Sân khấu truyền thống: Sáng đèn phục vụ khán giả

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rạp hát của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh (số 70 Sinh Trung, TP. Nha Trang) đã có những đêm sáng đèn để phục vụ khán giả. Điều đó đã mang đến nhiều cảm xúc đối với cả khán giả và diễn viên.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rạp hát của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh (số 70 Sinh Trung, TP. Nha Trang) đã có những đêm sáng đèn để phục vụ khán giả. Điều đó đã mang đến nhiều cảm xúc đối với cả khán giả và diễn viên.

Tối 11-2 (tức mùng 7 Tết Kỷ Hợi), tại sân khấu của Nhà hát NTTT, hơn 100 khán giả, trong đó có cả những em nhỏ và cụ già đều chăm chú theo dõi từng lời ca điệu múa của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Dân ca kịch. Lượng khán giả tuy ít, nhưng đều là những người có niềm yêu thích với loại hình NTTT. “Thời trẻ tôi thường đi xem hát tuồng, hát dân ca nên mê lắm. Bây giờ lớn tuổi rồi không đi xem được nhiều, nhưng lúc nào có thể tôi đều nhờ con cháu chở đi xem. Cũng lâu lắm rồi tôi mới được xem hát ở rạp như thế này. Không khí đêm diễn tuy có khác trước, nhưng xem vẫn rất thích”, bà Nguyễn Thị Chín (đường Phan Bội Châu) cho biết. Em Kim Loan (học sinh Trường THCS Âu Cơ, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Em đã từng được xem các cô chú diễn viên về biểu diễn dân ca bài chòi ở trường nên thấy thích lắm. Hôm nay, biết các cô chú diễn ở rạp, em cùng mẹ đến xem. Xem diễn ở rạp có âm thanh, ánh sáng tốt nên thấy hay hơn và có cảm xúc hơn”.

 Tổ khúc dân ca bài chòi Khúc hát ân tình do các nghệ sĩ Đoàn Dân ca kịch biểu diễn.

Tổ khúc dân ca bài chòi Khúc hát ân tình do các nghệ sĩ Đoàn Dân ca kịch biểu diễn.

Đêm diễn tuy chỉ diễn ra trong khoảng 90 phút, nhưng khán giả đã được trải qua những cảm xúc khác nhau qua từng tiết mục. Đó là làn điệu bài chòi thấm đẫm tâm hồn mỗi người qua tổ khúc dân ca Khúc hát ân tình; không khí vui tươi, rộn ràng với tiếng mõ tre, tiếng hô thai của các chú Hiệu trong màn tái hiện hội chơi bài chòi. Đó còn là những tiếng cười, khoảng lặng trong vở kịch ngắn Chí Phèo - Thị Nở được phóng tác theo tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Theo nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm, những tiết mục này được dàn dựng theo tiêu chí ngắn, gọn, súc tích, giàu ý nghĩa để phục vụ cho các chương trình sân khấu học đường hoặc biểu diễn nghệ thuật đường phố. Trong kế hoạch biểu diễn phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán, những tiết mục này được đưa vào biểu diễn trong rạp hát cũng đã phần nào đáp ứng nhu cầu của khán giả yêu mến dân ca bài chòi.

Tương tự Đoàn Dân ca kịch, các nghệ sĩ của Đoàn Tuồng cũng gửi tới khán giả vở tuồng Dũng khí Đặng Đại Độ mới được dàn dựng cuối năm 2018. Để thu hút khán giả đến rạp, các diễn viên của đoàn đã đến các địa điểm công cộng trong thành phố để gửi giấy mời tới tận tay mỗi người; đồng thời thu âm lời giới thiệu về vở diễn để phát qua hệ thống âm thanh được đặt phía trước rạp. Nhờ vậy, nhiều khán giả lớn tuổi đã biết và đến xem vở diễn. Nếu như ở sân khấu đường phố, các nghệ sĩ, diễn viên gửi tới khán giả các trích đoạn tuồng thể hiện những giá trị đặc sắc của loại hình sân khấu truyền thống này như: Tiết Giao đoạt ngọc, Trần Quốc Toản ra quân, Huê Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ... thì việc diễn nguyên một vở ở rạp phục vụ khán giả cũng mang đến những cảm xúc đối với diễn viên. “Chúng tôi không có sự phân biệt việc biểu diễn ở đâu, miễn là nơi đó có khán giả. Tuy nhiên, được biểu diễn ở rạp vẫn luôn tạo được nguồn cảm hứng nhất định cho mỗi người để diễn hay hơn”, nghệ sĩ Bùi Cao Phước chia sẻ.

Lâu nay, việc sáng đèn biểu diễn phục vụ khán giả gần như không có. Trong nỗ lực tìm kiếm khán giả đến với rạp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lãnh đạo nhà hát đang cố gắng liên hệ với các doanh nghiệp du lịch để kết nối đưa khách đến xem. Mong sao hướng đi này sẽ đạt được kết quả như mong đợi để sân khấu truyền thống được đỏ đèn nhiều hơn.

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201902/san-khau-truyen-thong-sang-den-phuc-vu-khan-gia-8105347/