Sản lượng khách đi xe buýt mới chỉ đạt 60% so với trước dịch COVID-19

Tổng công ty Vận tải Hà Nội ưu tiên, tập trung thực hiện xây dựng phương án tối ưu về luồng tuyến, phương tiện, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt.

Xe buýt Hà Nội có sản lượng hành khách tăng trưởng mạnh so với năm 2021 nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xe buýt Hà Nội có sản lượng hành khách tăng trưởng mạnh so với năm 2021 nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết năm 2022, lượt xe buýt thực hiện ước đạt khoảng 90,5% kế hoạch; sản lượng hành khách tăng trưởng mạnh so với năm 2021, tuy nhiên mới chỉ đạt gần 60% so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019).

“Các tuyến buýt không trợ giá (xe buýt phục vụ sân bay Nội Bài, xe buýt Citytour 2 tầng) đang dần khôi phục nhưng sản lượng khách còn thấp, chủ yếu phục vụ hành khách trong nước,” ông Nam thông tin thêm tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Transerco vào chiều 6/1,

Có được kết quả này, ông Nam cho rằng, Transerco chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh lộ trình, biểu đồ hoạt động theo hướng hợp lý hóa, giảm ùn tắc giao thông, mở rộng vùng phục vụ và tăng kết nối mạng lưới: điều chỉnh lộ trình 31 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông và tránh ùn tắc giao thông; hợp lý hóa biểu đồ 38 tuyến xe buýt tạo thuận lợi hơn cho khách sử dụng dịch vụ; thực hiện kết nối xe buýt, tạo luồng khách cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Năm 2023, Transerco định hướng triển khai công tác chuẩn bị tham gia đấu thầu mở mới các tuyến buýt và đấu thầu các tuyến buýt đã hết thời hạn thầu với mục tiêu giữ vững vai trò chủ lực, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tổng công ty rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới tuyến để đề xuất xây dựng phương án tối ưu và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt; triển khai thí điểm đường ưu tiên cho xe buýt để cải thiện thời gian chuyến đi; nghiên cứu lộ trình đa dạng hóa loại hình vé, cơ cấu giá vé và tiến tới áp dụng vé điện tử liên thông với các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lớn khác.

Ngoài ra, Transero khảo sát, đề xuất hợp lý hóa lộ trình, tránh các điểm ùn tắc, tăng kết nối và mở rộng vùng phục vụ; khắc phục tồn tại, bất cập tại các điểm dừng để tạo thuận tiện cho hành khách và bảo đảm điều kiện xe buýt hoạt động; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật và bảo dưỡng sửa chữa phương tiện thông qua việc đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ, rà soát, thay đổi quy trình, quy định...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội biểu dương thành tích Transerco đã giữ ổn định các hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng hơn so với năm trước, chất lượng dịch vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có nhiều cải tiến tích cực.

Ông Quyền yêu cầu Transerco triển khai thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải môi trường, trong đó từ năm 2025 là 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đánh giá việc “xanh hóa xe buýt” là cơ hội nhưng cũng là thách thức do chi phí đầu tư, vận hành loại hình xe buýt này lớn hơn nhiều lần so với xe buýt diesel hiện tại, vì vậy, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội cho rằng việc chuyển sang sử dụng xe buýt năng lượng xanh cần phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp trên cơ sở bảo toàn vốn Nhà nước tại Tổng công ty.

Để đạt được chỉ tiêu về tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đề ra, đến năm 2025 đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của nhân dân, ông Quyền đề nghị Transerco ưu tiên, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ thành phố đã giao; tiếp tục mạnh dạn trong tư duy, đổi mới, bên cạnh đó phối hợp với các Sở, ngành thành phố rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới tuyến để đề xuất xây dựng phương án tối ưu về luồng tuyến, phương tiện, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô.

Ông Quyền cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Transerco tiếp tục rà soát, nghiên cứu hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế, chính sách để Tổng công ty nói riêng và các doanh nghiệp buýt nói chung ổn định hoạt động, hệ thống vận tải hành khách công cộng tiếp tục phát triển theo định hướng của thành phố./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/san-luong-khach-di-xe-buyt-moi-chi-dat-60-so-voi-truoc-dich-covid19/839885.vnp