Sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An cần nằm trong bộ sản phẩm chủ lực quốc gia

Ông Nguyễn Thế Trung - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, sản phẩm chủ lực của Nghệ An cần nằm trong sản phẩm chủ lực quốc gia để có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước với khối lượng lớn.

Ông Nguyễn Thế Trung - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương có bài tham luận tại hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Ông Nguyễn Thế Trung - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương có bài tham luận tại hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Tham luận tại Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An", ông Nguyễn Thế Trung - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương kiến nghị: Nghệ An phải khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, lợi thế đất đai, khí hậu và các tiềm năng khác của tỉnh để xây dựng, phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Tiếp tục kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường trong nước, xuất khẩu với chuỗi giá trị cả nước.

Tôm nuôi là sản phẩm được nhiều nhà khoa học đề nghị tỉnh Nghệ An đưa vào nhóm cây con chủ lực. Ảnh tư liệu Quang An

Đối với tiêu chí sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của Nghệ An, cần có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước với khối lượng lớn và tương đối ổn định, lâu dài. Sản phẩm đạt hiệu quả cao trên đơn vị diện tích, trên đồng vốn đầu tư, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nông nghiệp. Đồng thời, phải áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dứa Queen ở Quỳnh Lưu có năng suất 35 tấn/ha. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng

Đối với 7 sản phẩm hàng hóa đã xác định (nếu thống nhất) như: dứa, cam quýt, chè, dược liệu, sữa, tôm, nước mắm Vạn Phần và sản phẩm chế biến từ gỗ thì phải đầu tư thích đáng từ quy hoạch đất, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, làm tốt công tác quảng bá thương hiệu, khuyến nông, đầu tư sản xuất giống tốt, nguồn nước tưới, phòng trừ sâu bệnh, thâm canh cao, quan tâm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cam Vinh được thị trường ưa chuộng. Ảnh tư liệu Quang An

Để khai thác tiềm năng, ông Nguyễn Thế Trung đề xuất một số vấn đề cần quan tâm chỉ đạo để các sản phẩm hàng hóa trở thành hiện thực: Rà soát quy hoạch quỹ đất lâu dài cho từng cây, con, từng sản phẩm chính, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả và diện tích đất đồi núi dốc dưới 150 để trồng cây nguyên liệu đã xác định.

Tạo môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu và tổ chức thị trường trong, ngoài nước như đất đai, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, nguyên liệu lâu dài, ổn định.

Nông dân trồng cà gai leo ở Con Cuông. Ảnh tư liệu Minh Hạnh

Vận động thành lập các hợp tác xã dịch vụ cho từng loại sản phẩm trên từng địa bàn có nguyên liệu (tạo điều kiện để doanh nghiệp ký hợp đồng nguyên liệu với HTX và HTX ký hợp đồng với nông dân dịch vụ đầu vào, đầu ra trong sản xuất nguyên liệu).

"Các doanh nghiệp sẽ không yên tâm đầu tư nếu bị động vùng nguyên liệu và rất khó ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân. Khu vực nông thôn chỉ nên khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chăn nuôi trang trại khi được quy hoạch xa khu dân cư và được xử lý môi trường tốt".

Ông Nguyễn Thế Trung - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương

Xuân Hoàng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/san-pham-nong-nghiep-cua-nghe-an-can-nam-trong-bo-san-pham-chu-luc-quoc-gia-268156.html