Sân khấu loay hoay tìm chỗ

Giữa thời buổi 'tấc đất tấc vàng' như hiện nay, việc các sân khấu tại TP.HCM phải loay hoay tìm đất diễn là bài toán thực sự nan giải, không ít thương hiệu sân khấu có nguy cơ 'tắt đèn'.

Vở 3D Cung tâm kế rất ăn khách tại Sân khấu SuperBowl của bà bầu Hồng Vân - Ảnh: Quỳnh Trân

Giá mặt bằng quá cao

Cách đây hơn 15 năm, khi rất thành công với Sân khấu kịch Phú Nhuận, NSND Hồng Vân bắt đầu đi tìm mặt bằng để mở thêm chi nhánh. Các “điểm đến” mà bà bầu để ý tới là những rạp hát cũ có thể cải tạo lại và trung tâm văn hóa quận, huyện để… đỡ tiền thuê mặt bằng. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn sáng đèn tại Q.1 và Q.Bình Thạnh, NSND Hồng Vân phải liên hệ với một đối tác ở Q.Tân Bình mở Sân khấu kịch SuperBowl cho đến giờ. “Hiện nay, số tiền thuê mặt bằng, kể cả điện nước để cho Sân khấu SuperBowl hoạt động tầm khoảng 120 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên sân khấu hẹp, số lượng ghế ít nên vé bán ra không nhiều, chúng tôi phải “thắt lưng buộc bụng” dữ lắm. Vừa rồi, phía SuperBowl yêu cầu nâng giá mặt bằng, tôi chịu không nổi nên tuyên bố đóng cửa. May là sau đó họ thông cảm hỗ trợ giá cho thuê nên sân khấu mới có thể bắt đầu hoạt động lại từ tối 10.3 tới”, NSND Hồng Vân kể.

Danh hài Minh Nhí hiện cũng đau đầu tìm cách làm ra tiền để “cân đối ngân sách” cho một sân khấu kịch nhỏ mang tên anh. Vì số vốn “lận lưng” không nhiều nên Minh Nhí đành tìm thuê mặt bằng tại một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM). Anh cho biết: “Lúc mới tới thấy miếng đất trống hoác, nhỏ thấy… thương nhưng tiền đâu mà thuê cho rộng rãi. Dự định chỉ sáng đèn vừa làm kịch vừa bán thêm cà phê để có chỗ cho mấy em học trò có đất dụng võ. Sau đó, tính đi tính lại tôi thích cái gì ra cái đó nên đầu tư thêm tiền xây dựng. Tận dụng hết mặt bằng thì sân khấu cũng được 139 ghế. Quá ít. Một số vở diễn hay, khán giả đề nghị mua ghế súp nhưng không thể bán như vậy được. Do “hẻo ghế” nên ra vở nào vé bán một cái vèo là xong, nhưng thu nhập thì không cao”.

Để tồn tại, nhiều sân khấu chấp nhận cảnh “ăn nhờ ở đậu” như kịch Quốc Thảo phải đặt trong khuôn viên trụ sở Liên hiệp Các hội văn hóa nghệ thuật TP.HCM, hay Sân khấu Family của nghệ sĩ Gia Bảo còn sử dụng cả sân khấu trung tâm của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM nhưng đã phải đóng cửa chỉ sau vài tháng hoạt động.

Xoay xở để tồn tại

NSƯT Thành Hội từng than thở trong một cuộc họp với đoàn đại biểu HĐND TP.HCM rằng: “20 năm qua các sân khấu xã hội hóa đã góp phần rất lớn trong việc truyền bá những tác phẩm văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, đúng định hướng đến khán giả nhưng các sân khấu này vẫn thấy mình như đứa con vô thừa nhận”.

Hiện nay sân khấu đang bị áp lực lớn về giá và thời hạn thuê mướn mặt bằng. Nghệ sĩ Ái Như tâm sự: “Ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh thời hạn ký hợp đồng chỉ có 6 tháng nên lúc nào tôi cũng bị động trong việc đầu tư cho vở mới khi áp lực về thời gian lấy lại mặt bằng cứ treo lơ lửng trên đầu. Chúng tôi trở thành những kẻ ngụ cư ngay tại sàn diễn của mình, đó là điều rất buồn”.

Để có tiền trang trải việc thuê mướn, NSND Hồng Vân cho biết: “Chúng tôi mở các lớp đào tạo diễn viên, may việc này khá hiệu quả nên bù qua sớt lại cũng cầm cự được”. Sân khấu kịch Minh Nhí cũng mở các lớp đào tạo diễn viên và cho thuê lại mặt bằng cho học viên tập vở tốt nghiệp.

Th.S Lê Hữu Luận, Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, thẳng thắn: “Với một vài sân khấu do cá nhân nghệ sĩ tổ chức và biểu diễn như Idecaf, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi… ta có thể kết luận rằng điểm son của thời mở cửa rất đẹp. Tuy nhiên, những con chim én ấy không làm nên nổi mùa xuân, quan trọng nhất là vì không có rạp, thiếu rạp tương xứng với các vở diễn cần sự hoành tráng, phông màn, cảnh trí. Các cấp lãnh đạo văn hóa đều ghi nhận các ý kiến trên, nhận thấy cần khắc phục nhưng để thực hiện thì luôn gặp trở ngại về nguồn kinh phí”.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Idecaf cho biết: “Tôi phải thuê hội trường tập vở diễn từ 400.000 - 500.000 đồng/buổi tập, chưa kể còn chi phí thuê suất diễn, tiền kho, phòng bán vé… đủ thứ nên muốn tồn tại phải tự xoay xở kiếm tiền từ việc buôn bán bất động sản và làm du lịch, lấy cái này bù cái kia. Tóm lại, chúng tôi vẫn phải chấp nhận cảnh “lời ăn lỗ chịu” để sân khấu tồn tại”.

Lê Công Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/san-khau-loay-hoay-tim-cho-939205.html