Sân khấu nhạc kịch 'nóng' trở lại

Những ngày tháng 11 này, sân khấu nhạc kịch Hà Nội 'nóng' với hai vở diễn được chờ đợi, 'Những người khốn khổ' của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và 'Tôi đọc báo sáng nay' của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Đó là một tín hiệu vui cho sân khấu nhạc kịch nước nhà khá lâu im ắng.

1.Cách đây một tháng, đạo diễn Ánh Tuyết trình làng vở nhạc kịch dựa trên tiểu thuyết "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Đó cũng là cách làm mới sân khấu để tiếp cận với giới trẻ. Tuy nhiên, hiệu ứng của tác phẩm ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là một lợi thế cho đạo diễn Ánh Tuyết khi chị lựa chọn kịch bản này.

Trong 4 ngày liên tiếp, 21, 22, 23 và 24 tháng 11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" (Tiếng Pháp: Les Misérables hay còn được gọi là Les Mis) của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - VNOB) ra mắt công chúng. Đây là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ XIX.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn này, dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch COVID-19, VNOB đã quyết định cho ra mắt vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" để đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới. "Những người khốn khổ" của VNOB là câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội. Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hóa đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người.

Cảnh trong vở “Những người khốn khổ”.

Cảnh trong vở “Những người khốn khổ”.

Với sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, sự sáng tạo của ekip sản xuất trẻ, đã và đang học tập và làm việc trong lĩnh vực này ở nước ngoài, "Những người khốn khổ" của VNOB sẽ được thể hiện một cách độc đáo, mới lạ, đặc biệt từng bước đưa nghệ thuật trình diễn Broadway lên sân khấu Việt.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, cho biết: "Ekip đạo diễn, biên đạo có sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Triều Dương, chấp nhận cách ly 14 ngày sau khi từ Anh về, hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ…".

Còn đạo diễn Nguyễn Triều Dương cho biết: "Điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ Việt Nam hát Opera rất tốt. Nhưng họ không được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu. Vì vậy, toàn bộ ekip diễn viên của VNOB đã và đang rất nỗ lực để khắc phục điểm yếu này, nhằm mang đến cho khán giả một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng".

Tuy thời gian trình diễn "Những người khốn khổ" chỉ trong vòng 2 tiếng, nhưng VNOB không Việt hóa tác phẩm về cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Vở nhạc kịch được thể hiện bằng tiếng Anh để giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển. Nhưng khi nghệ sĩ biểu diễn, có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung. Với mong muốn mang đến cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu, VNOB quyết tâm thực hiện một tác phẩm mà trong đó, người xem có thể cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm, được sống cùng các nhân vật và có thể nhìn thấy chính mình.

Vở diễn cũng được quốc tế hóa về mặt diễn viên khi có sự góp mặt của các diễn viên nước ngoài trong Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Âm nhạc của "Những người khốn khổ" được chơi live, với sự trình diễn tuyệt vời của Dàn nhạc giao hưởng VNOB. Để chuẩn bị cho "Những người khốn khổ", ekip diễn viên của VNOB đã chuẩn bị và tập luyện suốt 6 tháng qua, với rất nhiều nỗ lực, tâm huyết.

Sau thành công của vở ballet "Hồ Thiên Nga", vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" với 4 đêm diễn đầu tiên đều "cháy" vé cho thấy sức hút của nghệ thuật đỉnh cao đối với công chúng trong nước. NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: "Tôi nhìn thấy tiềm năng từ chính khán giả, đó chính là động lực để chúng tôi dàn dựng các tác phẩm. Một nhà hát phải luôn có tác phẩm, năm ngoái là "Hồ Thiên Nga”, năm nay là "Những người khốn khổ" và năm sau có thể là "Bóng ma trong nhà hát"…

Cảnh trong vở “Tôi đọc báo sáng nay”.

2.Khác với VNOB, dàn dựng các tác phẩm kinh điển của thế giới, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Lon chọn một hướng đi khác, tạo nên những vở nhạc kịch thuần Việt. Năm 2018, Nhà hát trình làng vở "Hà Nội, ngày… tháng… năm và những thanh xuân rực rỡ" gây dấu ấn với công chúng. Trong tháng 11 này, vở nhạc kịch "Tôi đọc báo sáng nay" do ê kíp sáng tạo trẻ như đạo diễn - nhạc sĩ Dương Cầm, kịch bản - ca sĩ Khánh Linh, đạo diễn sân khấu - Linh 3T… sẽ công diễn phục vụ khán giả. Theo nhạc sĩ Dương Cầm, khác với vở diễn trước, "Tôi đọc báo sáng nay" được dàn dựng hoàn toàn là một vở nhạc kịch, ở đó có những câu chuyện của đời sống, vấn đề của xã hội từ chuyện tiền điện, vệ sinh môi trường, chuyện vụn vặt ở khu phố, cho đến chuyện chống dịch COVID-19, lũ lụt ở miền Trung…

Nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cùng góp mặt trong vở: NSƯT Khánh Hòa, Hồng Dung, Lô Thủy, Bách Nguyễn, Bảo Trâm, Đông Hùng, Đinh Quang Đạt. Đây cũng là lần đầu tiên nhiều nghệ sĩ trẻ của nhà hát được trải nghiệm thực sự với nhạc kịch. "Đó có thể là khó khăn với đạo diễn nhưng ngược lại cũng là điều thú vị, bởi những nghệ sĩ trẻ sẽ có nhiều khám phá mới lạ. Và họ chính là những nhân tố có thể khiến mọi người ngạc nhiên về khả năng diễn xuất", nhạc sĩ Dương Cầm bày tỏ. Ca sĩ Khánh Linh, tác giả của kịch bản "Tôi đọc báo sáng nay" cũng rất hào hứng với dự án mới của mình. Nhạc kịch là giấc mơ lớn mà đến bây giờ chị mới "chạm tay" tới, giấc mơ về nhạc kịch Việt Nam, kể những câu chuyện về cuộc sống đương đại, mang đậm văn hóa và bản sắc Việt. Điều này không đơn giản, bởi nói đến nhạc kịch, khán giả sẽ quen và đóng khung với các tác phẩm kinh điển. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, sẽ không bao giờ có cơ hội bước đi. Năm 2018, tác giả trẻ Nguyễn Phi Phi Anh đã gây chấn động sân khấu Việt bằng một series các vở nhạc kịch "Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối", "Mộng ước không xa vời"… như một tuyên ngôn của giới trẻ cho việc có thể làm được gì với sân khấu nhạc kịch. Những đêm diễn của Phi Phi Anh chật kín khán giả, điều đó cho thấy tiềm năng của nhạc kịch ở Việt Nam rất lớn.

Lần đầu tiên công diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, phiên bản Việt Nam.

NSƯT Trần Ly Ly cho rằng nếu không nhìn thấy thì chị sẽ không bao giờ làm. Sau "Những người khốn khổ", VNOB sẽ tiếp tục với những tác phẩm nhạc kịch lớn khác. Còn theo nhạc sĩ Dương Cầm, thực hiện những tác phẩm nhạc kịch là định hướng mới trong những năm tới của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Anh chia sẻ: "Nhà hát đã có một sân khấu nhỏ với 180 ghế đang được xây dựng để trở thành điểm biểu diễn thường xuyên những vở nhạc kịch. Chúng tôi không bị tốn kém, mất công sức đi thuê địa điểm nữa. Chúng tôi sẽ có lịch biểu diễn thường xuyên để tạo thói quen cho khán giả đến rạp". Anh cũng cho rằng, nhạc kịch tại Việt Nam dù chưa phổ biến nhưng rất có tiềm năng. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng đó, ngoài việc dàn dựng các tác phẩm kinh điển của thế giới như VNOB làm thì cần sáng tạo những vở nhạc kịch mới, gần gũi với đời sống của người Việt, ở đó có những câu chuyện mà khán giả có thể cảm nhận mình trong đấy. Đó chính là con đường để tiếp cận khán giả.

Linh Nguyễn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/san-khau-nhac-kich-nong-tro-lai-621958/