Săn chuột 'quý tộc'

Những cây sâm Ngọc Linh được trồng sâu trong cánh rừng già, dưới những tán rừng cổ thụ trở thành dược liệu quý giá. Sâm Ngọc Linh cũng là thức ăn của những con chuột 'quý tộc' ở đây. Bởi vậy, thịt chuột trở thành đặc sản được người dân săn tìm, sử dụng những dịp đặc biệt và khi Tết đến xuân về.

Kẻ trộm “quốc bảo” trở thành đặc sản của người dân Xê Đăng. Ảnh: T.G

Kẻ trộm “quốc bảo” trở thành đặc sản của người dân Xê Đăng. Ảnh: T.G

Kẻ trộm “quốc bảo”

Dưới tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, vùng đất Tu Mơ Rông (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được bao bọc bởi lớp sương dày đặc. Những ngôi nhà sàn của đồng bào nơi đây mọc lên san sát nhau như che chắn từng cơn gió ở vùng rẻo cao này.

Vùng đất Tu Mơ Rông nổi tiếng bởi có một loại dược liệu quý hiếm, giá trị dinh dưỡng cao là sâm Ngọc Linh. Chính vì quý hiếm nên loại dược liệu này chỉ có thể sống và phát triển ở sâu trong khu rừng già, dưới những cây cổ thụ.

Anh A Ngôm - Trưởng thôn Đắk Dơn (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho hay: Năm 2014, hàng chục hộ dân tại thôn Đắk Dơn (xã Măng Ri) xin vào làm công nhân tại các công ty trồng sâm trên địa bàn. Ngày ngày, người dân chăm sóc và bảo vệ giống sâm quý hiếm này.

Ngoài tiền lương nhận được, mỗi năm người dân còn được cấp 100 gốc sâm để trồng. Do đó, diện tích sâm ngày càng được nhân rộng. Tuy nhiên, sâm chỉ sống được dưới tán rừng nguyên sinh, ở lưng chừng núi Ngọc Linh với độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển nên phải cắt cử, thay phiên nhau trông coi.

Tuy nhiên, khi sâm lớn, chuẩn bị cho thu hoạch, người dân tá hỏa khi phát hiện các gốc sâm héo dần rồi chết. Kiểm tra kỹ thì các củ sâm đã “không cánh mà bay”. Tổ công tác đặc biệt được thành lập để theo dõi mới phát hiện những con chuột rừng và chuột chũi chính là “kẻ trộm sâm” bấy lâu nay.

Mọi người bắt đầu làm những chiếc bẫy đá và bẫy kẹp bằng tre tự chế, bẫy kẹp bằng sắt, bẫy thòng lọng để bắt chú chuột “quý tộc”. Từ ngày đặt bẫy, những con chuột ăn sâm bắt đầu ít dần. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, loài vật tinh khôn này thấy đồng loại bị sa bẫy nên tránh. Người dân phải dùng gậy đánh, bắn nỏ để hạn chế chúng phá vườn sâm.

Theo anh A Ngôm, đều đặn cứ đến mùa sâm Ngọc Linh trổ hoa, đậu quả dưới tán rừng, hấp thụ được tinh khí, dưỡng chất của đất, những chú chuột tinh khôn lại tìm cách tiếp cận vườn sâm. Để ngăn cản “chuột quý tộc” trộm “quốc bảo”, người dân nơi đây bày “thiên la địa võng”. Tuy nhiên, sâm vẫn bị “đánh cắp”, còn những chú chuột trở thành đặc sản, bởi đã ăn dược liệu quý giá.

“Chuột ăn sâm rất tinh khôn, do đó mọi người phải thay đổi chỗ đặt bẫy và các loại bẫy liên tục mới bắt được chúng. Nếu không chỉ ít hôm, chúng sẽ phá hết vườn sâm, những củ sâm giá trị cũng bị cuỗm đi”, anh A Ngôm lắc đầu ngao ngán nói.

Đặc sản dành cho ngày lễ

Với hành trang là những chiếc bẫy cùng quần áo ấm, thanh niên thôn Đắk Dơn thay nhau đi tuần tra, bảo vệ vườn sâm. Để tiếp cận được vườn sâm, chúng tôi phải lội bộ theo đoàn khoảng 3km vượt qua những dốc núi cheo leo, xuyên qua đoạn rừng rậm rạp. Do không quen nên chúng tôi liên tục bị vướng chân vào những bụi cỏ rậm rạp trên đường.

Trên đường lên vườn sâm, nhóm thanh niên đặt chiếc bẫy mang theo dọc đường để ngăn những con chuột phá phách. Sau khi đi khoảng 2 giờ đồng hồ, rào chắn bằng lưới B40 quây kín hiện ra kèm những hố chông tua tủa, lối vào án ngữ 1 chốt canh được làm bằng ván có người gác. Hỏi ra mới biết, bên trong là khu vực trồng sâm Ngọc Linh.

Do các loại chông và bẫy giăng mắc khắp nơi để đề phòng kẻ gian nên trưởng đoàn dặn mọi người đi sát vào nhau và thành hàng. Bởi chẳng may sẩy chân vào bẫy dễ bị thương tích hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Lách người qua “trận địa”, anh A Ngôm kiểm tra những chiếc bẫy được đặt từ trước xem có con chuột nào sa bẫy. “Lũ chuột càng ngày càng tinh khôn, giăng “thiên la địa võng” như thế này mà không bị dính bẫy. Vườn sâm lại bị đe dọa mất thôi”. Dứt lời, anh đặt thêm những chiếc bẫy trên đường đi để “săn” những con chuột “quý tộc”.

Đi cạnh bên, anh A Chung - Đội trưởng đội bảo vệ vườn sâm cho hay, người dân muốn trồng sâm chỉ có thể ươm hạt. Tuy nhiên, cả vườn sâm chỉ có vài chục kg hạt nhưng tới mùa thu hoạch lũ chuột lại nhanh chân gặm nhấm hết.

Không những vậy, củ sâm với giá trị hàng chục triệu đồng cũng bị lũ chuột “lấy trộm”. Chính vì vậy, chuột là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất với người trồng sâm.

Vừa giải thích với chúng tôi, anh Chung hướng ánh mắt về phía những chiếc bẫy trước mặt, như phát hiện điều gì nên nhanh chân tiến lại. Cầm chiếc bẫy với những con chuột bị mắc dơ lên, anh A Chung rạng rỡ nói: “Cuối cùng cũng bắt được lũ chuột phá phách này. Trưa nay cả đoàn có mồi nhắm rồi”.

Với chiến lợi phẩm là những chú chuột ăn sâm, mọi người bắt tay vào sơ chế để chế biến món ăn. Một nửa được nướng vàng ươm trên bếp lửa, số còn lại được nấu với măng rừng muối chua.

Không chỉ có 2 món trên, chuột “quý tộc” còn được chế biến nhiều món khác như xào cùng ruột cây chuối rừng hoặc chặt nhỏ để xào xả ớt. Món ăn này trở thành đặc sản của người dân nơi đây. Những ai có cơ hội thưởng thức chuột “quý tộc” khó có thể quên hương vị đặc biệt này.

Mỗi mùa sâm, chúng tôi bắt được khoảng 300 - 400 con chuột. Số chuột này mọi người chia nhau về sơ chế rồi làm thành từng xâu, thui vàng, treo trên gác bếp. Chuột ăn sâm nên được xem là đặc sản của người Xê Đăng. Do đó, người dân để dành đến những dịp lễ, Tết hay có khách quý tới chơi mới mang ra chế biến món ăn.

Anh A Chung

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/san-chuot-quy-toc-4059048-b.html