Sân chơi cho trẻ em ở vùng cao

Do đặc thù người dân vùng cao sống không tập trung, cách xa nhau nên rất khó xây dựng khu vui chơi tập trung cho trẻ em hoặc làm ra nhưng hoạt động không hiệu quả. Thế nhưng bằng cách này cách khác, các huyện và các xã vùng cao vẫn cố gắng tạo sân chơi cho trẻ em.

Xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, có 9 thôn trong đó có 2 thôn vùng cao. Xã chưa có khu vui chơi tập trung cho trẻ em. Mặt khác các trò chơi thông thường như đu quay, bập bênh... giờ cũng không thu hút trẻ em đến chơi nữa, đầu tư ra gây lãng phí. Nếu xây dựng các sân chơi như bể bơi, sân đá bóng cỏ nhựa sẽ thu hút nhiều trẻ em trong dịp hè, thế nhưng với khả năng của xã không thể đáp ứng được, vì ngoài việc đầu tư ra còn phải có nguồn kinh phí để trả lương cho đội ngũ bảo vệ, dọn vệ sinh, hay để thay nước cho các bể bơi đó là nguồn chi không nhỏ. Do Thanh Sơn giáp với thị trấn Ba Chẽ nên ngoài việc cho trẻ em tham gia sinh hoạt tại nhà văn hóa các thôn, xã còn vận động trẻ em tham gia các lớp năng khiếu tổ chức ở thị trấn.

Bể bơi thị trấn Ba Chẽ sẽ là sân chơi ngày hè cho trẻ em thị trấn Ba Chẽ.

Bể bơi thị trấn Ba Chẽ sẽ là sân chơi ngày hè cho trẻ em thị trấn Ba Chẽ.

Ở thị trấn Ba Chẽ mấy năm qua cũng đã đầu tư bể bơi, có thể tích 1.050m3, thế nhưng cũng chỉ cố gắng duy trì cho trẻ em hoạt động vào dịp hè và các dịp thi đấu giải bơi vì kinh phí eo hẹp. Để giúp trẻ em có mùa hè bổ ích, Huyện Đoàn Ba Chẽ phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Phòng GD&ĐT huyện mở các lớp năng khiếu hè cho các em gồm các lớp bơi, bóng đá (khu vực thị trấn và các xã Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Đồn Đạc) và các lớp Vovinam, cầu lông ở thị trấn. Các lớp bơi được bắt đầu từ tháng 6, mỗi lớp có từ 6 đến 15 trẻ em, thời gian học 12 ngày/lớp. Ba Chẽ có 7 xã, 1 thị trấn, nhưng chỉ có 4 xã và thị trấn có bể bơi nên mới có thể mở được lớp bơi. Tuy thế, các lớp năng khiếu này cũng thu hút không nhiều trẻ em.

Năm 2018, huyện Tiên Yên mở 30 lớp năng khiếu cho trẻ em ở các xã, thị trấn. Năm nay tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể vì mới vào đầu hè, nhưng theo anh Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện thì số lớp năng khiếu chắc chắn nhiều hơn năm trước. Bởi hiện tại, Huyện Đoàn đã chỉ đạo các đoàn cơ sở mở trung bình 2 lớp năng khiếu/xã, còn thị trấn Tiên Yên sẽ mở 3 đến 5 lớp năng khiếu gồm các lớp bơi, vovinam, võ cổ truyền. Các xã Đông Ngũ, Đông Hải có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn mở thêm 3 lớp kỹ năng sống/xã. Tại các lớp học này, các em được nghe kể những câu chuyện xúc động về tình yêu thương cha mẹ, thầy cô, được lĩnh hội đưa ra những nhận xét cách xử lý tình huống khi bị bắt cóc, bắt nạt, xâm hại hoặc sôi nổi hơn trong những hoạt động thường ngày như: Gấp quần áo đúng cách, nhanh gọn, giúp bố mẹ việc nhà, chăm sóc bản thân… Cũng theo anh Tùng, huyện Tiên Yên cũng tạo điều kiện cho những người có khả năng đầu tư bể bơi thông minh tư nhân khi đủ điều kiện. Do vậy với trẻ em trên địa bàn huyện khi muốn học bơi sẽ rất có nhiều lựa chọn.

Ở các xã khó khăn vùng cao, huyện Tiên Yên đã đưa các khu vui chơi công cộng vào các trường học. Tìm hiểu ở trường học các xã vùng cao, được biết về mùa hè các trường vẫn mở cửa như ngày thường, để trẻ em có thể vào vui chơi như đá bóng, cầu lông hoặc các trò chơi dân tộc đẩy gậy, kéo co.

Góc chợ quê, sân chơi mùa hè của trẻ em Trường Mầm non Đại Thành, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên.

Chúng tôi đến Trường Mầm non Đại Thành thuộc xã vùng cao Đại Thành, cách thị trấn Tiên Yên hơn 20km, người dân ở đây gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng trong những năm qua từ sự chăm lo của tỉnh và huyện Tiên Yên với các xã đặc biệt khó khăn, Trường Mầm non Đại Thành đã được xây dựng thành trường chuẩn quốc gia từ năm 2016. Khu vực ngoài trời của Trường Mầm non có sân bóng cỏ mi ni cho trẻ em 5 tuổi và những đồ chơi ngoài trời mang tính thông dụng như đu quay, trượt ống… Nhà trường còn có 5 góc chơi gồm: Chợ quê, Vườn cổ tích và 2 phòng trải nghiệm, 1 phòng kỹ năng sống, 1 phòng vẽ sáng tạo. Theo cô Bế Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Thành, cho biết: “Đây là trường của xã khó khăn nên học sinh được hỗ trợ học hè, hỗ trợ ăn trưa theo Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Sân chơi của nhà trường cũng là một sân chơi ngày hè của các em học sinh mầm non trên địa bàn xã”.

Như vậy, bằng cách này hay cách khác, các huyện và các xã khó khăn vẫn cố gắng tạo sân chơi cho trẻ em, giúp các em có nhiều hoạt động vui chơi bổ ích trong dịp nghỉ hè.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201906/san-choi-cho-tre-em-o-vung-cao-2442538/