Sàn chứng khoán mới ra mắt của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ lo lắng?

25 công ty về công nghệ thông tin và một số lĩnh vực khác đã được giới lãnh đạo Trung Quốc phê duyệt tham gia thị trường chứng khoán STAR của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải - dự kiến bắt đầu giao dịch kể từ thứ 2 tới (22/7).

Phó Thủ tướng, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Lưu Hạc, cùng các quan chức lãnh đạo Thượng Hải, có mặt tại lễ ra mắt của thị trường SSE STAR - trước đây được gọi là Hội đồng đổi mới Khoa học và Công nghệ Thượng Hải - hôm 13/6 tại Thượng Hải.

Phó Thủ tướng, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Lưu Hạc, cùng các quan chức lãnh đạo Thượng Hải, có mặt tại lễ ra mắt của thị trường SSE STAR - trước đây được gọi là Hội đồng đổi mới Khoa học và Công nghệ Thượng Hải - hôm 13/6 tại Thượng Hải.

Thị trường mới, được mô phỏng theo NASDAQ có trụ sở tại Mỹ, phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc đưa vốn tư nhân vào các kế hoạch phát triển của quốc gia này. Cụ thể, nó sẽ mang lại cho các nhà đầu tư nhỏ của Trung Quốc cơ hội mua vào các ngành công nghệ mà hiện nay chủ yếu đã chuyển sang Phố Wall để bán cổ phần.

Theo AP, thị trường STAR không trực tiếp liên quan đến cuộc chiến thuế quan của Bắc Kinh với chính quyền Tổng thống Donald Trump - về các khiếu nại của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề ăn cắp công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ ép buộc - tuy nhiên nó sẽ huy động vốn cho các ngành công nghiệp mà nhiều quan chức Washington coi là mối đe dọa cạnh tranh đối với vị trí thống lĩnh toàn cầu của Mỹ hiện nay.

Nhà phân tích kinh tế Lu Zhengwei từ Ngân hàng Công nghiệp tại Thượng Hải cho biết, vai trò quan trọng của hội đồng quản trị mới là cung cấp một kênh gây quỹ cho sự đổi mới khoa học và công nghệ của Trung Quốc.

Các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc tại Thượng Hải và TP phía Nam Thâm Quyến được thành lập đầu những năm 1990 cũng nhằm mục đích huy động vốn cho ngành công nghiệp nhà nước. Chúng đã mở rộng để bao gồm các DN tư nhân nhưng vẫn bị chi phối bởi các công ty thuộc sở hữu nhà nước như PetroChina hay China Mobile.

Các công ty như "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba, JD.com hay trang tìm kiếm Baidu.com đã huy động được hàng tỷ USD trên Phố Wall, nhưng việc bán cổ phiếu nước ngoài được đánh giá là bất tiện và tốn kém với các công ty nhỏ hơn.

Thị trường STAR có nhiều tiêu chuẩn "dễ thở" về lợi nhuận và biến động giá so với các sàn giao dịch chính, chẳng hạn như việc các công ty chưa tạo ra lợi nhuận có thể giao dịch trên sàn STAR Thượng Hải nếu họ dành ít nhất 15% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển cho giải pháp hoặc công nghệ trong phát triển tiên tiến.

"Việc cho phép các công ty bán cổ phiếu trước khi họ có lãi sẽ khuyến khích phát triển vốn mạo hiểm của Trung Quốc, thông qua việc các nhà đầu tư sớm thu hồi một số tiền nhất định của mình", ông Lu nói.

Cổ phiếu trên thị trường mới có thể dao động 30% về giá trước khi các cơ quan quản lý tạm dừng giao dịch trong 10 phút. Các sàn giao dịch chính sẽ tạm dừng giao dịch trong ngày của bất kỳ cổ phiếu nào tăng hoặc giảm 10% về giá.

Ngoài các công ty sẽ bắt đầu giao dịch vào ngày mai, sàn giao dịch Thượng Hải cho biết họ đang xem xét các đề xuất từ 116 liên doanh khác cho việc chào bán cổ phiếu công khai ban đầu.

Hương Thảo (Theo AP)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/san-chung-khoan-moi-ra-mat-cua-trung-quoc-se-khien-my-lo-lang-348328.html