Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khó bán khi chưa được phân biệt rõ ràng

Việc phân biệt giữa sản phẩm sạch với sản phẩm thông thường chưa được rõ ràng đang gây khăn cho doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, công nghệ cao.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang được một số địa phương triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí cao, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy trình sản xuất khắt khe, chi phí cao nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy trình sản xuất khắt khe, chi phí cao nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hệ thống quản lý đồng bộ nhằm tăng cường "sức khỏe" hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm các chu trình và năng suất sinh học. Trên thực tế, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực này còn nhiều rào cản về cơ chế, chính sách, quỹ đất; Thiếu hành lang pháp lý trong chứng nhận sản phẩm và cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sau gần 10 năm phát triển, nhãn hiệu rau, quả hữu cơ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã trở nên thân thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Với sản lượng bình quân hơn 15 tấn rau quả hữu cơ mỗi tháng, giá thành của sản phẩm bán ra không chỉ cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần hình thành tư duy sản xuất nông sản sạch, thân thiện với môi trường của nông dân tỉnh Hòa Bình.

Chị Phùng Thị Lan, ở huyện Lương Sơn chia sẻ, kết quả hiện nay chính là nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" trong sản xuất hữu cơ. Qua đó có thêm nhiều cơ hội để hợp tác liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao. Người dân chuyên nghiệp hơn với việc xây dựng thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường.

“Chuỗi sản phẩm của hợp tác xã là rau củ quả hữu cơ, phù hợp với các hộ nông dân tham gia. Sản phẩm được cộng đồng, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và được tôn vinh sẽ hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi. Hàng hóa tiêu thụ tốt sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân”, chị Lan cho biết.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản… đến các thị trường như Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Campuchia, Mỹ, Italy, Đức, Anh, Nga, Canada, Malaysia, Hà Lan...

Hiện nay, 85% sản phẩm hữu cơ đã và đang được tiêu thụ qua kênh bán lẻ; Người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ Việt Nam chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Mỗi năm, người tiêu dùng cả nước bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng mua sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, sản phẩm hữu cơ còn có giá cao hơn sản phẩm thông thường từ 1,5 - 2 lần nên kén chọn người tiêu dùng.

Đại diện một số doanh nghiệp tham gia sản xuất nông sản hữu cơ cho biết, thị trường đầu ra của sản phẩm hữu cơ chủ yếu là nước ngoài mà không phải trong nước. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể cung cấp sản phẩm trong nước, nhưng vấn đề là người tiêu dùng có sẵn sàng trả gấp đôi tiền để mua một sản phẩm chất lượng tốt hơn mà mẫu mã không đẹp bằng nếu so với những sản phẩm thông thường hiện nay.

“Rau thủy canh với giá hơn 30.000 đồng/kg, nhiều người rất thích ăn vì nhận thấy đó là sản phẩm sạch, nhưng nhiều người lại so sánh với giá bán ở ngoài chợ chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nên sẽ không mua. Đây luôn là vấn đề rất khó, cho nên doanh nghiệp mong muốn cần có sự rõ ràng, minh bạch để phân biệt sản phẩm sạch với sản phẩm thông thường, nếu không sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, công nghệ cao”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Khẳng định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp trong tương lai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách, tạo động lực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

“Nông nghiệp hữu cơ là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam, do đó phải tập trung triển khai ở cả ba khu vực. Khu vực Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa Luật Trồng trọt, Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ; thay đổi Nghị định 108 về quản lý phân bón ăn theo Luật mới là Luật Trồng trọt cùng các cơ chế cụ thể hóa Nghị định 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất cần sự đón nhận và hỗ trợ tích cực từ phía của cộng đồng xã hội, để từ đó tạo động lực cho phát triển thời gian tới vừa đảm bảo sức khỏe người dân, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất xanh, an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-pham-nong-nghiep-huu-co-kho-ban-khi-chua-duoc-phan-biet-ro-rang-961230.vov