Sân khấu sau mùa dịch: Vừa đi, vừa rón rén

Những ngày này, sân khấu ở cả hai miền Nam - Bắc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các nghệ sĩ đi tập vở mới. Các nhà hát rục rịch sáng đèn. Nhưng với nhiều thách thức trước mắt, họ sẽ phải kiên nhẫn nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để khán giả 'yêu lại từ đầu'.

Sân khấu kịch IDÉCAF sẽ diễn lại vở kịch ăn khách “Mưu bà Tú”

Sân khấu kịch IDÉCAF sẽ diễn lại vở kịch ăn khách “Mưu bà Tú”

Rộn ràng ngày trở lại…

Mới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công vở diễn mới mang tên “Nữ cảnh sát SBC”, đánh dấu sự quay trở lại chính thức của Nhà hát Kịch Việt Nam sau một thời gian dài sân khấu im ắng vì đại dịch COVID-19. NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát cho biết, trước Tết, Nhà hát đã dựng xong hai vở là “Không thể khác” và “Cô gái và chiếc xe máy”. Nhưng dịch bệnh COVID-19 ập tới nên cả hai vở diễn phải lui lại.

“Đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng với việc biểu diễn vở diễn mới cũng như tiếp tục dàn dựng vở theo kế hoạch đã định. Trong suốt thời gian vừa qua, Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát đã dành nhiều thời gian để chọn kịch bản. Trên 40 kịch bản có chất lượng được lựa chọn sẽ là “lương khô” cho Nhà hát trong thời gian tới”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng cho biết, hiện tại các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát đang gấp rút luyện tập chuẩn bị các chương trình dành cho thiếu nhi vào dịp 1/6 sắp tới. “Đây là những suất diễn tri ân dành cho con em của cán bộ công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhờ sự giúp sức của nhà tài trợ, chúng tôi sẽ phát khoảng 3- 4 nghìn vé miễn phí. Nhà hát cũng sẽ có ba chương trình mới, một vở kịch và hai chương trình ca múa nhạc”.

Ở khu vực phía Nam, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDÉCAF cho biết, sân khấu sẽ đưa các vở diễn ăn khách trong thời gian qua như “Mưu bà Tú”, “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Cái đẹp đè bẹp cái nết”… IDÉCAF cũng sẽ giảm 50.000 đồng trên mỗi vé xem kịch, kéo dài trong hai tháng.

Sân khấu kịch Quốc Thảo thì tổ chức loạt đêm diễn miễn phí mang tên “Xin cảm ơn bạn”, tri ân lực lượng chống dịch. Lãnh đạo sân khấu cho biết đối tượng hướng đến là các tình nguyện viên, nhân viên y tế, công nhân dọn rác... Người xem chỉ cần vào fanpage điểm diễn để đăng ký.

Sân khấu 5B Võ Văn Tần cũng đưa lên sàn tập kịch bản mới, xoay quanh mâu thuẫn trong gia đình khi các thành viên bị ép buộc sinh sống với nhau trong thời gian dài; lấy cảm hứng từ vô số câu chuyện dở khóc dở cười trong những ngày tự cách ly tại nhà. Để “hút” khán giả, sân khấu này sẽ khuyến mại, giảm giá vé từ 10- 30%, 50%. “Kịch nói với đặc thù thời gian diễn từ 2-3 tiếng, lại tập trung đông người, sẽ tạo tâm lý e ngại nhất định. Do đó, các tác phẩm công diễn trong tháng 5 phải có nội dung lạc quan, có tiếng cười ý nhị và tiết tấu gãy gọn để khán giả được thư giãn sau thời gian cách ly xã hội” - giám đốc Mỹ Uyên, sân khấu 5B Võ Văn Tần, chia sẻ.

Trong thời gian nghỉ tránh dịch, nghệ sĩ Minh Nhí đã lên kế hoạch thực hiện 2 vở mới và chương trình “Tri ân những thiên thần áo trắng” sẽ diễn tại sân khấu của anh ở quận 1, với 5 suất. “Tôi muốn gửi tặng 1.000 vé mời đến đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế… đã chịu nhiều khó khăn, áp lực, hy sinh để vững vàng nơi tuyến đầu ngăn chặn sự lây lan của dịch”.

Nghệ sĩ cải lương Bạch Long cũng viết xong kịch bản cổ tích dân gian pha thần thoại chủ đề về dịch COVID-19. Trong kịch bản của mình, anh lồng ghép những vấn đề thời sự nóng bỏng, hướng đến mục tiêu diệt trừ dịch bệnh. Thông qua các nhân vật cổ tích, anh muốn gửi lời tri ân đến đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu và các chiến sĩ, công an, lực lượng an ninh, tình nguyện viên đã hết lòng vì xã hội.

… Xen lẫn những lo âu

Nghệ sĩ Mỹ Uyên, Giám đốc sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần chia sẻ nỗi lo lượng người xem sẽ giảm đi nhiều. Dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp, do đó, khán giả vẫn còn tâm lý e ngại chỗ đông người. Thu nhập giảm sút khiến nhiều người cũng dè sẻn chi tiêu. Hiện tại, chị đang cùng các diễn viên xác định tâm thế “hòa vốn, hoặc bù lỗ ít để tạo động lực cho các nghệ sĩ diễn lại”.

Sân khấu xưa nay vốn vẫn chật vật để lôi kéo khán giả, thì nay, khó khăn còn tăng lên nhiều lần. “Khán giả của nghệ thuật Xiếc chủ yếu là thiếu nhi, bây giờ các cháu đang đi học bù, lo câu chuyện thi cử, phụ huynh cũng không hào hứng cho con đi xem biểu diễn kể cả trong thời gian tới”- NSND Tạ Duy Ánh, giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cũng trăn trở rằng mùa lễ hội là thời điểm thuận lợi cho các nghệ sĩ nghệ thuật Tuồng biểu diễn đã qua. Ông dự đoán, để khán giả đến rạp chắc phải tháng 8.

Nhiều đơn vị sân khấu cũng bày tỏ nỗi lo sau đợt giãn cách, các hoạt động game show, truyền hình thực tế, phim sitcom đều khởi động nên sẽ khiến cho nguồn diễn viên bị phân tán. Với thu nhập quá thấp, các sân khấu lo sợ không đủ sức giữ nổi lực lượng nghệ sĩ trẻ.

“Biết là khó khăn nhưng các nhà hát cần hoạt động nếu không sẽ bị chột mất nghề, kịch lâu không nói, múa lâu không diễn sẽ gượng. Chúng ta không thể bó tay mãi được, cần cùng nhau chung sức tháo gỡ khó khăn này”, NSƯT Xuân Bắc trải lòng. Nghệ sĩ Mỹ Uyên cũng bộc bạch. “Chúng tôi phải lấy lại thói quen đến sân khấu xem kịch của một bộ phận khán giả”.

Để “chống lưng” cho các nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sẽ tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống. Chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Trong cuộc họp mới đây của Cục về việc triển khai “Xây dựng Nhà hát Online”, Quyền Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh nhận định, phương thức hoạt động mới này cần cho các nhà hát. Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện.

Nhà hát Kịch Việt Nam đã chuẩn bị trên 40 kịch bản chất lượng làm “lương khô” cho thời gian tới

Nhã Khanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/san-khau-sau-mua-dich-vua-di-vua-ron-ren-1658984.tpo