Sản phẩm OCOP đang ngoài cuộc

Nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, từ năm 2017, Sở NN&PTNT đã khởi động xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đối với nông sản các loại. Đến nay, từ 4 chuỗi mẫu là thịt lợn Uông Bí, gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, rau xanh Quảng Yên và chả mực Hạ Long, toàn tỉnh hiện đã có 14 chuỗi với 36 sản phẩm được xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn.

Các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có nhiều điều kiện để được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Ảnh: Cao Quỳnh

Các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có nhiều điều kiện để được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Ảnh: Cao Quỳnh

Đáng nói, thay vì Sở NN&PTNT tham gia sâu các công đoạn thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn như 4 chuỗi mẫu năm 2017 thì tất cả 14 chuỗi được xác nhận hiện nay đều là do cơ sở đề xuất lên, Sở NN&PTNT chỉ thẩm định và xác nhận. Kết quả này ghi nhận sự nâng cao nhận thức về ATTP của cả người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng; sự nỗ lực thắt chặt quản lý của cơ quan chức năng là Sở NN&PTNT.

Với đặc thù và lợi thế của tỉnh, việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay được cho là còn nhiều dư địa để triển khai và đạt kết quả tốt. Có thể thấy quá trình triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) trên toàn tỉnh trong suốt 5 năm qua đã hình thành nền tảng, điều kiện để tạo ra sản phẩm an toàn.

Đó là nhà xưởng, cơ sở sản xuất, chế biến, mua bán quy mô, được đầu tư thiết bị theo chuẩn quy định; người tham gia trực tiếp các khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, thương mại đến tiêu dùng sản phẩm được nâng cao về ý thức và trình độ, đảm bảo về ATTP; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thường xuyên, chặt chẽ, theo quy trình...

Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (Ba Chẽ) lâu nay có tiếng trên toàn tỉnh, song hiện chưa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Cụ thể hơn, với chương trình OCOP, Quảng Ninh hiện đã có hệ thống trên nằm trong danh mục, trong đó 138 sản phẩm đã được gắn sao (từ 3 đến 5 sao). Đây đều là những sản phẩm có chất lượng tốt, được kiểm tra, giám sát, đánh giá rất kỹ theo bộ tiêu chí ổn định, quy trình khoa học, chặt chẽ, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn cơ bản của chuỗi thực phẩm an toàn. Đơn cử như các thông số đảm bảo ATTP; sản phẩm có địa điểm trưng bày, mua bán; sản phẩm đáp ứng tem, nhãn mác để truy xuất nguồn gốc…

Như vậy theo quy định, chỉ cần các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đề xuất lên là đủ điều kiện được đơn vị chức năng kiểm tra, thẩm định, nếu đạt yêu cầu sẽ nhanh chóng được xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, xét theo các tiêu chí hiện nay, ít nhất cả 138 sản phẩm OCOP đạt sao đều có thể đạt tiêu chuẩn được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Đấy là còn chưa kể nhiều sản phẩm khác chưa được gắn sao, song rất tiềm năng, nằm trong danh mục 400 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và các sản phẩm của những cơ sở sản xuất riêng lẻ.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng hiện có rất ít sản phẩm OCOP được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Cụ thể, trong 14 chuỗi với 36 sản phẩm hiện nay, chỉ có 3 sản phẩm OCOP đã được gắn sao là chả mực Minh Phúc, hàu sữa của Công ty Đầu tư, phát triển sản xuất Hạ Long và mật ong Tiên Yên của HTX Khai thác và chế biến sản phẩm OCOP Tiên Yên.

Sản phẩm mực ống Cô Tô Thanh Măng chất lượng tốt, đủ điều kiện được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. (Ảnh do Cơ sở sản xuất mực ống Cô Tô Thanh Măng cung cấp)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là hiện giá trị sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn chưa có sự khác biệt lớn với sản phẩm thông thường, trong khi cơ sở phải sản xuất theo quy trình, phải bỏ chi phí lấy mẫu phân tích chỉ số an toàn; một số thủ tục hành chính về xác nhận chuỗi còn khá phức tạp; công tác tuyên truyền phổ biến chưa hiệu quả, chưa đến với một số người tham gia sản xuất các khâu trong chuỗi.

Điều này cho thấy để phát triển, nâng số lượng và chất lượng các chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn, thời gian tới, các đơn vị chức năng cần khắc phục những hạn chế trên. Trong đó trước mắt cần nhắm tới số lượng các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP được gắn sao cũng như các sản phẩm OCOP tiềm năng để xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202001/nong-nghiep-xay-dung-ket-noi-chuoi-thuc-pham-an-toan-san-pham-ocop-dang-ngoai-cuoc-2468512/