).

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang vừa tổ chức cuộc thi sáng tác, thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng DL tỉnh An Giang năm 2020. Qua 5 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 63 sản phẩm của 20 nhóm tác giả là các nghệ nhân cơ sở, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tham gia dự thi. Số lượng và thể loại tác phẩm đa dạng, mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa con người An Giang.

Sản phẩm tranh làm từ vỏ lúa, tái hiện hình ảnh “Cánh đồng thốt nốt” của nghệ nhân Võ Văn Tạng đã thuyết phục ban giám khảo giành giải nhất cuộc thi. Giải nhì thuộc về 2 sản phẩm “Tự hào đặc sản thốt nốt An Giang” (đường thốt nốt bột và đường thốt nốt sệt Palmania) của tác giả Chau Ngọc Dịu và “Khung tranh nghệ thuật in trên gân lá” của tác giả Nguyễn Thị Kim Ngân. Giải 3 thuộc về sản phẩm “Trà xạ đen Thảo An” của tác giả Quách Yến Phượng, “Giỏ sò buôn” của tác giả Lê Thị Phương Thảo, “Tranh lá thốt nốt khắc laser chân dung Bác Tôn” của tác giả Nguyễn Vũ Linh. Giải khuyến khích thuộc về sản phẩm “Khăn choàng ú sọc ngang” của tác giả Mohamad, tranh gạo rang “Về nhà” của tác giả Trần Thị Kim Nương, “Bình trà gỗ thốt nốt” của tác giả Đoàn Rô Mel, “Tranh khắc laser trên tre: Quốc tử giám” của tác giả Nguyễn Vũ Linh.

Giải sản phẩm có giá trị nghệ thuật cho tác phẩm “Tranh lá thốt nốt nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng” của tác giả Võ Văn Tạng; giải có tính sáng tạo thẩm mỹ cho tác phẩm “Tranh vỏ lúa đền thờ Bác Tôn” của tác giả Võ Văn Tạng; giải sản phẩm có tính đặc trưng văn hóa cho tác phẩm “Đũa ăn gỗ thốt nốt” của tác giả Đoàn Rô Mel.

Nhiều sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao, sáng tạo, độc đáo như: các loại tranh bằng lá thốt nốt, bằng tre, tranh gạo, vỏ trấu, các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, khăn thêu, sản phẩm bằng gỗ khắc họa laser hình các khu, điểm DL của tỉnh và hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có 2 sản phẩm là hình ảnh mô phỏng và các combo sản phẩm đặc sản quà tặng là sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đây là những sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm, quà tặng DL mang đậm nét văn hóa địa phương và con người An Giang, hình thành từ quá trình lao động sáng tạo của người dân. Phát triển được các sản phẩm này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp quà lưu niệm và nguồn thu cho DL, phục vụ phát triển DL.

Nhiều sản phẩm nguyên liệu từ vùng Bảy Núi sản xuất thành sản phẩm đặc sản của tỉnh và phục vụ DL, giúp nâng cao giá trị đặc sản Bảy Núi, như: đường thốt nốt Palmania, tranh làm từ lá thốt nốt vẽ bằng bút lửa đã đoạt nhiều giải thưởng của tỉnh, khu vực, là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Hay sản phẩm trà xạ đen (sản phẩm OCOP 3 sao) với tác dụng vượt trội tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phòng, chống ung thư, tiêu độc, thanh nhiệt, mát gan, hành thủy, giảm đau, an thần... Từ cây thốt nốt các nghệ nhân cho ra nhiều sản phẩm độc đáo, như: tranh, bình trà, đũa, đường... Hay từ hạt gạo đem rang chế tác thành tranh, từ phế phẩm nông nghiệp, vỏ lúa được xay nhuyễn sáng tạo thành bức tranh đủ hình dạng, sống động, độc đáo và có độ bền cao.

Lá thốt nốt, vỏ trấu qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Võ Văn Tạng (ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) đã xâu chuỗi kết tinh thành những bức tranh nghệ thuật đa sắc màu, làm phong phú thêm dòng tranh nghệ thuật.

Ông Tạng cho biết: “Tranh màu lá thốt nốt có giá trị cao, màu không bị xuống hay phai theo thời gian. Tôi lo rằng sau này, nguồn nguyên liệu lá thốt nốt cạn đi nên đã nghiên cứu làm tranh từ vỏ trấu. Quá trình làm không đơn giản: ngâm hạt trấu cho thấm nước mềm ra, rồi dùng đồ cứng cà thật lâu cho vỏ trấu bể tan thành những hạt mịn li-ti như hạt cám đều nhau, xử lý lắp ráp các hạt nhỏ đó thành bức tranh, pha màu dùng bút lửa vẽ lên vỏ lúa biến chúng thành những bức tranh có hồn. Tranh làm từ lá thốt nốt, tranh vỏ lúa nhìn tự nhiên hơn và cảnh vật nhìn cũng sáng, sống động hơn”.

Dòng tranh vỏ lúa được thị trường đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nhiều khách hàng trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các tỉnh đặt mua.

Với tâm huyết nâng cao giá trị đặc sản thốt nốt Bảy Núi và tạo thêm việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số Khmer, xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương, chị Chau Ngọc Dịu (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania, thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania vang danh thị trường trong nước, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Chị Dịu cho biết: “Nếu một số sản phẩm đường thốt nốt của các nước khác có hàm lượng Vitamin B12 khoảng 20µg/100gr sản phẩm, đường thốt nốt Palmania đến từ vùng Bảy Núi có hàm lượng Vitamin B12 lên đến 28.2µg/100gr sản phẩm. Sản phẩm có chỉ số đường huyết thấp và là thực phẩm mang tính kiềm nên được xem là một trong những chất tạo ngọt tự nhiên tốt nhất cho sức khỏe”.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Qua cuộc thi cho thấy, các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ để làm quà lưu niệm, quà tặng DL cho tỉnh An Giang rất phong phú. Tuy nhiên, do chưa khai thác được hết các tiềm năng nên hiệu quả chưa cao, chưa thực sự góp phần vào sự phát triển chung của ngành DL An Giang. Cuộc thi góp phần khơi dậy sự lan tỏa trong cộng đồng, giá trị nghệ thuật, giá trị kinh tế của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh, cũng như tạo điều kiện gìn giữ và phát huy sức sống của các làng nghề gắn với phát triển DL tỉnh nhà”.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/san-pham-qua-luu-niem-qua-tang-du-lich-cua-tinh-an-giang-a293267.html