Sản phẩm OCOP Quảng Ninh: Lan tỏa và hiệu quả

Là địa phương đi đầu xây dựng triển khai Chương trình 'Mỗi xã, phường một sản phẩm' (OCOP), đến nay các sản phẩm OCOP thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng, cũng như du khách gần xa.

Khẳng định sản phẩm mang thương hiệu

Qua 6 năm triển khai, Quảng Ninh đã huy động trên 500 tỷ đồng để phát triển sản xuất thuộc Chương trình OCOP, mang lại hiệu quả rõ rệt: Tạo việc làm mới, tăng thu nhập, phát triển sản xuất bền vững; thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng. Nhiều sản phẩm phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, như: Mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ...

Miến Bình Liêu - một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh

Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, năm 2019, đơn vị này tiếp tục phối hợp với Ban Xây dựng nông thôn mới của tỉnh phát triển mở rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhờ đó, 11 tháng năm 2019, Quảng Ninh đã phát triển được thêm 78 sản phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia OCOP, nâng tổng số 421 sản phẩm, trong đó có 196 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, sản phẩm nông sản thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đang được giới thiệu và bán rộng rãi tại các trung tâm giới thiệu OCOP của tỉnh, các điểm dừng chân, điểm bán hàng phục vụ khách du lịch, các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm OCOP đang dần trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của du khách khi tới du lịch tại Quảng Ninh… Điều này thể hiện qua các sự kiện xúc tiến thương mại về sản phẩm OCOP tại địa phương, như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2019 thu hút hơn 75.600 lượt người đến hội chợ; tổng doanh thu bán hàng đạt 10.496,12 triệu đồng, tăng 0,8% so với năm 2018, trong đó, doanh thu hàng hóa các gian hàng trong tỉnh đạt gần 6.478,8 triệu đồng. Tại Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh 2019, có sự tham gia của 40 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất; tham gia trưng bày, giới thiệu và bán gần 200 sản phẩm OCOP của 13/14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 50.000 lượt người đến thăm quan và mua sắm, trong đó chủ yếu là khách du lịch, chiếm trên 80% lượng khách.

Đưa sản phẩm OCOP gần hơn với du lịch

TP. Hạ Long, huyện Cô Tô và Vân Đồn là các điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu của Quảng Ninh. Theo đó, để đưa sản phẩm OCOP gần hơn với du lịch, Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản triển khai và làm việc trực tiếp với các địa phương về đầu tư chợ cá và siêu thị hải sản phục vụ khách du lịch tại Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô. Trong đó, huyện Cô Tô đã triển khai đầu tư xây dựng chợ Cô Tô và hoàn thành đưa vào hoạt với 238 điểm kinh doanh cố định, địa điểm gần cảng Cô Tô, thuận tiện cho khách du lịch; huyện Cô Tô cũng triển khai bố trí thêm các địa điểm kinh doanh OCOP và hải sản để phục vụ du khách. Còn tại Vân Đồn, hiện đang thuê tư vấn lập phương án đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư Dự án Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP và siêu thị chuyên doanh hải sản, nông sản của tỉnh phục vụ khách du lịch tại khu đất 1.000m2, cạnh cảng khách du lịch Cái Rồng; địa điểm thuận lợi cho khách du lịch mua bán hải sản, nông sản của tỉnh.

Sản phẩm OCOP đang được du khách yêu thích

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng chủ động hỗ trợ DN, HTX, hộ dân sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm với các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ DN mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đa dạng hóa các hình thức kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường thông qua hướng dẫn, hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động phát triển kinh doanh như: Bán hàng qua sàn thương mại điện tử, quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ qua Cổng kết nối tiêu thụ của Bộ Công Thương, internet; mời DN, hãng lữ hành tới tham gia hội chợ OCOP. Các hoạt động này đã góp phần đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh có sự gắn kết chặt chẽ và trở thành sản phẩm du lịch nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng.

Để các sản phẩm OCOP tiếp tục lan tỏa ra nhiều thị trường, phục vụ khách du lịch, đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh đề xuất, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo Ban điều hành OCOP các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện công tác quản lý đối với sản phẩm OCOP đã đạt từ 3 sao trở lên; các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với các tập đoàn, công ty lữ hành lớn, hãng hàng không, truyền thông... tăng cường thông tin, tuyên truyền về sản phẩm đặc sản các vùng, miền vào chương trình quảng bá du lịch nhằm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện công tác marketing tổng thể.

Chương trình OCOP ngày càng khẳng định được thương hiệu và trở thành nét riêng, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm, phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Hoàng Mai - Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-pham-ocop-quang-ninh-lan-toa-va-hieu-qua-130591.html