Sản phẩm mang lại nhiều hấp dẫn cho nhà đầu tư

Chứng quyền có bảo đảm (CQCBĐ) được chính thức giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vào cuối tháng 6 vừa qua. Sự xuất hiện của sản phẩm này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư với chi phí thấp so với cổ phiếu, trong khi vẫn có thể tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ biến động giá của thị trường chứng khoán cơ sở.

Hiệu ứng đòn bẩy cao

Tại Nghị định số 60/2015/CP-NĐ của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, CQCBĐ được định nghĩa là chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành. Nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí để sở hữu chứng quyền và được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định, hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện. CQCBĐ được giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở, có cơ chế giao dịch và thanh toán tương tự như các sản phẩm chứng khoán cơ sở khác như cổ phiếu, trái phiếu. Tại nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, CQCBĐ có các tên gọi khác nhau, như: Chứng quyền phái sinh (Hồng Công, Thái Lan), chứng quyền cơ cấu (Malaysia), chứng quyền mua/bán (Đài Loan), chứng quyền gắn với cổ phiếu (Hàn Quốc).

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sản phẩm này hứa hẹn mang lại nhiều sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, như: Tính đòn bẩy, chi phí đầu tư thấp, giao dịch và thanh toán dễ dàng, không phải ký quỹ trước khi giao dịch, cố định khoản lỗ tối đa. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư để sở hữu CQCBĐ nhỏ hơn nhiều lần so với chứng khoán cơ sở nhưng trong trường hợp giá cổ phiếu biến động đúng như dự đoán, nhà đầu tư chứng quyền sẽ thu được lợi nhuận rất lớn so với khoản chi phí đầu tư ban đầu do hiệu ứng đòn bẩy mang lại. Trường hợp giá chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với dự đoán của nhà đầu tư thì khoản lỗ tối đa trong tình huống này là khoản phí (giá) của chứng quyền mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu.

 Nhân viên môi giới chứng khoán tư vấn về sản phẩm cho khách hàng tại sàn chứng khoán của Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: THANH TÙNG

Nhân viên môi giới chứng khoán tư vấn về sản phẩm cho khách hàng tại sàn chứng khoán của Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: THANH TÙNG

Nhà đầu tư đón nhận tích cực

Đánh giá tổng quan về thị trường chứng khoán, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCKNN nhận định: Với sự điều hành của Chính phủ trong kiên định về chính sách tiền tệ, linh hoạt quản lý kinh tế vĩ mô thì thị trường chứng khoán sẽ có sự phát triển tốt trong 6 tháng cuối năm. Về CQCBĐ, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng đây là sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Đại diện UBCKNN đã công bố kết quả phát hành CQCBĐ đợt đầu tiên. Theo đó, cuối tháng 6-2019, UBCKNN đã cấp phép cho 16/17 bộ hồ sơ đăng ký chào bán của 7/8 công ty chứng khoán nộp hồ sơ với số lượng chứng quyền đăng ký chào bán là 28,9 triệu chứng quyền; tổng giá trị chào bán tối đa đạt 104 tỷ đồng. Các tổ chức chào bán đều là các công ty chứng khoán có năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, khả năng thanh toán nợ đến hạn và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định. Theo báo cáo kết quả chào bán, tổng số lượng chứng quyền đã phân phối là 8.622.250 chứng quyền, tương ứng với 39,37% tổng khối lượng chứng quyền được phép chào bán, trong đó có 4 sản phẩm đã phân phối hết 100% khối lượng cho các nhà đầu tư.

Thông tin từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong phiên giao dịch đầu tiên của CQCBĐ vào ngày 28-6, đã có 2,94 triệu chứng quyền được chuyển nhượng thành công với giá trị khoảng 5,4 tỷ đồng. 10 mã CQCBĐ đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam có thời gian đáo hạn từ 3 đến 6 tháng, dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở là: FPT, HPG, MBB, MWG, PNJ và VNM. Với việc thị trường cơ sở đang ở vùng đáy ngắn hạn và dòng tiền trở nên thận trọng, ngay khi mở cửa phiên giao dịch sản phẩm mới này đã thu hút được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Dòng tiền tập trung ở các mã, như: CFPT1901, CMWG1901… Về chiến lược đầu tư, MBS nhận định dòng tiền sẽ ưu tiên các mã có thanh khoản, bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể canh mua đối với các CQCBĐ bị chốt lời trong phiên.

Nghĩa vụ thanh toán khi đáo hạn

Các chuyên gia cho rằng, CQCBĐ giao dịch trên thị trường sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư với chi phí thấp so với cổ phiếu trong khi vẫn có thể tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ biến động giá của chứng khoán cơ sở. Hiệu ứng đòn bẩy có thể mang lại cho nhà đầu tư một tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư lớn hơn, trong khi mức phí tổn do lỗ vốn được khống chế tối đa bằng mức chi phí đầu tư ban đầu (phí mua chứng quyền). Tuy nhiên, do tính chất đòn bẩy của CQCBĐ, sự thay đổi của giá chứng khoán cơ sở tác động lên chứng quyền ở một tỷ lệ % lớn hơn.

UBCKNN khuyến cáo, một rủi ro khác mà nhà đầu tư cần quan tâm chính là khả năng tài chính của tổ chức phát hành. Theo đó, nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán sẽ dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn. Việc triển khai sản phẩm CQCBĐ góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán, bên cạnh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư sẽ có thêm lựa chọn, công cụ đầu tư. Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm phù hợp với tất cả các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp. Vì vậy, các nhà đầu tư nên trang bị kiến thức để trở thành những người am hiểu về sản phẩm trước khi quyết định đầu tư vào CQCBĐ.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/san-pham-mang-lai-nhieu-hap-dan-cho-nha-dau-tu-582395