Sân khấu truyền thống dành cho thiếu nhi: Những nỗ lực đáng ghi nhận

Sân khấu Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 sôi động không phải bởi những chương trình nghệ thuật quy mô lớn, hay những buổi trình diễn của các ngôi sao ca nhạc, giải trí nổi tiếng, mà lại chính là vở diễn 'Tấm Cám' dành cho các em thiếu nhi.

Vở diễn “Alibaba và 40 tên cướp” được dàn dựng, trình diễn tại Nhà hát Lam Sơn.

Trong bối cảnh gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều loại hình giải trí đa phương tiện hiện nay, sân khấu truyền thống dành cho thiếu nhi vẫn có “đất diễn”, các nghệ sĩ, diễn viên xứ Thanh vẫn ngày đêm miệt mài đem đến cho các em nhỏ những vở diễn ấn tượng, sâu sắc, góp phần phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những giá trị, bản sắc nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Sân khấu Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 sôi động không phải bởi những chương trình nghệ thuật quy mô lớn, hay những buổi trình diễn của các ngôi sao ca nhạc, giải trí nổi tiếng, mà lại chính là vở diễn “Tấm Cám” dành cho các em thiếu nhi.

Được dàn dựng dựa theo truyện cổ tích “Tấm Cám”, kịch bản có “gạn đục khơi trong”, chọn lọc những cốt truyện chính để thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa: Ca - vũ - kịch, hơn 40 diễn viên, nhạc công của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn bằng lời ca, tiếng hát, qua những điệu múa trên sân khấu đã thực sự đem lại những ấn tượng sâu sắc cho các em học sinh và các thầy cô, phụ huynh. Em Trần Nhật Quang, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Thanh Hóa), cho biết: Mặc dù truyện cổ tích “Tấm Cám” em đã đọc nhiều lần, nhưng đây mới là lần đầu tiên em được xem trên sân khấu. Các cô, các chú diễn viên đã diễn rất hay và làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn hơn. Vở diễn đã giúp em và các bạn hiểu thêm ý nghĩa của câu chuyện, cũng như biết được nghệ thuật sân khấu”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) cho biết: Tôi rất mừng là nhà trường đã tạo điều kiện để các cháu học sinh mầm non trong đó có con trai tôi được tiếp cận nghệ thuật sân khấu truyền thống, được xem các vở diễn. Đây là hoạt động ngoại khóa rất bổ ích. Các vở diễn sân khấu thiếu nhi là rất cần thiết, bổ ích và mang tính giáo dục cao, bởi nó đem đến cho các em những thông điệp về cuộc sống như: Hãy sống nhân ái, yêu thương, giúp đỡ mọi người, sống trung thực, có lòng vị tha; ca ngợi tình thương yêu gia đình, tình bạn, đồng thời phê phán những thói hư, tật xấu.

Đã trở thành thông lệ, năm nào cũng vậy, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đều xây dựng các vở diễn sân khấu dành cho thiếu nhi chủ yếu là các em học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số địa phương khác trong tỉnh. Với nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, do vậy mỗi năm, nhà hát cũng chỉ xây dựng được 1 vở diễn sân khấu dành cho thiếu nhi. Dù chỉ diễn cho đối tượng là các em thiếu nhi nhưng nhà hát vẫn phải tuân thủ đầy đủ những quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của tỉnh từ việc xây dựng, trình phê duyệt kịch bản, cho tới việc chọn, phân vai diễn viên, xây dựng các phân cảnh, bố trí các đạo cụ, phông, nền mỹ thuật liên quan đến các cảnh diễn trên sân khấu, cũng như có sự chuẩn bị công phu, cẩn thận về nhạc cụ, nhạc công, âm thanh, ánh sáng. Quá trình xây dựng kịch bản sân khấu dành cho các em thiếu nhi đã khó, việc biểu diễn trên sân khấu lại càng khó hơn, đòi hỏi tài năng của người diễn viên, bởi lời thoại, cách diễn xuất của các diễn viên (chủ yếu là người lớn) phải phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi mới đem tới sự hấp dẫn, lôi cuốn các em.

Bên cạnh những vở diễn được xây dựng từ những câu chuyện cổ tích, dân gian Việt Nam, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn cũng đã dựng nhiều vở diễn từ truyện cổ tích của thế giới nhằm đa dạng hóa các vở diễn, tránh sa lối mòn, gây sự nhàm chán. Năm 2018, nhà hát đã xây dựng và ra mắt vở diễn “Alibaba và 40 tên cướp”. Các nghệ sĩ, diễn viên đã đem tới những nét trình diễn đậm chất Việt dù đây là câu chuyện ở xứ sở Ba Tư xa xôi. Nhạc sĩ Thế Việt, Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, cho biết: Trên thực tế, nhiều năm trước, ngay ở thời chúng tôi đều cố gắng xây dựng ít nhất 1 vở diễn sân khấu dành cho thiếu nhi trong tỉnh. Từ khi được tiếp quản Nhà hát Lam Sơn, điều kiện để đưa sân khấu truyền thống thông qua các vở diễn dành cho các em thiếu nhi thuận lợi hơn rất nhiều. Các trường học đưa các em học sinh đi xem sân khấu thiếu nhi là hoạt động ngoại khóa rất tốt, rất bổ ích. Nhà hát đều có xe đón, trả các em đảm bảo an toàn, thuận tiện; trong quá trình biểu diễn còn có sự tương tác giữa diễn viên với khán giả nhỏ tuổi, đố vui tặng quà... để tạo cho các em niềm hứng khởi với những điều lý thú, bổ ích.

Qua tìm hiểu, hầu hết ban giám hiệu các trường đều muốn duy trì hoạt động ngoại khóa bổ ích này hàng năm. Cho các em thiếu nhi đi xem các vở diễn sân khấu là hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các bậc phụ huynh. Ai cũng muốn con em mình đi để biết thế nào là sân khấu truyền thống, đi để được đón nhận những bài học, những vẻ đẹp của cuộc sống, những câu chuyện dung dị, nhân văn và đầy tính giáo dục... Nhiều phụ huynh cho rằng, một năm chỉ có một vở diễn dành cho các em thiếu nhi hiện nay là khá ít. Trên thực tế, để thêm những vở diễn sân khấu truyền thống dành cho thiếu nhi, cần có thêm kinh phí, tuy vậy trong bối cảnh công tác xã hội hóa vẫn còn hạn chế, nguồn kinh phí sự nghiệp lại quá eo hẹp, nỗ lực duy trì các vở diễn trong những năm qua của các nghệ sĩ xứ Thanh là đáng trân trọng. Trong lúc chưa thể tăng số lượng vở diễn, các nghệ sĩ, diễn viên tập trung nâng cao chất lượng, tính đặc sắc của các vở diễn hiện tại, nỗ lực đưa sân khấu truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ ngày nay, để các em được biết đến những giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc và cũng là để các em biết thêm những bài học, những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Khánh Hưng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/san-khau-truyen-thong-danh-cho-thieu-nhi-nhung-no-luc-dang-ghi-nhan/97850.htm