Sản lượng cây trồng nông nghiệp chủ chốt toàn cầu năm 2050 sẽ giảm khoảng 20%

Kết quả nghiên cứu cho thấy Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đặc biệt là hoạt động sản xuất lúa gạo của khu vực này.

Thu hoạch lúa Thu Đông sớm tại xã Phú Điền, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Thu hoạch lúa Thu Đông sớm tại xã Phú Điền, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu chung về sự bền vững và thích ứng môi trường của Đại học Trung văn Hong Kong (Trung Quốc) và Đại học Exeter (Vương quốc Anh) đã công bố báo cáo nghiên cứu mới nhất, đánh giá tổng hợp những ảnh hưởng của ô nhiễm ozon tầng mặt đất và biến đổi khí hậu đối với sản lượng các loại cây trồng nông nghiệp chủ chốt trên toàn cầu.

Báo cáo dự đoán sản lượng các loại cây trồng nông nghiệp chủ chốt trên toàn cầu sẽ giảm 22% vào năm 2050.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đặc biệt là hoạt động sản xuất lúa gạo của khu vực này. Chỉ tính riêng ảnh hưởng của thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây nên đã khiến cho sản lượng lúa gạo của khu vực này giảm khoảng 40% vào cuối thế kỷ 21.

Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá về tác động cộng hưởng của ba nhân tố, bao gồm tầng ozon, phát thải CO2 và biến đổi khí hậu đối với cây trồng nông nghiệp, đồng thời dự đoán mức độ chịu ảnh hưởng mỗi năm của cây trồng nông nghiệp, kết quả cho thấy an ninh lương thực và khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn.

Ông Lương Bái Kiện, người phụ trách và tác giả chính của dự án nghiên cứu này cho biết, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cây trồng nông nghiệp ở các khu vực nhiệt đới giảm sản lượng, trong đó các nước sản xuất lúa gạo "đứng mũi chịu sào". Ô nhiễm ozon tầng mặt đất cũng triệt tiêu hiệu ứng bón phân CO2.

Đội ngũ nghiên cứu tin tưởng rằng cùng với những tiến bộ về công nghệ cây trồng nông nghiệp, chẳng hạn như phát triển một số giống cây trồng nông nghiệp chịu nhiệt và chịu yếm khí, kết hợp bổ sung dinh dưỡng, về lâu dài có thể cải thiện vấn đề an ninh lương thực và cung cấp đủ lương thực để hỗ trợ tăng trưởng dân số./.

Thạch Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/san-luong-cay-trong-nong-nghiep-chu-chot-toan-cau-nam-2050-se-giam-khoang-20/249297.html