Sản phẩm mới NPK-S Lâm Thao 16.8.16+4S: Chất lượng đã được kiểm chứng!

Là 1 trong 6 sản phẩm thế hệ mới được Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tung ra thị trường từ tháng 1/2018, thông qua kết quả của rất nhiều mô hình khảo nghiệm, chất lượng NPK-S Lâm Thao 16.8.16 + 4S được đánh giá là vượt trội, giúp cây trồng tăng năng suất từ 15 - 20%.

Mô hình bón phân NPK-S Lâm Thao 16.8.16 + 4S cho cây lúa vụ mùa 2018 tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Thương hiệu Phân bón Lâm Thao – 3 nhành lá cọ xanh từ lâu đã trở nên quá quen thuộc với bà con nông dân canh tác nông nghiệp trên khắp cả nước. Bắt đầu sản xuất từ năm 1962, đến nay, sản lượng phân bón cung ứng ra thị trường mang thương hiệu phân bón Lâm Thao đã đạt gần 40 triệu tấn, góp phần không nhỏ vào việc đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản đứng đầu thế giới, đồng thời củng cố an ninh lương thực quốc gia. Những sản phẩm truyền thống của Công ty như Supe lân, và bộ sản phẩm NPK-S*M1 5.10.3+8S bón lót, NPK-S*M1 12.5.10+14S bón thúc đã có mặt trên thị trường trên 20 năm và trở thành công thức phân bón biểu tượng để các hãng sản xuất phân bón đi sau “học tập”.

Để có thể hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả cho bà con, ngay từ những năm 90, Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã mời các chuyên gia đầu ngành về bón phân cho cây trồng của Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… cùng nghiên cứu và đưa ra công thức, liều lượng bón phân phù hợp cho các loại cây trồng, đảm bảo năng suất cây trồng tăng từ 10 - 15%.

Tuy nhiên, hiện nay, đối với bà con nông dân, nhất là nông dân khu vực phía Bắc, nhu cầu về các loại phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao để bón cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như lúa chất lượng, cây ăn quả, cây công nghiệp… đang ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm NPK có hàm lượng dinh dưỡng cao, uy tín trên thị trường khu vực phía Bắc đang chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu hoặc được sản xuất bởi các doanh nghiệp có trụ sở ở phía Nam.

Thêm vào đó, sau quá trình dài khai thác, nguồn dinh dưỡng trong đất ngày càng ít đi đòi hỏi nguồn dinh dưỡng bổ sung cao hơn. Chính vì vậy, xác định trách nhiệm của đơn vị sản xuất phân bón uy tín hàng đầu Việt Nam, vào tháng 2/2017, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã quyết định đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất phân tổng hợp NPK-S có hàm lượng dinh dưỡng cao theo công nghệ Urê hóa lỏng. Đây là công nghệ sản xuất được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Áp dụng theo công nghệ Urê hóa lỏng, dây chuyền có thể sản xuất được những chủng loại NPK có hàm lượng dinh dưỡng N lên đến 20%, tổng dinh dưỡng tối đa đạt 55% nhưng giá bán lại rất hợp lý, tiết kiệm chi phí vận chuyển cho bà con.

NPK-S Lâm Thao 16.8.16+4S – phiên bản cao cấp hơn của NPK-S*M1 Lâm Thao 12.5.10+14S

Sản phẩm NPK-S Lâm Thao 16.8.16+4S chính thức được Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tung ra thị trường từ tháng 1/2018 cùng với các sản phẩm khác như NPK-S Lâm Thao 16.16.8 + 6S, NPK-S Lâm Thao 13.13.13+4S… thông qua kết quả của rất nhiều mô hình khảo nghiệm, chất lượng NPK-S Lâm Thao 16.8.16 + 4S được đánh giá là vượt trội, giúp cây trồng tăng năng suất từ 15 - 20%.

Mới đây nhất, vào ngày 24/9/2018, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao tổ chức buổi tổng kết đánh giá hiệu quả của bón phân NPK-S Lâm Thao 16.8.16 + 4S cho cây lúa vụ mùa 2018 tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ – đây là địa phương có diện tích trồng lúa tập trung cao bậc nhất của huyện.

Để có thể đánh giá được hiệu quả vượt trội của NPK-S Lâm Thao 16.8.16+4S, Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao đã xây dựng mô hình như sau:

(Bón lót cùng sử dụng NPK-S*M1 5.10.3 + 8S với mức bón lần lượt là: MH1 và MH2 bón 20kg/sào, MH3 bón 17kg/sào trước lần bừa cuối cùng).

Như vậy, mô hình sử dụng NPK-S Lâm Thao 16.8.16 + 4S (MH3) cho hiệu quả kinh tế cao nhất khi tạo lợi nhuận 784.600đ/sào 360 m2 cao hơn 311.800đ so với việc sử dụng phân bón theo tập quán địa phương (MH1) và cao hơn 168.000đ so với việc sử dụng phân bón NPK-S*M1 Lâm Thao 12.5.10 + 14S (MH2).

Trong quá trình theo dõi sinh trưởng và phát triển của cây lúa, ông Hà Ngọc Giang - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao còn đưa ra kết luận: So với MH1 và MH2, mô hình bón phân NPK-S Lâm Thao 16.8.16+4S ngoài tạo ra giá trị kinh tế cao hơn, còn giảm 1 lần công chăm bón và 1 lần công phun thuốc trừ sâu do không bị rầy nâu và các loại sâu bệnh khác chỉ bị nhiễm nhẹ, trong khi MH1 bị nhiễm rầy nâu nặng và MH2 nhiễm nhẹ, khả năng chống đổ của MH3 cũng vượt trội hơn do hàm lượng Kali cao.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đức Thành – Phó phòng Kinh doanh Công ty tỏ ra rất phấn khởi khi những mô hình tổng kết sử dụng phân bón hàm lượng cao mới trên các loại cây trồng của Công ty đều cho kết quả vượt trội.

Ông Thành nhấn mạnh: “Trong điều kiện trình độ thâm canh của bà con nông dân khu vực miền Bắc ngày càng cao, diện tích cây trồng thị bị thu hẹp lại trong khi diện tích chuyển đổi từ các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây công nghiệp hay lúa chất lượng… đang có xu hướng tăng thì việc sản xuất các sản phẩm NPK-S Lâm Thao hàm lượng dinh dưỡng cao nói chung và sản phẩm NPK-S Lâm Thao 16.8.16 + 4S nói riêng là tất yếu phải thực hiện”.

Tuy sinh sau đẻ muộn hơn nhiều đơn vị sản xuất phân bón khác trên thị trường nhưng với nền tảng quan trọng là thương hiệu phân bón Lâm Thao đã được đông đảo bà con cả nước tin tưởng sử dụng.

Ông Thành thể hiện quyết tâm: “Dù mới ra mắt đầu năm nay nhưng với chất lượng vượt trội và đang trên đà ngày càng hoàn thiện, giá bán đến tay người tiêu dùng rẻ hơn các sản phẩm cùng loại của các đơn vị khác có mặt trên thị trường từ 1.000 – 2.000đ/kg, cộng với sự ủng hộ, đồng hành của các Nhà phân phối và sự tin tưởng của bà con nông dân, tôi tin rằng các sản phẩm NPK-S Lâm Thao hàm lượng dinh dưỡng cao của Công ty sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường miền Bắc và tiến dần vào thị trường miền Trung, Tây Nguyên – nơi có nhu cầu rất lớn về các loại phân bón hàm lượng dinh dưỡng cao”.

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/san-pham-moi-npk-s-lam-thao-168164s-chat-luong-da-duoc-kiem-chung-post228426.html