Sân khấu học đường: Cách nào 'giữ lửa'?

Dự án Sân khấu học đường được Cục Nghệ thuật Biểu diễn kết hợp với Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) khởi động từ hơn chục năm trước đã từng tạo được những hiệu ứng tích cực.

Thế nhưng, những năm gần đây, các hoạt động nghệ thuật xung quanh các dự án này đã có dấu hiệu đình trệ do nhiều nguyên nhân. Câu hỏi đặt ra là, liệu có cách nào để “giữ lửa” các dự án rất nhân văn và mang tính chất đầu tư cho tương lai của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà?

Đưa sân khấu đến với học đường: Thêm một tín hiệu vui

Đầu tháng 8 vừa qua, thông tin Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế kết hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo của tỉnh tổ chức ký kết chương trình đưa Di sản ca Huế vào trường học đã khiến nhiều người làm văn hóa cả nước quan tâm.

Theo đó, việc đưa di sản ca Huế vào các trường phổ thông đã được 2 Sở thống nhất và đưa vào chương trình hành động sớm nhất. Trước mắt, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế sẽ chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo cho gần 30 giáo viên đang công tác, giảng dạy tại các trường THCS trên địa bàn Thành phố Huế. Bên cạnh đó là các chương trình giao lưu, trình diễn ca Huế, dạy hát ca Huế theo hình thức sinh hoạt CLB tại các trường.

Trong thời gian 3 tháng, các giáo viên tham gia lớp đào tạo còn được học: Lý thuyết tổng quan về âm nhạc - văn hóa - lịch sử; tập các làn điệu ca Huế và giao lưu với các nghệ sĩ; biểu diễn ca Huế giữa các giáo viên tham gia lớp tập huấn... Chương trình đưa ca Huế vào trường học đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản ca Huế, tạo sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi.

NSƯT Kim Tử Long nói chuyện với học sinh tại một trường THPT về đờn ca tài tử và sân khấu cải lương trong chương trình “Đưa sân khấu vào học đường” tại TP. Hồ Chí Minh.

NSƯT Kim Tử Long nói chuyện với học sinh tại một trường THPT về đờn ca tài tử và sân khấu cải lương trong chương trình “Đưa sân khấu vào học đường” tại TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời qua hoạt động này cũng là cách hữu hiệu để tìm kiếm những tài năng tương lai, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ kế cận cho loại hình âm nhạc truyền thống đặc trưng chốn cung đình xưa đang có dấu hiệu bị mai một theo thời gian. Bởi vì, mặc dù đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, song không nằm ngoài xu thế chung của các bộ môn kịch hát truyền thống, ca Huế cũng đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn về việc khó tìm kiếm đội ngũ kế cận để duy trì nó, chứ chưa nói đến phát triển.

Cho nên, việc đưa ca Huế vào hệ thống trường học được xem là một giải pháp hay, đem lại niềm hi vọng mới cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Đồng thời, cách làm này của Huế cũng sẽ khiến những địa phương có di sản khác như Quan họ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), hát Xoan (Phú Thọ), dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh)... có thể tham khảo để có những việc làm phù hợp với văn hóa của địa phương mình.

Sân khấu - Lịch sử: Mối tương quan tuyệt vời

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Sân khấu học đường do Cục Nghệ thuật Biểu diễn kết hợp với Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) và các Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch lần đầu được khởi xướng năm 2001, kéo dài trong 10 năm.

Hiện nay, dự án sân khấu học đường đang ở chặng cuối của giai đoạn 2, nhưng dường như nó đang có những biểu hiện bị đình trệ. Năm học mới 2019 - 2020 lại sắp bắt đầu, có lẽ cũng là thời điểm phù hợp để “các nhà” ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc để đưa ra giải pháp duy trì, tiếp lửa cho một dự án giàu tính nhân văn này.

Theo kết quả được ghi nhận, dự án này có lúc đã được phổ biến tới 32 tỉnh - thành phố, trong đó sôi động nhất vẫn là các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng. Tại Hà Nội, các nhà hát như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc đưa sân khấu vào nhà trường.

Còn ở TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu IDECAF, Nhà hát Sân khấu nhỏ TP. Hồ Chí Minh rất nhiệt tình hưởng ứng. Đã có thời gian không khí sân khấu trong trường học có sự sôi động nhất định, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc, thú vị đối với các em học sinh và đối với sinh viên trong hệ thống các trường phổ thông, đại học - cao đẳng. Không chỉ được xem kịch miễn phí, hoặc với giá siêu rẻ (5-15 ngàn đồng), các em học sinh được giao lưu với các nghệ sĩ mà còn có cơ hội hóa thân vào các nhân vật khi cùng tham gia dàn dựng các lớp diễn, tiểu phẩm với các nghệ sĩ nổi tiếng, trải nghiệm việc làm diễn viên - nghệ sĩ, trải nghiệm chơi các loại nhạc cụ...

Điều thú vị hơn cả, vì là môi trường học đường, nên các vở diễn mà các nhà hát biểu diễn trong khu vực nhà trường, hoặc cùng các em dàn dựng các tiểu phẩm - trích đoạn thường có mối liên hệ mật thiết với bộ môn lịch sử và văn học dân gian.

Có thể thấy, ngày nay rất nhiều em học sinh và các bậc phụ huynh phản ánh về chương trình dạy và học môn lịch sử trong nhà trường rất khô khan, giáo điều, khó tiếp thu, khó nhớ. Vì thế, việc có thêm những tiết học “ngoại khóa” dành cho bộ môn lịch sử thông qua các hình thức giảng dạy khác như các vở kịch sẽ làm một cách thử nghiệm thú vị đối với cả thầy và trò.

Chỉ có điều, để làm được việc này, chắc chắn phải có sự phối kết hợp, tạo điều kiện chặt chẽ, có lộ trình từ các cơ quan đơn vị liên quan như Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Sở Giáo dục & Đào tạo, nhà trường, nhà hát. Đó cũng chính là cách mà ca Huế đã được đưa vào hệ thống nhà trường tại tỉnh Thừa Thiên - Huế như một chính sách cụ thể đối với văn hóa - giáo dục tại địa phương này.

Thực tế đã chứng minh, sân khấu - lịch sử có mối tương quan tuyệt vời và có tác động hết sức tích cực trong nhận thức của học sinh, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS. Ý thức được điều này, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từng cùng nhiều trường học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xây dựng các chương trình - tiết mục biểu diễn mang đậm màu sắc lịch sử như “Trần Quốc Toản ra quân”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Võ Thị Sáu”, “Hào kiệt anh thư”, “Sự tích bánh chưng, bánh dày”...

Một cảnh trong vở kịch “Di họa” do CLB Kịch nghệ Life’s So Drama, trường chuyên Amsterdam Hà Nội biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Còn với các nghệ sĩ tâm huyết của sân khấu IDECAF, mặc dù nguồn kinh phí được hỗ trợ khá hạn hẹp, song hàng chục năm nay vẫn nỗ lực duy trì các suất diễn trong trường học dành cho đối tượng khán giả nhí với những vở diễn về những hình tượng anh hùng dân tộc như “Đinh Bộ Lĩnh”, “Trưng nữ vương”, “Thánh Gióng”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”... đã như một sự khẳng định những nỗ lực, tình yêu cũng như niềm hi vọng chưa bao giờ dứt đối với thế hệ khán giả trẻ tuổi.

Bởi họ biết, nuôi dưỡng tình yêu trong lòng khán giả trẻ tuổi cũng giống như việc đào tạo đội ngũ khán giả trong tương lai, là chăm chút tương lai cho nền sân khấu, cho chính mình.

Cần cổ vũ việc thành lập các CLB kịch nghệ

Sau một thời gian sân khấu học đường có sự trầm lắng ở Hà Nội, tối 6-8 vừa qua, vở kịch “Di họa” do học sinh thuộc CLB Kịch nghệ Lifes So Drama trường chuyên Amsterdam Hà Nội tổ chức dàn dựng và biểu diễn tại sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ đã thu hút sự quan tâm của không ít các nghệ sĩ làm sân khấu thực thụ đến từ Nhà hát Tuổi trẻ và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

“Di họa” là vở diễn thứ 3 của CLB được dàn dựng và biểu diễn sau các vở như “Frollo” (2016), “Đoạn tuyệt” (2018) được biểu diễn trước công chúng chứ không phải chỉ trong khuôn khổ “nội bộ nhà trường”.

Cho đến nay, CLB Kịch nghệ Lifes So Drama cũng là CLB kịch nghệ hiếm hoi trong hệ thống nhà trường có hoạt động hiệu quả, tạo được tiếng vang, sự chuyên nghiệp cũng như tạo được niềm đam mê thực thụ cho các thành viên tham gia.

Ở nước ngoài, bộ môn kịch rất được chú trọng trong hệ thống trường học, và với mỗi học sinh THPT đều phải đăng ký học một bộ môn nghệ thuật, trong đó kịch nói rất được các em ưu tiên lựa chọn. Nhưng hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa làm được điều này (ngoại trừ một vài trường quốc tế, hoặc trường có yếu tố nước ngoài chú trọng bộ môn kịch và đưa vào chương trình hoạt động ngoại khóa).

Chính vì thế, mô hình, cách thức hoạt động của CLB Kịch nghệ Lifes So Drama của trường chuyên Amsterdam Hà Nội rất xứng đáng là mô hình để cho các trường cấp 3 trên địa bàn Hà Nội tham khảo. Đồng thời, sẽ rất tuyệt vời nếu nó tác động được đến cách nhà làm chính sách giáo dục, các Ban Giám hiệu để tạo điều kiện, đồng hành cùng các em học sinh có niềm đam mê với sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/san-khau-hoc-duong-cach-nao-giu-lua-559676/