Sân golf cạnh nguồn nước sông Đà: Cảnh báo mới

Cho rằng còn nhiều lỗ hổng trong quản lý an ninh nguồn nước, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề xuất một số giải pháp bịt lỗ hổng này.

PV: - UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản về chủ trương cho phép Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và thương mại nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn. Trước đó, văn bản của Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT) cho biết dự án này sử dụng 270ha, trong đó có 3/4 diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà.

Điều này có vẻ như mâu thuẫn với chủ trương bảo vệ an toàn nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà, bởi ngay trước đó, Hòa Bình đã đề xuất đầu tư tuyến ống dẫn nước thô chạy từ sông Đà đến trạm bơm, thay vì dùng nước suối chảy lộ thiên.

Ông nhận xét gì về mâu thuẫn này? Phải chăng, Hòa Bình chưa lường trước được thực tế khi xây dựng sân golf, tồn dư thuốc bảo vệ cỏ có khả năng ngấm xuống mạch nước ngầm và hòa vào nguồn nước nguyên liệu cung cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà? Hệ lụy khi ấy là gì, xin ông phân tích cụ thể?

GS.TS Vũ Trọng Hồng

GS.TS Vũ Trọng Hồng

GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Việc tỉnh Hòa Bình đồng ý về chủ trương cho phép doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, lập dự án làm sân golf mà theo Cục Quy hoạch đất đai có tới 3/4 diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bởi Luật Tài nguyên nước đã quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Chưa kể, đã làm sân golf thì phải phun hóa chất để giữ cỏ, xử lý mối và các loại côn trùng khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, sân golf sử dụng lượng hóa chất rất lớn, ngang với lượng hóa chất dùng trong các nhà máy hóa chất hay các khu công nghiệp. Hóa chất ngấm vào nguồn nước, ảnh hưởng tới nước ngầm. Nếu đúng như chủ trương đã cho phép, tức tới 3/4 diện tích sân golf nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sạch cung cấp cho người dân.

Chúng tôi lên sân golf Đồng Mô, họ bảo không phun hóa chất làm sao giữ được cỏ, mà lượng hóa chất này rất cao. Nếu Đồng Mô không làm sân golf nữa và trả lại đất thì nông dân cũng chẳng dám dùng đất ấy. Phải rửa đất hàng chục năm cho xói rửa hết hóa chất. Hay nhiều khu công nghiệp hiện nay như khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai trả lại đất cho dân, dân kêu phải mất vài chục năm xử lý hóa chất. Muốn xử lý phải dùng nước, vậy bao nhiêu nước cho vừa?

Tôi nhớ năm 2017, dư luận đã xôn xao khi Vĩnh Phúc muốn chuyển đổi rừng phòng hộ Núi Ngang (huyện Tam Đảo) thành công viên nghĩa trang quy mô hơn 100ha. Sau khi các chuyên gia, báo đài lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cuối cùng Vĩnh Phúc đã khẳng định không làm công viên nghĩa trang ở Núi Ngang và giữ nguyên rừng phòng hộ.

Như vậy, ngay rừng phòng hộ, nơi không có người dân sinh sống đã không được phép làm khu mồ mả, mà giờ Hòa Bình lại định cho làm sân golf ở trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà thì làm sao có thể chấp nhận được?

Sân golf là nhu cầu vui chơi giải trí, có thể làm rộng hay hẹp cũng được, tùy theo lỗ golf. Cách đây hơn 4 năm, TP Hà Nội cũng định đầu tư dự án sân golf gần 300ha ngoài đê sông Đuống thuộc huyện Gia Lâm và quận Long Biên. Ngoài sân golf còn có các hạng mục như bể bơi, khu tập gyms, tennis, nhà điều hành, trung tâm y tế, công trình phù trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ… Một phần dự án này nằm trong hành lang thoát lũ sông Đuống. Sau các chuyên gia và dư luận phản đối quyết liệt, cuối cùng dự án ấy đã không thành.

Đấy là nước sông Đuống, còn ở đây là vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, không thể làm sân golf ở đó.

Nếu sân golf này được xây dựng trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà thì rõ ràng nó đã vi phạm pháp luật và người dân hoàn toàn có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật. Tôi tin rằng chỉ cần có ý kiến gửi lên các bộ ngành thì họ sẽ trả lời ngay, không cho phép xây dựng sân golf ở khu vực nhạy cảm như vậy.

Vấn đề này có liên quan đến Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên- Môi trường. Bộ TN-MT chịu trách nhiệm về những vấn đề gây ô nhiễm. Do Luật Tài nguyên nước mới chỉ quy định UBND cấp tỉnh lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, nên trong trường hợp này, Tổng cục Môi trường cần báo cáo với Bộ trưởng Bộ TN-MT để lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiểm tra. Nếu đúng là dự án sân golf nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà thì phải dừng lại ngay, nếu không thì cũng phải thu hẹp lại diện tích, không lấn chiếm vào vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV rằng ông cũng mất 3 ngày sử dụng nước nhiễm dầu thải. Bộ quản lý thế nào mà lại để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy? Rõ ràng, Bộ TN-MT chưa thực thi đúng trách nhiệm của mình, có phần nào để cho các tỉnh chủ động.

PV: - Nhìn một cách tổng thể, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về an toàn nguồn nước từ nhà máy nước sạch sông Đà. Về phần nước nguyên liệu ở đầu nguồn, yếu tố này rất dễ bị tác động bởi các nguyên nhân ngoại cảnh (đổ dầu thải, sân golf, nếu có).

Ở khâu lọc nước, dù đã xin lỗi, Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã không công bố công nghệ lọc nước đang sử dụng, nguyên nhân vì sao công nghệ lọc bất lực trước dầu thải và cảnh báo của bản thân hệ thống lọc khi bị quá tải đã không xuất hiện.

Ở đầu cấp nước, sau khi sự cố xảy ra nhiều ngày và chỉ khi bị người dân phản ứng, phía cơ quan chức năng mới kiểm định mẫu nước cung cấp cho người dân và phát hiện có tồn dư chất độc, đây được đánh giá là phản ứng chậm và có khả năng gây nguy hiểm nếu chất độc không phải là dầu thải.

Ông bình luận ra sao trước thực tế trên? Lẽ ra, câu hỏi về vấn đề an toàn nguồn nước cần được trả lời đầy đủ ra sao, thưa ông? Đến nay, Việt Nam đã có những cơ chế nào để bảo vệ an toàn nguồn nước?

Người dân lấy nước từ xe téc sau sự cố nước sinh hoạt bị nhiễm dầu.

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Rõ ràng còn quá nhiều lỗ hổng trong quản lý an ninh nguồn nước. Vụ tràn dầu thải ở Nhà máy nước mặt sông Đà cho thấy sự lơi lỏng trong bảo vệ nguồn nước, thiếu kiến thức xử lý tình huống, vận hành nhà máy. Trước nay, chúng ta vẫn nói nhiều về an ninh nguồn nước, nhưng cơ chế quản lý như thế nào thì vẫn chưa thấy được cụ thể hóa. Ở vụ tràn dầu thải, lỗi đầu tiên thuộc về công ty cung cấp nước, vấn đề là trách nhiệm họ đến đâu.

Đơn vị cung cấp nước sạch hiện nay chưa xã hội hóa mà vẫn là chỉ định, UBND Thành phố quản lý. Thẳng thắn mà nói Viwasupco không đủ năng lực quản lý, vận hành. Về chất lượng nước mặt, Bộ TN-MT đã công bố, gồm 8 tiêu chí, đó là nhóm DO, fecal coliform, pH, BOD5, NO3, DO4, nhiệt độ, độ đục, tổng chất thải rắn.

Tuy nhiên, Viwasupco mới chỉ xử lý được một số tiêu chí như: độ đục, độ pH và sử dụng Clo để xử lý một số tác hại từ nhóm fecal coliform. Còn các tiêu chí ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như Oxygen, Nitơ, Phốt phát thì Công ty chưa đủ năng lực phát hiện và xử lý.

Chính vì thế, nên xem lại đơn vị cung cấp nước sạch này vì họ không có đủ năng lực. Nên nhớ đây không phải là xã hội hóa, doanh nghiệp đấu thầu, mà là chỉ định, và ở đây có trách nhiệm của UBND TP Hà Nội.

Doanh nghiệp thiếu trách nhiệm đã đành, UBND TP Hà Nội cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, bởi khi xảy ra sự cố, người dân đã lên tiếng nhưng đơn vị cung cấp nước không kịp thời xử lý.

Phải nói thêm rằng, dầu mỡ là chất thải nguy hại, không thể xử lý được, chỉ có cách thu gom vào một chỗ rồi chôn luôn. Đối với Viwasupco, vấn đề không chỉ là trách nhiệm, mà còn là kiến thức kém, thiết bị lạc hậu. Với cả 3 điều kiện như vậy, tại sao vẫn cứ giữ công ty này mà không cải tổ lại, tăng cường người có trách nhiệm, có kiến thức và tăng cường thiết bị?

Hà Nội có yêu cầu Viwasupco lắp đặt camera để giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà. Tuy nhiên, camera hay thiết bị nào khác cũng vẫn phải phụ thuộc vào con người, trách nhiệm và kiến thức của con người ấy, nếu những yếu tố đó kém thì thiết bị dẫu có hiện đại mấy cũng trở nên vô dụng.

PV: - Ở một khía cạnh khác, việc cấp nước cho các khu vực hiện tại vẫn theo cách gần như độc quyền, hệ lụy của việc cổ phần hóa nhưng chưa thể thị trường hóa các nhà cung cấp nước sạch. Điều gì khiến cho việc thị trường hóa các đơn vị cung cấp nước sạch khó khăn như vậy, thưa ông? Và nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thì có công bằng với người dân không?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Khái niệm xã hội hóa chỉ nên dùng cho kinh tế, còn với an ninh nguồn nước thì không. Nói xã hội hóa, thị trường hóa việc cung cấp nước sạch dễ gây hiểu lầm rằng quyền hưởng nước sạch của người dân bị đem bán, rằng chỉ cần bỏ giá thầu cao nhất là được. Mặt khác, tôi e rằng, nếu xã hội hóa thì khi xảy ra sự cố, đơn vị cung cấp nước sạch có thể thoái thác trách nhiệm.

Vì an ninh nguồn nước, Nhà nước vẫn cần quản lý. Ở đây không phải Nhà nước bao cấp, Nhà nước vẫn có quyền kêu gọi các nhà thầu vào, tổ chức đấu thầu và lựa chọn, có điều các tiêu chí thì Nhà nước phải nắm. Trong các điều kiện để lựa chọn đơn vị cung cấp nước, không phải điều kiện giá cả là chính, mà điều kiện đảm bảo sức khỏe người dân mới là yếu tố tiên quyết để lựa chọn.

Trước đây, khi còn công tác ở Bộ NN-PTNT, chúng tôi tổ chức đấu thầu nhiều. Có công trình liên quan đến nước biển, tiêu chuẩn chất lượng công trình rất quan trọng vì nước biển ăn mòn bê tông. Có doanh nghiệp bỏ thầu giá rẻ nhưng hội đồng không chọn, mà chọn nhà thầu bỏ giá cao hơn. Doanh nghiệp bỏ thầu rẻ khi ấy mới kiện và được giải thích rõ rằng: bởi nước biển ăn mòn bê tông, cần phải thêm xi măng vào để chống ăn mòn và nó làm cho giá thành đội lên. Nhưng việc đội giá lên ấy là phù hợp, bởi nếu không, công trình sẽ hỏng. Doanh nghiệp bỏ giá thầu rẻ hơn nhưng chất lượng kém, không bền vững nên bị loại.

Trở lại với vấn đề cung cấp nước sạch, tôi tái khẳng định chúng ta không bao cấp, nhưng Nhà nước vẫn phải nắm và doanh nghiệp kinh doanh trong điều kiện.

Bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có phát biểu rằng, với những dịch vụ thiết yếu của người dân như nước sạch, nếu công ty không đảm bảo chất lượng và không xử lý sự cố kịp thời thì thành phố có quyền cắt hợp đồng, không cho cung cấp nước. Chính quyền sẽ thay thế đơn vị cung cấp nước khác để buộc các công ty phải thực hiện đúng quy định, chứ không thể thích làm gì thì làm.

Ở đây quyền thay thế không phải là xã hội hóa. Xã hội hóa, thị trường hóa thì cứ giá ai rẻ thì được thầu, nhưng đã là quyền thay thế thì tức là không phải thả cho doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Nói cách khác, đấu thầu cung cấp nước sạch là đấu thầu có điều kiện, Nhà nước không thả rộng ra cho thị trường muốn ra sao thì ra, Nhà nước phải nắm các điều kiện để có thể can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố.

Điều này cũng có nghĩa là trong hợp đồng với đơn vị cung cấp nước phải có điều khoản nếu doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị thay. Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu hoàn toàn đúng.

PV: - Rõ ràng, nếu những vấn đề trên không thay đổi, người dân vẫn phải gánh chịu rủi ro. Theo ông, cần phải thay đổi thực tế trên như thế nào? Xin ông phân tích cụ thể.

GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Thực tế nguy cơ nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc xâm nhập vào nguồn nước là rất nhiều. Trong vụ đổ dầu thải vào nước sạch sông Đà vừa qua, dầu thải là chất có thể nhận biết được bằng mắt thường, còn có những thứ không nhận biết được bằng mắt thường, như hóa chất thì sao?

Chính vì thế, để phòng ngừa rủi ro, đầu tiên, đề nghị cơ quan lập pháp phải làm rõ khái niệm an ninh nguồn nước, luật cần phải quy định cụ thể hơn để giúp người dân có quyền góp ý kiến hay phản đối khi doanh nghiệp cấp nước không đảm bảo.

Chẳng hạn, an ninh nguồn nước không chỉ là đảm bảo cung cấp nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hay xâm nhập mặn, mà nó còn chống ô nhiễm, chống dịch bệnh lây lan rộng trong xã hội.

Việc làm rõ khái niệm an ninh nguồn nước cần phải được gấp rút bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường để Bộ TN-MT có quyền xử lý chứ không thể phó mặc cho UBND cấp tỉnh.

Ví dụ, nếu có chất thải nguy hại trong nước sạch mà vẫn cấp nước thì Bộ TN-MT có quyền đình chỉ đơn vị cung cấp nước, xem xét trách nhiệm của đơn vị đó trước pháp luật.

Một điểm khác, nước là môi trường nhạy cảm nhất, nên khi xảy ra sự cố, chẳng hạn chất thải nguy hại bị đổ vào nước, thì nó sẽ lan rất nhanh, không thể ngăn được. Do đó, phải thiết lập vùng bảo hộ hay hàng rào bảo vệ từ xa.

Ở các nước, nước vào nhà máy lọc đều qua đường ống, tại sao ở ta lại lấy nước mặt chạy trong kênh hở?

Hiện hai bên bờ sông Đà vẫn còn nhiều nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm tới nguồn nước, do đó nước lấy từ sông Đà về phải làm đường ống khép kín và bảo vệ triệt để.

Hồ Đầm Bài phải được xây dựng khép kín, nâng cấp từ một hồ chứa nước cho tưới tiêu thủy lợi, trở thành một bể chứa, nhận nước từ sông Đà, xử lý tạo thành nước sinh hoạt cho người dân, và tách hoàn toàn các nguồn nước tự nhiên khác đang chảy vào. Tại đây, cũng phải đầu tư thiết bị quan trắc ô nhiễm tự động để kịp thời phát hiện chất ô nhiễm trong nước.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/san-golf-canh-nguon-nuoc-song-da-canh-bao-moi-3390765/