Sân khấu cải lương miền Nam nỗ lực sáng đèn trước bão gameshow

Các nghệ sĩ cải lương tất bật làm nhiều dự án, vở diễn...với hy vọng có thể đưa cải lương sáng đèn nhiều hơn.

Một cảnh trong vở cải lương “Tìm lại cuộc đời”

Một cảnh trong vở cải lương “Tìm lại cuộc đời”

Dồn quân làm vở

Những ngày giáp Tết, sân khấu của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thường xuyên nhộn nhịp nghệ sĩ ra vào tập luyện. Nhà hát vừa bắt tay thực hiện chuỗi chương trình biểu diễn để đưa Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo sáng đèn thường xuyên, sau một thời gian gặp khó khăn với hiện trạng rạp hát chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, với kế hoạch mới này, nhà hát sẽ cố gắng tận dụng những gì đang có. Các vở diễn sẽ có thiết kế sân khấu được sắp xếp sao cho phù hợp với hiện trạng không gian sân khấu.

"Sân khấu của tôi hoạt động theo hình thức tập thể. Anh em nghệ sĩ cùng nhau san sẻ chi phí, có bao nhiêu chi trả bấy nhiêu nên cũng đỡ. Bán vé phải giá cao vì không bán không đủ chi, mà giá cao thì khó bán. Một vở diễn phải bán vé trước cả tháng, huy động anh em bạn bè chung tay. Chỉ mong Nhà nước hay các đơn vị cho thuê rạp hỗ trợ phần nào thì cũng đỡ cho các nghệ sĩ”.

Nghệ sĩ Vân Hà

Theo kế hoạch, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ duy trì diễn 3 suất/tháng, chia cho 3 đoàn nghệ thuật của nhà hát. Vừa qua, Đoàn I của nhà hát vừa dựng lại vở cải lương ăn khách một thơìTìm lại cuộc đời(tác giả: Hoàng Khâm - Điêu Huyền, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Đây là vở cải lương đề tài cách mạng, từng được dàn dựng trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Chính vở diễn này đã đưa tên tuổi của các nghệ sĩ như NSƯT: Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Giang Châu… đến gần với công chúng nhiều hơn.

Được biết, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã giao cho các đoàn chủ động tìm kịch bản. Các vở diễn phải đáp ứng 2 yếu tố là chất lượng nghệ thuật và có tên tuổi. Yếu tố tên tuổi dành cho các vở được phục dựng lại, là những vở đã một thời vang bóng, đi sâu vào lòng người. Theo ông Kiệt, thời gian tới, nhà hát sẽ dựng một số vở diễn về đề tài lịch sử, có giá trị và ý nghĩa về lịch sử để có tính lưu truyền. Theo đó, ngoài vở Tìm lại cuộc đơìcủa Đoàn I, sắp tới, nhà hát sẽ diễn vở Giấc mộng đêm xuân, quy tụ đông đảo nghệ sĩ tài danh để chào mừng 100 năm sân khấu cải lương. Ông Kiệt khẳng định, ngoài chất lượng nghệ thuật, mặt thẩm mỹ sân khấu cũng sẽ được chú trọng để đáp ứng nhu cầu “đã tai, đã mắt” của khán giả ngày nay. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, truyền thông cũng sẽ được tăng cường.

Trong nỗ lực đưa sân khấu cải lương sáng đèn, nhiều sân khấu khác cũng vào cuộc. Các sân khấu như Lê Hoàng, nhóm của nghệ sĩ Kim Tử Long, Vũ Luân… đang nỗ lực để có thể duy trì mỗi tháng một suất diễn. Một sân khấu khác mới được ra mắt tháng 11/2018 là sân khấu Chí Linh - Vân Hà đang tất bật tập luyện nhiều vở diễn chuẩn bị phục vụ cho 100 năm sân khấu cải lương, cũng như dịp Tết Nguyên đán. Sân khấu Chí Linh - Vân Hà quy tụ nhiều gương mặt được yêu thích như: NSƯT Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Nhã Thy...

Tìm mọi cách kéo được khán giả

Trong tình hình khó khăn chung của các loại hình nghệ thuật truyền thống, cải lương cũng chật vật trong việc tìm khán giả. Để có thể duy trì được 3 suất diễn/tháng, theo ông Quốc Kiệt, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chấp nhận thời gian đầu diễn miễn phí để huy động và kêu gọi khán giả. Sau đó, nhà hát sẽ vừa diễn vừa thăm dò sở thích của khán giả để điều tiết từ từ.

Qua Tết Nguyên đán, kế hoạch về giá vé cũng như các chương trình giảm giá vé, ưu đãi cho các đối tượng khán giả mới được nhà hát quyết định. Dù khó khăn nhưng các nghệ sĩ chấp nhận duy trì sân khấu sáng đèn và để khán giả có địa điểm xem cải lương. May mắn là nhà hát có lực lượng nghệ sĩ khá đông với 3 đoàn biểu diễn. Các nghệ sỹ đều là những người có tâm huyết với nghề và được làm việc ở một sân khấu chuyên nghiệp chính quy nên có trách nhiệm với công việc, toàn tâm, toàn ý gác việc riêng để đóng góp cho sân khấu. Ông Kiệt tin tưởng, các nghệ sĩ làm bằng tâm huyết, bằng chất lượng nghệ thuật, hy vọng khán giả sẽ ủng hộ. “Chỉ có khán giả mới là yếu tố kích thích tinh thần của nghệ sĩ. Khán giả thấy được nỗ lực, ghi nhận thành quả của các nghệ sĩ thì sân khấu mới sáng đèn được”, ông Kiệt nói.

“Ông bầu” Lê Hoàng nhận định, cải lương chưa bao giờ “chết”, chỉ là đang yếu thế trước các bộ môn giải trí khác và với các gameshow, truyền hình thực tế. Để kéo được khán giả đến rạp, sân khấu Lê Hoàng áp dụng hình thức bán vé trực tuyến, chạy quảng cáo trên mạng xã hội cùng các nghệ sĩ tham gia quảng bá. Chưa kể, sân khấu còn có những ưu đãi giảm giá vé cho sinh viên, hoặc phát quà cho các khán giả khi đến rạp.

Trong khi đó, với nghệ sĩ Vân Hà, khó khăn lớn nhất để duy trì sân khấu cải lương đỏ đèn là yếu tố con người. Đa số các sân khấu cải lương trong Nam đều là những nhóm tư nhân, các nghệ sĩ cùng quy tụ để hoạt động nên yếu tố diễn viên đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì biểu diễn. Theo nghệ sĩ Vân Hà, các diễn viên trẻ thường chạy show nên việc sắp xếp thời gian tập luyện và biểu diễn tương đối nhọc nhằn và bị động. Có thể có vở diễn mỗi tháng nhưng không có diễn viên. Ngoài ra, yếu tố quan trọng không kém là kinh phí. Vấn đề xin tài trợ khó khăn, kinh phí dàn dựng cải lương cũng ngốn một khoản không nhỏ nếu là vở lịch sử, chưa kể chi phí thuê rạp.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/san-khau-cai-luong-mien-nam-no-luc-sang-den-truoc-bao-gameshow-d284678.html