Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học: Sự lựa chọn của thế kỷ 21 giúp phát triển kinh tế xanh

Với cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Việt Nam đang bước đi nhanh hơn trong tiến trình phát triển xanh bằng những hành động cụ thể.

Việt Nam đẩy mạnh cuộc "cách mạng xanh" trong ngành nhựa

Ngay sau COP26 với cam kết mạnh mẽ, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Chính phủ đã có những chính sách cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đề ra đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chính phủ xây dựng đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan…

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị COP 26 đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong khu vực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị COP 26 và Thỏa thuận khí hậu Glasgow, hoan nghênh điểm tiếp cận, các hành động nhanh chóng, toàn diện và nỗ lực của Việt Nam.

Cùng với thế giới, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển xanh mà ở đó cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hưởng lợi.

Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng cũng như đẩy mạnh mô hình kinh doanh bền vững, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhựa, khi mà rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời.

Doanh nghiệp Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển xanh

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. (Ảnh: Internet)

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. (Ảnh: Internet)

Được biết, các doanh nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm đang chạy đua đầu tư hàng tỉ USD để mở rộng công suất sản xuất nhựa sinh học có nguồn gốc từ các nguyên liệu tự nhiên, có thể tái tạo và phân hủy sinh học.

Không thể phủ nhận, thị trường nhựa phân hủy sinh học trên thế giới đang rất sôi động, và chính phủ các nước cũng rất quan tâm đến sản phẩm tiềm năng này.

Nhận định về hướng đi này, TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho biết, việc đầu tư sản xuất bao bì nhựa phân hủy sinh học là sự lựa chọn “không mạo hiểm”. Bởi lẽ, trên thế giới, thị trường bao bì phân hủy sinh học đã đạt giá trị 81.7 tỉ USD năm 2020 và kì vọng đạt 118.85 tỉ USD vào năm 2026. Trong khi Châu Âu và Mỹ đã có lệnh cấm túi nilon 1 lần thì Châu Á và Châu Đại Dương là thị trường tiềm năng cho bao bì phân hủy sinh học trong tương lai. Công suất nhựa phân hủy sinh học dự báo tăng mạnh trong những năm tới.

Tại Việt Nam, dù chưa có nhiều ưu đãi đối với bao bì phân hủy sinh học song lộ trình cấm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy đến năm 2030 cũng sẽ tạo động lực cho phát triển thị trường bao bì phân hủy sinh học ở Việt Nam trong tương lai.

Minh chứng cho sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt định hình trên thị trường bao bì phân hủy sinh học quốc tế, theo lãnh đạo của Tập đoàn An Phát Holdings, các sản phẩm thân thiện môi trường của đơn vị đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia như: Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước Châu Âu khác.

Đối với thị trường trong nước, các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học mang nhãn hiệu AnEco cũng đã được các đơn vị lớn như Vinamilk, Pizza 4P’s, Soc&Brothers… tin dùng, bởi các túi nhựa phân hủy sinh học của AnEco phù hợp với quan điểm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Đặc biệt, An Phát Holdings là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận quốc tế về khả năng phân hủy sinh học, khi thương hiệu túi AnEco đã đạt chứng nhận quốc tế như TUV OK Compost Home, TUV OK Compost INDUSTRIAL và BPI Compostable… về khả năng phân hủy sinh học. “Đây là những chứng nhận rất khắt khe của thế giới” – lãnh đạo An Phát Holdings nhấn mạnh.

Bên cạnh các sản phẩm túi phân hủy sinh học, Công ty còn sản xuất thêm được nhiều sản phẩm dùng một lần như dao, thìa, nĩa, găng tay… đều có nguồn gốc từ nhựa sinh học, hoàn toàn phân hủy.

Các sản phẩm AnEco được làm từ nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, có khả năng phân hủy hoàn toàn thành mùn, CO2 và nước trong 6 -12 tháng ở điều kiện chôn ủ công nghiệp hoặc chôn lấp tại vườn nhà. Vì thế, AnEco hiện đang là giải pháp tối ưu để người tiêu dùng tin tưởng và yên tâm lựa chọn khi vừa thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng hơn 30 tỷ túi nilon bị thải bỏ, chỉ có 17% trong số đó được tái sử dụng. Túi nilon chiếm 1/3 số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam và Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thải ra rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á.

Rác thải nhựa như túi nilong, vỏ hộp xốp, ống hút nhựa khó phân hủy dẫn đến thảm họa "trắng" là ô nhiễm nhựa. Nhiều người gọi rác thải nhựa là tội phạm môi trường.

Hà Ly

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tieu-dung-san-pham-nhua-phan-huy-sinh-hoc-su-lua-chon-cua-the-ky-21-giup-phat-trien-kinh-te-xanh-71403.html