'Sân khấu thực cảnh' – Cần một chiến lược đầu tư dài hạn

'Sân khấu thực cảnh' đã trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn thời gian qua. Lý giải sự hấp dẫn của sân khấu thực cảnh, có lẽ người ta liên tưởng ngay đến một không gian hoành tráng, với sự áp đảo của công nghệ âm thanh, ánh sáng, với lực lượng diễn viên đông đảo…

"Sân khấu thực cảnh" đã trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn thời gian qua. Lý giải sự hấp dẫn của sân khấu thực cảnh, có lẽ người ta liên tưởng ngay đến một không gian hoành tráng, với sự áp đảo của công nghệ âm thanh, ánh sáng, với lực lượng diễn viên đông đảo…

Hình ảnh trong "Tinh hoa Bắc Bộ". Nguồn: BTC

"Sân khấu thực cảnh" là một loại hình nghệ thuật hiện dựa trên chất liệu truyền thống, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại trên nền cảnh quan thực tế và thường là sân khấu ngoài trời bao gồm các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên như sông hồ, biển cả, rừng núi… hài hòa với đời sống sinh hoạt của con người bản địa.

Không xa lạ với công chúng quốc tế, tuy nhiên, tại Việt Nam sân khấu thực cảnh vẫn còn khá mới mẻ, nổi bật gần đây không thể không nhắc đến Tinh hoa Bắc Bộ và Ký ức Hội An. Tiên phong với loại hình nghệ thuật mới mẻ này, các nhà đầu tư đã bỏ ra không ít nguồn lực về tài chính và con người.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Kim Thành, Tổng giám đốc CTCP Tuần Châu Hà Nội, chủ đầu tư vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ để hiểu rõ hơn những thuận lợi, khó khăn cũng như triển vọng phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này tại Việt Nam.

Xin ông, bà cho biết lý do lựa chọn đầu tư xây dựng chương trình nghệ thuật thực cảnh, một loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ tại Việt Nam?

Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu – Ông Đào Hồng Tuyển vốn luôn ấp ủ một dự án về văn hóa – nghệ thuật nhằm quảng bá những nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Năm 2011, ông biết đến nghệ thuật thực cảnh mà lúc bấy giờ đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, liền nảy ra ý tưởng về một vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Điều đặc biệt ở loại hình nghệ thuật này là có thể mang đến trải nghiệm chân thực nhất đến với khán giả thông qua những bối cảnh sân khấu thực tế từ cảnh quan thiên nhiên cộng với âm thanh ánh sáng hiện đại. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, Tập đoàn Tuần Châu luôn khẳng định thương hiệu bằng những bước đi mang tính tiên phong, và vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" cũng vậy.

Đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ vào một sản phẩm mới hoàn toàn tại Việt Nam, xin ông chia sẻ những thuận lợi và thách thức trong việc tạo ra những chương trình vượt xa giá trị của một sản phẩm văn hóa giải trí đơn thuần?

Là người tiên phong cho xu hướng nghệ thuật thực cảnh tại Việt Nam, "Tinh hoa Bắc Bộ" có những thuận lợi và đi kèm theo đó cũng rất nhiều những thách thức. Trước khi "Tinh hoa Bắc Bộ" ra đời, ngành du lịch Việt Nam vẫn mong chờ một sản phẩm du lịch văn hóa để đưa vào khai thác và quảng bá văn hóa Việt. Bởi vậy vở diễn khi ra mắt đã nhận được rất nhiều sự đón nhận nhiệt tình từ các đơn vị lữ hành và khách du lịch. Song song với đó là những thách thức bởi thực cảnh vẫn là một sản phẩm quá mới mẻ với người Việt, việc duy trì và quảng bá cho vở diễn đòi hỏi một chiến lược đầu tư dài hạn.

Một chương trình hấp dẫn được tạo nên từ nhiều yếu tố

Để tạo nên một chương trình hấp dẫn, theo ông điều gì là vấn đề mấu chốt?

Một chương trình hấp dẫn được tạo nên từ rất nhiều yếu tố, từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến sân khấu, âm thanh ánh sáng…, và còn một yếu tố nữa là thị hiếu của từng khán giả. Đến nay, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" có thể nói đã chinh phục hầu hết các khán giả xem show, bởi chúng tôi tâm niệm mỗi yếu tố kể trên đều hết sức quan trọng, là những mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh "Tinh hoa Bắc Bộ".

Nếu để kể ra một yếu tố khiến cả khán giả đến chính những người thực hiện chương trình cảm thấy rung động nhất chính là ở "Tinh hoa Bắc Bộ", cái hồn cốt dân tộc, những tinh hoa văn hóa của đất nước, con người Việt Nam được thể hiện hết sức chân thực bởi chính người nông dân của vùng đất Sài Sơn, Quốc Oai – những nghệ sĩ nông dân được coi là "linh hồn của vở diễn".

Sử dụng nét đẹp của văn hóa kết hợp với sự đầu tư vào công nghệ đã tạo nên những hiệu quả như thế nào cho "Tinh hoa Bắc Bộ"?

Những tinh túy văn hóa của Việt Nam cộng hưởng với công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại tạo nên một ngôn ngữ giải trí đặc biệt cho "Tinh hoa Bắc Bộ". Ít có chương trình thưởng thức nghệ thuật nào lại phù hợp với mọi lứa tuổi, với nhiều thế hệ trong một gia đình từ ông bà, cha mẹ đến cả các con, và "Tinh hoa Bắc Bộ" là một trong số ít đó. Chương trình cũng không dừng lại ở những tiếng "ồ, òa" của khán giả về hiệu ứng sân khấu mà còn đem đến những phút giây lắng đọng, yên bình cho người xem khi tái hiện khung cảnh làng quê Bắc Bộ trong ký ức mỗi người hay trên những trang sử Việt.

Xin ông bật mí về kết quả ban đầu mà "Tinh hoa Bắc Bộ" đạt được, dẫu biết, đây quả thực là cuộc chiến "dài hơi" để thu hồi vốn đầu tư và bước kế tiếp mới là lợi nhuận?

Sau gần 1 năm ra mắt, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" đã đón gần 50,000 lượt khán giả và tổ chức đều đặn 3 suất diễn/ tuần. Vở diễn cũng nhận được nhiều sự ghi nhận từ giới chuyên môn, điển hình như Giải vàng Stevie Awards Châu Á, Thái Bình Dương hạng mục "Đổi mới truyền thông"; 2 giải Guinness Việt Nam, được kênh truyền hình Mỹ nổi tiếng CNN đưa tin…

Vở diễn được ấp ủ trong 1 thời gian dài, trang bị những thiết bị âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới, dàn diễn viên hùng hậu,… trong bối cảnh nghệ thuật thực cảnh còn hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam, nhà đầu tư xác định đây thực sự là một cuộc chiến dài hơi để thu hồi vốn, nhưng chưa khi nào chúng tôi thấy nản lòng.

Bước đầu đạt được những thành công như xác lập 02 kỷ lục Guineess Việt Nam là "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" và "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam", được phát sóng trên CNN... Xin ông cho biết hướng đi tiếp theo của mình để tiếp tục đưa "Tinh hoa Bắc Bộ" tới công chúng? Sau "Tinh hoa Bắc Bộ", ông có tiếp tục sản xuất một chương trình nghệ thuật thực cảnh khác?

Trong thời gian tới, "Tinh hoa Bắc Bộ" sẽ tiếp tục làm việc với Tổng cục Du lịch Việt Nam, các công ty lữ hành để giới thiệu đưa vở diễn vào các tour cho khách du lịch. Chúng tôi cũng sẽ tích cực quảng bá cho show diễn trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, vở diễn thực sự rất cần sự chung tay góp sức của toàn ngành du lịch, các đơn vị báo chí và cả cộng đồng mong muốn bảo tồn câu chuyện văn hóa ở thế giới hiện đại.

Với tâm huyết dành cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trong tương lai Tập đoàn Tuần Châu sẽ tiếp tục nỗ lực cho ra đời tác phẩm thực cảnh thứ 2 mang tên "Hello Hạ Long" với những kỹ thuật mới hơn tất cả những gì chúng tôi đã làm, tiếp nối ý tưởng của chủ tịch Tập đoàn là mong muốn phát triển mô hình biểu diễn này tại các thành phố lớn tại Việt Nam.

Thực hiện phỏng vấn Gia Linh

Gia Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/san-khau-thuc-canh-can-mot-chien-luoc-dau-tu-dai-han-20181022170503759.htm