'Săn' hàng hiệu giá rẻ cuối năm

Cuối năm là dịp các cửa hàng, thương hiệu đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại. Đây cũng là dịp mà nhiều người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, chờ đợi và dành nhiều thời gian tìm kiếm, 'săn' cho được những món hàng hiệu mình cần mà giá cả lại rẻ hơn.

Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu chạy nhiều chương trình sale khủng cuối năm. Ảnh: Thu Uyên.

Những năm gần đây, hàng sale có thương hiệu áp đảo hàng không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở chợ, shop, các hội chợ sale... Một khách hàng chia sẻ: "Mua hàng hiệu vừa có được cảm giác tự tin khi bước ra đường, vừa an tâm về chất lượng. Vì vậy, dù không có nhu cầu nhiều, tôi vẫn tranh thủ mua mỗi khi thấy có khuyến mãi. Thêm nữa, khi mua tại các showroom, trung tâm thương mại lớn, khả năng bị nâng giá lên rồi giảm ảo không nhiều như các shop, chợ".

Vào cuối mỗi vụ mùa, hoặc vào các dịp kỷ niệm các hãng sản xuất lớn thường có những chương trình ưu đãi lớn hoặc thực hiện xả hàng nhằm tiêu thụ hết các mẫu hàng cũ. Đây cũng là một dịp tốt để người tiêu dùng lên mạng mua hàng hiệu giá rẻ cho cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng mua được hàng xịn, hàng hiệu với giá rẻ, điều quan trọng là người mua phải biết giá trị thực của món hàng. Để giảm thiểu rủi ro, bạn cần tham khảo các thông tin khuyến mại trong năm của thương hiệu đó: Giảm bao nhiêu, điều kiện thế nào… Các hãng thương hiệu lớn rất ít khi kéo dài thời gian khuyến mại, giảm giá.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên tìm đến những khu trung tâm mua sắm có uy tín, shop chuyên hàng hiệu, hoặc các địa chỉ mà bạn đã tin tưởng. Hiện nay, có rất nhiều shop bán hàng theo kiểu quảng cáo thì là hàng hiệu chuẩn, tuy nhiên thực chất là hàng nhái, vì vậy người tiêu dùng nên tìm đến những điểm mua hàng hiệu có tiếng sẽ giúp bạn không bị mất tiền khi mua những món đồ xa xỉ này.

Quản lý một cửa hàng thời trang tại Hà Nội chia sẻ: "Khoảng sáu tháng sau khi xuất hiện trên thị trường, các mặt hàng mới bắt đầu giảm giá. Những sản phẩm được đưa vào dạng hạ giá thường là hàng không còn đủ size, và số lượng còn ít. Hàng qua mùa (thường mùa Thu Đông sẽ sale hàng Xuân Hè và ngược lại), những mẫu bán không chạy cũng sẽ được cất vào kho chờ đến mùa cuối năm bày bán lại". Những mẫu mới và đẹp thường chỉ được giảm 20-30%. Càng qua mùa lâu, sản phẩm càng được giảm mạnh, có khi lên đến 70% nếu như số lượng còn ít. Theo vị này: "Doanh thu thời kỳ sale có ngày tăng gấp 10 lần so với thông thường".

Có điều đáng lưu ý, khi người tiêu dùng mua hàng sale có nghĩa khách hàng đã đánh mất nhiều quyền lợi như chế độ bảo hành, đổi trả... Dù là hàng sale, với số tiền bỏ ra lên đến vài triệu đồng cho một sản phẩm cao cấp, khách hàng cũng khó lòng yên tâm nếu lỡ gặp phải sự cố như trên. Đó là chưa kể, nhiều thương hiệu còn chen lẫn hàng Trung Quốc hay Việt Nam xuất khẩu để bán kèm.

Theo giới kinh doanh, không phải mặt hàng nào cũng có thể giảm giá. Doanh thu trước và sau khi giảm cũng không tăng đáng kể. Anh Nguyễn Việt Dũng – phụ trách quản lý một cửa hàng mỹ phẩm, nước hoa tại Hà Nội cho biết thường các đợt giảm giá cửa hàng phải tính toán rất kỹ số lượng, mức giảm để đảm bảo chương trình kết hợp với nhà bán lẻ không bị ế và lỗ. “Nhưng không phải cứ đông khách là thắng lớn! Vì khách đông nên sẽ có tâm lý xem nhiều hơn mua, chưa kể khó kiểm soát được cửa hàng, dễ mất cắp” – anh Dũng nói.

Thu Uyên

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/san-hang-hieu-gia-re-cuoi-nam.aspx