Sân khấu truyền thống- cầu nối văn hóa hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc

Những điệu múa truyền thống hòa trong những lời ca, giai điệu sâu lắng, trữ tình của các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc đã mang đến không khí ấm cúng, thắm tình hữu nghị Việt Trung, xua đi giá rét của mùa Đông miền Bắc.

Các nghệ sĩ hai nước cùng nhau giao lưu, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn thông qua Hội thảo “Nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam- Trung Quốc, kế thừa và phát triển”, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức sáng 11-12, tại Hà Nội. Trong khuôn khổ Hội thảo còn có triển lãm hình ảnh nghệ sĩ Mai Lan Phương (Trung Quốc); biểu diễn giao lưu sân khấu Việt Nam-Trung Quốc, gồm những trích đoạn sân khấu tiêu biểu của nghệ sĩ hai quốc gia.

Quang cảnh hội thảo.

Trải nghiệm sự độc đáo của sân khấu truyền thống Việt Nam - Trung Quốc

Nghệ sĩ hai nước tham dự hội thảo tập trung thảo luận các các vấn đề: Những dấu ấn sân khấu sân khấu Việt Nam trong hội nhập, giao lưu với sân khấu Trung Quốc; đánh giá thực trạng sân khấu truyền thống trong giai đoạn hiện nay; giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật; tăng cường giao lưu hội nhập trong thời kỳ đổi mới…

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định, hội thảo và các hoạt động bên lề là dịp để những người làm nghệ thuật hai nước có cơ hội trải nghiệm tính độc đáo và sự đa dạng của sân khấu truyền thống cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa nghệ thuật, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển.

Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa - Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Sân khấu truyền thống của hai nước Trung Quốc và Việt Nam lâu đời đều thuộc về hệ thống sân khấu cổ điển phương đông, thể hiện được những nét đặc sắc của mỗi quốc gia. Điều này đã tạo nền móng cho việc giao lưu và hợp tác giữa ngành sân khấu truyền thống hai nước.

Tiết mục của các nghệ sĩ Việt Nam.

Tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Trung Quốc.

Khán giả xem triển lãm hình ảnh nghệ sĩ Mai Lan Phương (Trung Quốc).

Theo đánh giá của nhà lý luận phê bình sân khấu, PGS Tất Thắng: Đề tài quân quốc bao trùm và xuyên suốt hầu hết trong các vở tuồng cổ Việt Nam mà nhân vật trung tâm là những anh hùng xả thân vì vua, vì nước. Hầu hết những vở tuồng hay đều là những vở đề tài quân quốc, xây dựng hình tượng người anh hùng của lý tưởng trung quân-ái quốc như các vở: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Triệu Đình Long, Đào Phi Phụng…Vở tuồng Trầm Hương các của Việt Nam lấy cảm hứng sáng tạo từ truyện Phong Thần của Trung Quốc, với hai nhân vật nổi tiếng là Trụ Vương và Đát Kỷ, cùng những trích đoạn đã trở thành những mảng trò hay của kho tàng sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam.

PGS Tất Thắng cho biết: Tư tưởng đạo đức Khổng tử, Phật giáo, Lão giáo có trong các vở tuồng, chèo, Việt Nam thì rất nhiều nhưng khi tam giáo này du nhập vào Việt Nam thì trong một số trường hợp, hòa đồng với nhau để tạo thành hiện tượng Tam giáo đồng nguyên, điển hình là trong vở chèo “Từ Thức”.

Theo PGS,TS Trần Trí Trắc, văn học nghệ thuật của Việt Nam và Trung Quốc đều có chung tư duy hướng nội, tả ý, tả thần và biểu hiện cảm xúc cái tôi của nghệ sĩ trước hiện thực cơ bản. Nhờ đó, nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước có âm-dương, tích-trò, đào-kép…

Phát triển sân khấu truyền thống phải gắn với đổi mới

Đó là phát biểu của GS Diên Bảo Toàn, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện kịch và Điện ảnh truyền hình, Đại học Sư phạm Sơn Tây (Trung Quốc).

Theo GS Diên Bảo Toàn, nếu chỉ đơn giản là lưu trữ mà không thổi hồn cốt mới thì sẽ mất đi mạch nguồn nuôi dưỡng, gốc rễ để phát triển. Sự phát triển không đổi mới cũng đồng nghĩa với thụt lùi, sáng tạo mà không phát triển giống như mò mẫm trong bóng đêm. Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc đang nỗ lực để bảo tồn, kế thừa loại hình nghệ thuật kịch truyền thống cũng như kiên định đường lối phát triển các di sản văn hóa dân tộc một cách sáng tạo.

Đánh giá về văn hóa, nghệ thuật Việt - Trung, ông Mao Trung, Viện kỷ niệm Mai Lan Phương (Trung Quốc) cho rằng: Hoạt động giao lưu, học hỏi trong lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã có từ lâu đời. Quá trình ra đời và phát triển của nhiều loại hình kịch khúc địa phương ở Trung Quốc và nghệ thuật ca kịch Việt Nam sau khi hình thành đã được “tưới đẫm” bởi những đặc sắc văn hóa quốc gia, dân tộc, từ đó hình thành những đặc trưng nổi bật, phong cách biểu diễn và khí chất văn hóa riêng có của mỗi nước.

TS Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Từ triều Trần đến triều Nguyễn, gắn với sự phát triển của nghệ thuật tuồng, nhiều vở diễn ra đời, không chỉ khai thác tích truyện dân gian và lịch sử dân tộc mà còn khai thác đề tài Trung Quốc như các vở: Hộ sanh đàn, Lý Phụng Đình, Đào Tam Xuân loạn trào…đi cùng với sự tiếp nhận tư tưởng nho giáo khi đề cao những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa, nhân nghĩa lễ trí tín. Tuy mượn cốt truyện Trung Quốc, ảnh hưởng Nho giáo Trung Quốc nhưng các vở diễn Việt Nam vẫn thấm nhuần đạo lý, cách cảm, cách nghĩ của người Việt.

Tìm lối thoát cho việc kế thừa và phát triển của ngành sân khấu truyền thống là nhiệm vụ chung của ngành sân khấu hai nước, đó là mong muốn của các nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa hai quốc gia và cũng là khẳng định của ông Bành Thế Đoàn tại buổi khai mạc hội thảo...

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/san-khau-truyen-thong-cau-noi-van-hoa-huu-nghi-giua-viet-nam-va-trung-quoc-557808