Sân bay quốc tế Singapore Changi: Điểm đến của nhiều hãng hàng không lớn

Sân bay quốc tế Singapore Changi (gọi tắt là sân bay Changi) là một trong những trung tâm vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không lớn nhất thế giới, là cửa ngõ hàng không quan trọng nhất của Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ. Trong 5 năm liên tiếp (2013 - 2017), Changi đã được tổ chức Skytrax vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới. Sân bay này cũng là một trong những sân bay vận chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới. Changi hiện là trung tâm hoạt động của Singapore Airlines, SilkAir, Tiger Airways, Scoot và Jetstar Asia Airways và được điều hành bởi Changi Airport Group.

Bên trong sân bay Changi

Bên trong sân bay Changi

Sân bay Changi được đưa vào hoạt động từ năm 1955 với mục đích chia sẻ lưu lượng hành khách đang có dấu hiệu gia tăng chóng mặt, khiến cho hai sân bay Seletar (sân bay chính của Singapore vào thời điểm bấy giờ) và Kallang đang dần trở nên quá tải. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành Hàng không trên toàn thế giới vào giữa thế kỷ XX và đạt tới đỉnh điểm vào năm 1970, việc mở rộng sân bay Changi là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm thu hút các hãng hàng không lớn trên thế giới chọn Singapore là điểm trung chuyển tại khu vực Đông Nam Á.

Ban đầu, sân bay Changi chỉ có một đường băng duy nhất và một phòng chờ nhỏ. Vào thời điểm bấy giờ, Chính phủ Singapore có hai phương án nhằm gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không đang gia tăng. Phương án thứ nhất tập trung vào việc mở rộng khả năng hoạt động của các sân bay hiện có hoặc xây dựng thêm một sân bay mới tại khu vực Paya Lebar. Sau khi thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực vận tải hàng không, cùng với các ý kiến tham vấn quan trọng từ các chuyên gia lĩnh vực hàng không Vương quốc Anh, Chính phủ Singapore đã quyết định lên kế hoạch mở thêm các đường băng mới cho sân bay Changi.

Theo kế hoạch, sân bay Changi được mở rộng về phía Tây của đảo quốc. Phương pháp mở rộng về phía Tây được kỳ vọng sẽ khiến các máy bay muốn hạ cánh phải bay vòng qua eo biển, qua đó giúp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do máy bay gây ra. Bên cạnh đó, phương thức hạ cánh từ phía biển cũng giúp giảm thiểu rủi ro va chạm giữa máy bay dân dụng với các tòa nhà cao tầng trong thành phố. Cũng theo kế hoạch, cơ sở vật chất ban đầu của sân bay Changi sẽ được đưa vào sử dụng với mục đích quân sự.

Về thiết kế, sau khi đưa ra quyết định xây dựng sân bay dân sự Changi, Chính phủ Singapore đã cho các nhà quan sát đến Đài Loan vào năm 1979 với mục đích tham khảo phương pháp thiết kế và xây dựng của sân bay quốc tế Taoyuan mới đưa vào hoạt động. Sau đó, Singapore chính thức sử dụng thiết kế một phòng chờ được bao phủ bởi các tuyến đường cao tốc của sân bay Taoyuan vào việc xây dựng sân bay Changi, khiến cho sân bay Changi vào thời điểm mới đi vào hoạt động có sự tương đồng với sân bay Taoyuan.

Quá trình xây dựng sân bay Changi được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung vào việc hoàn thành ga hành khách quốc tế và đường băng đầu tiên. 2 đường băng song song là 02L/20R và 02C/20C. 02L/20R hoàn thành năm 1981 thuộc giai đoạn 1. Đường băng được trang bị hệ thống hạ cánh có điều khiển hướng dẫn máy bay trong mọi điều kiện thời tiết.

Đi cùng với hệ thống đường băng là 45 chỗ đỗ máy bay, các cơ sở vật chất và hạ tầng hỗ trợ hàng không ban đầu như: Khu vực bảo trì máy bay, trạm cứu hỏa, xưởng chế tạo, khu vực văn phòng và tháp điều khiển cao 80m. Sau khi giai đoạn đầu hoàn thành, giai đoạn 2 được khởi công nhằm đưa thêm một đường băng nữa vào hoạt động. Đường băng 02C/20C (trước đây là 02R/20L) xây xong trên phần đất lấn biển thuộc giai đoạn 2, cách đường băng 02/20R 1,64km. Bên cạnh đó, 23 chỗ đỗ máy bay cùng với một trạm cứu hỏa sân bay cũng được đưa thêm vào quá trình hoạt động của Changi.

Trong quá trình thiết kế và xây dựng sân bay Changi, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Singapore là khả năng mở rộng sân bay trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hàng không gia tăng và duy trì lợi thế cạnh tranh của sân bay quốc tế Changi đối với các sân bay quốc tế khách. Ban đầu, sân bay Changi được xây dựng chỉ gồm có 2 nhà ga chờ, tuy nhiên Chính phủ Singapore đã khéo léo thiết kế sân bay nhằm tạo ra diện tích để có thể mở rộng thêm một nhà ga mới. Vào năm 2008, nhà ga hành khách thứ 3 đã được đưa vào hoạt động, giúp sân bay Changi có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của 64 triệu hành khách. Bên cạnh đó, để đáp ứng cơ sở vật chất dành cho máy bay Airbus A380 - máy bay lớn nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ, các nhà xây dựng đã tiến hành mở thêm 19 cổng bay kích thước lớn, mở rộng đường băng chờ, hệ thống vận chuyển hành lý và các tấm khiên chắn áp lực từ động cơ máy bay ra môi trường xung quanh. Việc nâng cấp trên đã giúp cho sân bay Changi trở thành sân bay đầu tiên bên ngoài khu vực châu Âu đưa máy bay A380 đi vào hoạt động. Năm 2017, Singapore cũng đang tiến hành đưa vào hoạt động nhà ga hành khách thứ 4 (Terminal 4).

Về khả năng vận chuyển hàng hóa, dựa trên sự ứng dụng của công nghệ thông tin, các hệ thống trao đổi thông tin hàng hóa hàng không điện tử (Air Cargo EDI System), hệ thống thanh toán nâng cao đối với các hàng hóa chuyển phát nhanh (ACCESS), thanh toán điện tử và lập danh sách đơn hàng (EPIC) đã được đưa vào sử dụng nhằm tối ưu hóa tốc độ vận chuyển và thanh toán đơn hàng của sân bay. Bên cạnh đó, hệ thống TradeNet cũng được đưa vào hoạt động giúp khách hàng có thể tiến hành khai thủ tục thông quan qua Internet và giảm thời gian xử lý hồ sơ. Hệ thống TradeNet cũng giúp sân bay Changi liên kết với hệ thống hạ tầng logistics của toàn bộ quốc đảo. Lượng hàng hóa vận chuyển qua sân bay Changi đứng hàng thứ 10 trên thế giới và thứ 5 trong khu vực châu Á

Hà Vũ

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/san-bay-quoc-te-singapore-changi-diem-den-cua-nhieu-hang-hang-khong-lon-d51139.html