Sân khấu Thủ đô 'mở tiệc' khai xuân

Những ngày đầu năm Kỷ Hợi 2019, sân khấu truyền thống và sân khấu Kịch trên địa bàn thủ đô Hà Nội đã có nhiều khởi sắc, nhiều nhà hát đã mở màn các tiết mục công diễn đầu năm. Bên cạnh việc mở cửa phục vụ khán giả thủ đô thì họ cũng đã có các chương trình đi biểu diễn tại các vùng miền lân cận với mục đích mang các tiết mục của mình phục vụ bà con, như một sự khởi sắc cho một năm mới an lành, thịnh vượng.

Sân khấu chèo khởi sắc mùa lễ hội

Các cụ ta xưa đã từng nói "tháng giêng là tháng ăn chơi", có lẽ chính vì quan niệm đó, nên tháng giêng được coi là tháng của các lễ hội từ trong Nam, ngoài Bắc. Lễ hội kéo theo nhiều hoạt động vui chơi giải trí và các sân khấu đều hát những khúc nhạc chúc mừng xuân mới. Điều này tạo điều kiện cho các nghệ sĩ chèo, xẩm, hát văn có "đất dụng võ".

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Quốc Anh, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: Dù mới đầu năm thôi, song Nhà hát Chèo Hà Nội đã có nhiều chương trình biểu diễn từ đầu năm đến nay. Song hành với các vở diễn tại rạp hát, đặc biệt nổi bật là hợp đồng biểu diễn tại các quận, huyện, thậm chí là xuống xã, nơi có các đình chùa miếu mạo đang tổ chức các chương trình lễ hội đầu năm. Có việc, đồng nghĩa với việc sẽ có thu nhập cho cán bộ diễn viên nhà hát, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh.

Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh.

NSND Quốc Anh cũng chia sẻ, mỗi một năm, vào dịp đầu xuân năm mới, các tiết mục chèo, xẩm, quan họ... luôn có đất diễn và được các đơn vị, tổ chức mời đến tham gia. Nhà hát với cơ chế mở, luôn tạo điều kiện cho các cá nhân, các nhóm, đoàn tham gia biểu diễn phục vụ bà con, nhân dân. Với những sân khấu lớn, hoặc các chương trình lớn thì Đoàn mang vở đi diễn để phục vụ đông đảo bà con. Năm nay, Nhà hát Chèo Hà Nội có hai vở diễn mới chiếm được tình cảm yêu mến của khán gia,ã đó là vở "Kiều Loan" (tác giả: nhà thơ Hoàng Cầm), một vở diễn đầy tính thơ, sự thướt tha yêu kiều và vẻ đẹp của vở diễn như một lời chào mùa xuân tươi đẹp đang đến.

Vở diễn thứ hai là "Quan đe đè quan nẹt" (tác giả: Lê Thế Song, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đây là một vở chèo dân gian đầy tính trào lộng đề cập đến nhiều vấn đề nóng của xã hội ngày hôm nay là tham nhũng và chạy chức chạy quyền. Vở diễn cũng có những cảnh hài hước sẽ đem đến cho khán giả không khí vui vẻ những ngày đầu xuân mới. NSND Quốc Anh cho biết, đầu năm mới mọi người đều vui vẻ an lành, nhiều lễ hội trên khắp địa bàn thủ đô nên các diễn viên của nhà hát với các suất diễn kín lịch của mình đang có nhiều đổi thay với sự tiếp cận đến các tầng lớp khán giả.

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng.

Khai xuân năm mới, các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng tưng bừng mở hội sớm, với chương trình “Chào xuân Kỷ Hợi 2019 - Heo vàng du xuân”. NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, trong chương trình này, xuyên suốt là hình tượng con giáp của năm Kỷ Hợi, những chú lợn ngộ nghĩnh sẽ được điều khiển thực hiện những trò chơi truyền thống ngày Tết như kéo co, nhảy vòng, đẩy xe, lăn… Hình ảnh, âm nhạc, trang phục trong chương trình đều mang màu sắc dân gian. Bên cạnh đó còn có nhiều vật nuôi như chó, vẹt, dê, mèo… cũng biểu diễn dưới sự huấn luyện của các nghệ sĩ tài ba.

Chương trình cũng đã được các nghệ sĩ tập luyện công phu từ trước Tết. Để mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn lý thú, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lựa chọn các tiết mục xiếc thú đặc sắc, vốn được coi là “đặc sản” của ngành xiếc Việt. Qua phần biểu diễn của các con vật, các nghệ sĩ hy vọng sẽ đem lại tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc đến khán giả. Khai xuân sớm, các nghệ sĩ cũng mong muốn sẽ có một năm mới phát đạt, phần nào cải thiện được đời sống khó khăn của nghệ sĩ sân khấu truyền thống.

Năm của sân khấu Kịch hướng ngoại

Đó là lời của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Mặc dù đầu năm nay, nắm bắt được tâm lý vui vẻ ngày xuân, Nhà hát Tuổi trẻ đã tung ra chương trình ca nhạc - hài kịch “Hương xuân Hà Nội” tại rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, với các bài hát về mùa xuân và Hà Nội của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Nguyễn Đức Cường… Xen lẫn các tiết mục ca nhạc là các tiểu phẩm hài “Tơ trời mong manh”, “Ông là bố tôi”... Ngoài ra, Nhà hát Tuổi trẻ cũng bán vé các buổi biểu diễn vở kịch “Tin ở hoa hồng” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung.

Tuy nhiên, theo NSƯT Chí Trung, năm nay, song song với việc tổ chức các chương trình, các dự án biểu diễn trong nước, thì nhà hát sẽ hướng ngoại, giao lưu, hợp tác với các đoàn kịch nước ngoài để tăng cường học hỏi cũng như nâng cao tay nghề cho các diễn viên. Đó cũng là một hình thức nâng tầm phong cách cho các vở diễn. Anh chia sẻ, thực sự thời gian qua, sân khấu kịch quá heo hút, khán giả thờ ơ, chính vì thế từ năm ngoái, đặc biệt là năm 2019 này, Nhà hát sẽ tích cực hợp tác với nước ngoài, cụ thể là với Bỉ, Áo, Nhật Bản, rồi phối hợp với Viện Goethe để ra những dự án mới phù hợp với xu thế hội nhập thế giới.

Hiện nay, nhiều khán giả Hà Nội và cả nước đang hướng tới nghệ thuật đỉnh cao cho nên nếu họ đi xem nghệ thuật tầm thấp, họ sẽ cảm thấy không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mình.

Ngoài ra Nhà hát Tuổi trẻ sẽ hướng đến lớp trẻ và mang đến khát vọng cho diễn viên, xây dựng một đội ngũ kế cận và trưởng thành từ kịch, được khán giả biết đến từ kịch, chứ không phụ thuộc vào các gương mặt hài theo lối cũ hoặc cũng không phụ thuộc vào các gương mặt diễn viên điện ảnh, truyền hình nữa. Để có được điều này, bản thân NSƯT Chí Trung đã xây dựng một lộ trình và trên nền tảng hợp tác với nước ngoài. Nhà hát đã mời các đạo diễn nước ngoài sang làm việc và ngược lại, nhà hát cử các đạo diễn sang nước ngoài để học tập.

Theo NSƯT Chí Trung, để thay đổi căn cốt thì phải thay đổi từ tư duy của đạo diễn, nên anh đã chuẩn bị cho các đạo diễn trẻ đi học lớp đạo diễn ngắn hạn (6 tháng) tại nước ngoài để mang kiến thức về xây dựng nhà hát, đạo diễn các vở diễn mới. Bởi vì, theo anh, để thay đổi, có phương tiện, có nhà hát, có sân khấu thôi chưa đủ, mà cần thay đổi từ bên trong, từ nội tại của chính mình, từ chất lượng bên trong, từ tư duy của diễn viên, của đạo diễn thì mới thay đổi được tư duy của khán giả, thậm chí, mới theo kịp tư duy của khán giả.

NSƯT Chí Trung khẳng định: "Vừa rồi tôi sang Bỉ và tham dự festival của hơn 100 nhà hát. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải bỏ lối làm minh họa cho trẻ em như thời gian vừa qua. Tức là không giải quyết chuyện trước mắt theo lối "đánh kẻ xấu, bảo vệ người lương thiện, hay phải chỉ ra đây là thiện, đây là ác" mà tôi muốn hướng tâm cho các em, tự các em sẽ phân biệt được ai thiện, ai ác thông qua câu chuyện, thông qua cách tư duy của các em. Ngoài kịch phải có sự thay đổi, thì các chương trình ca nhạc tạp kỹ của Nhà hát chúng tôi cũng sẽ mang hơi hướng mới hoàn toàn. Bắt đầu từ lớp trẻ, sẽ phải xây dựng lại từ đầu để các chương trình ca nhạc, ngoài bolero, nhạc tiền chiến, thì sẽ có những chương trình mang tầm vóc và thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ, âm vang tuổi trẻ".

Đời sống nghệ sĩ truyền thống sẽ có nhiều thay đổi

Trong năm mới 2019, rõ ràng, các hoạt động của nhiều nhà hát đã khởi sắc với hoạt động kín lịch của diễn viên. NSND Quốc Anh cho biết, dù mới đầu năm nhưng các đoàn trong Nhà hát đã đi biểu diễn khắp nơi, đến tận các quận huyện và đón nhận nhiều tình cảm của khán giả. Đặc biệt sắp tới đây, Nhà hát Chèo đã chuẩn bị chương trình để chào mừng Hội nghị ASEAN, Lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội... Và cuối năm, nhà hát chuẩn bị chương trình để tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc.

Cảnh trong vở Chèo "Quan ne đè quan nẹt".

NSND Quốc Anh cho biết, để làm được tất cả những chương trình dài hơi, thì hàng ngày bằng mối quan hệ của mình, Nhà hát cũng đang có sự chung tay giúp đỡ của bạn bè, của những Mạnh Thường Quân để các đoàn đi biểu diễn và trang trải cuộc sống của người nghệ sĩ. Đối với nghệ thuật truyền thống hiện nay, NSND Quốc Anh cho rằng, rất khó khăn để có thể vực dậy như thời hoàng kim xa xưa, khán giả kín rạp và đỏ đèn suốt các buổi tối. Hiện nay, đời sống anh em được đảm bảo ở mức trung bình là một điều mừng vui của người nghệ sĩ. Cũng có những người phải làm thêm những công việc khác bên ngoài nghề diễn để tăng thu nhập của bản thân cũng là điều dễ hiểu.

Cũng cùng tâm trạng, NSƯT Chí Trung khẳng định bằng cách ví von, để một thể xác rã rời béo lên ngày một ngày hai là rất khó, nhưng đời sống và thu nhập tăng lên là điều có thật. Bởi vì trừ ngày 10 Tết tháng giêng năm Kỷ Hợi, Đoàn Ca nhạc và Hài kịch của Nhà hát Tuổi trẻ đã đi biểu diễn 16 tỉnh Tây Bắc và mỗi tỉnh có 2 suất biểu diễn miễn phí cho bà con. Tuy nhiên, nhờ mối quan hệ nên các lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện, tìm nguồn kinh phí để trả cho Nhà hát.

Tại Hà Nội, theo NSƯT Chí Trung, cung cầu chưa phù hợp, cho nên không có một lịch biểu diễn cụ thể nào tại Nhà hát. Khi nào có cầu thì thực sự mới có cung, bởi vì, biểu diễn ở Nhà hát theo kiểu bán vé thì thường xuyên phải cũng bù lỗ. Điều này cần thiết Ban Giám đốc, các diễn viên, các nghệ sĩ phải tìm nguồn để hợp tác, đầu tư, dựng vở...

Có thể nói, sân khấu vẫn là một địa chỉ khán giả ngày nay hướng tới. Tuy nhiên rất cần sự đổi mới, đa dạng các hoạt động và quan trọng là khán giả cảm thấy có được những giây phút sảng khoái và ý nghĩa khi cánh màn nhung khép lại. Hiện tại sân khấu đang có nhiều sự khởi sắc về nhiều mặt. Nói như NSƯT Tống Toàn Thắng, các nghệ sĩ đang thực sự nỗ lực theo đuổi niềm đam mê của mình, một phần để cải thiện đời sống, một phần là yêu nghề dù biết sự gian nan, vất vả của nghệ thuật truyền thống trong thời đại hiện nay.

Tuy nhiên, đầu xuân năm mới, các nghệ sĩ đã và đang làm việc hết công suất, và hiện tại, có những suất chiếu đã chật kín khán giả. Cho dù là dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì đó cũng là một nguồn động viên cực kỳ lớn cho người nghệ sĩ cảm thấy được trân trọng và theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình...

Bùi Nga

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/san-khau-thu-do-mo-tiec-khai-xuan-535137/