Sân bay Long Thành: Xây nhanh hay chậm phụ thuộc vào cơ chế

'Nếu Chính phủ có cơ chế cho Long Thành, thì sân bay dù lớn hay nhỏ cũng sẽ được triển khai nhanh chóng' - ông Dương Trung Quốc - đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai khẳng định.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai

Sáng nay (28/3) tại TPHCM, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều chuyên gia và nhà khoa học.

Tại Hội thảo, ông Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai làm khá tốt trong hoàn cảnh việc giải tỏa mặt bằng khá khó khăn, kinh phí bồi thường tái định cư khá thấp chứ không cao như ở các thành phố lớn. Tôi cho rằng nhà nước xây dựng theo khung tái định cư ở huyện Long Thành hiện nay là khá tốt, không có gì phức tạp. Ngoài ra, người bị nhà nước lấy đất thì bồi thường cùng giá trị khu đất hoặc tính ra bồi thường bằng tiền, làm hài lòng giá trị thu hồi đất đối với dân, đó cũng là một trong những mấu chốt để đẩy nhanh tiến độ xây sân bay Long Thành".

Ông Đặng Hùng Võ

Theo ông Đặng Hùng Võ, mô hình này Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng rất thành công. Nếu không thực hiện tốt thì có thể dẫn đến việc người dân khiếu kiện, chậm tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, sân bay Long Thành cần quy hoạch cụ thể. "Chỗ nào là sân bay, chỗ nào khu dịch vụ… Chúng ta cần tham khảo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc mỗi khi xây dựng dự án. Chính quyền không chi tiền ngân sách vào dự án đó, mà họ lấy kinh phí sinh lời từ mảnh đất đó để thực hiện xây dựng. Ngoài ra, cơ chế và luật đất đai hiện hành ở nước ta cần chỉnh sửa lại để phù hợp với tình hình thực tế", ông Đặng Hùng Võ nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ là một bước đệm to lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hàng không, nhất là theo dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 5 khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong một thập kỷ tới.

Thực tế Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015, đặt mốc vào năm 2025 sẽ đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành nhận được nhiều thuận lợi tuy nhiên cũng đối diện với không ít khó khăn.

“Dự án nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như toàn dân. Trong đó sự quan tâm đến từ lãnh đạo TPHCM và tỉnh Đồng Nai cũng là một yếu tố quan trọng” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Trên thực tế việc thực hiện giải phóng mặt bằng được triển khai từ chủ trương, dần đến triển khai chi tiết, được dành một nguồn vốn nhất định của nhà nước và được nghị quyết Quốc hội đã thông qua.

Theo ông Đông, hiện tại dự án đã có vốn sẵn sàng, dự kiến 23.000 tỉ. “Việc được tạo điều kiện xây dựng sân bay Long Thành, chính là cơ hội phát triển của thị trường hàng không khu vực nói chung, và của Việt Nam nói riêng. Theo dự báo của tổ chức hàng không quốc tế, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 khu vực dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong thập kỷ tới”, ông Đông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc sân bay Long Thành được xây dựng vẫn đang đứng trước những thách thức cực kỳ lớn, trong đó việc giải phóng mặt bằng không phải lúc nào cũng là một công tác dễ dàng.

“Chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi về huy động nguồn lực từ vốn nhà nước, thành phần tư nhân tham gia. Giải quyết bài toán về cơ chế chính sách, lựa chọn nhà đầu tư. Thu hút nguồn vốn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, vốn trong nước hoặc là nguồn vay. Trong tình trạng trần nợ công như hiện nay thì việc vay vốn sẽ phải gặp những khó khăn nhất định.”, ông Đông nhận định.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện, thông qua thẩm định của các cơ quan, việc xử lý trình, duyệt vẫn tồn tại những khó khăn. Do đó, theo ông Đông, muốn đẩy nhanh tiế độ xây dựng dự án, cần sự quan tâm chia sẻ của các Bộ, ngành, các cấp và toàn dân. Bộ giao thông vận tải đã, đang và sẽ tích cực lắng nghe các ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý để đáp ứng được tiến độ thực hiện, hiện thực hóa dự án để đáp ứng được tiến độ thực hiện.

Theo dõi dự án xây dựng sân bay Long Thành ngay từ những ngày đầu, nhà sử học Dương Trung Quốc – đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, hầu như rất ít người biết có dự án lớn như vậy. Khi dự án trình chính phủ, rất nhiều ý kiến bàn có nên làm hay không. Tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay Biên Hòa mà lại là xây mới sân bay Long Thành? "Tôi gặp nhiều người dân, họ rất băn khoăn vì không biết có làm hay không" - ông Dương Trung Quốc bộc bạch.

Theo nhà sử học, xây một sân bay, cơ chế nào làm được mới là quan trọng. Ví dụ như sân bay của một tập đoàn tư nhân, chỉ cần nhà nước có cơ chế thì làm được rất nhanh. "Dự án là cơ hội tốt để ổn định cuộc sống nhưng cũng là cơ hội để có lợi ích của mình, do đó cần phải vận động không chỉ về tinh thần mà còn lợi ích của người dân. Dự án tuy còn nhiều khó khăn nhưng sẽ là triển vọng lâu dài cho người dân. Việc xây dựng hệ thống pháp luật cần năng động hơn" - ông Quốc chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện tại đang thiết lập khu tái định cư. Trên thực tế tổng diện tích dự án sân bay Long Thành lớn hơn 5.000 ha. Đây là dự án này lớn nhất từ trước đến giờ ở tỉnh Đồng Nai. Trong 5.000 ha xây dựng sân bay, có 1800 ha đất cao su. Việc di dời cũng diễn ra khá tốt vì người dân biết khu vực mình đang ở xây sân bay nên họ chủ động di dời, đối thoại với chính quyền để thống nhất giá bồi thường”.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai

Cũng theo ông Hưng, đất khu vực Long Thành cũng tăng giá theo kiểu tự do. Do đó, chính quyền tính tới phương án định giá lại sao cho đảm bảo lợi ích giữa nhà nước với dân, để cho dân không thiệt thòi. Tuy nhiên, công tác di dời cũng vấp phải nhiều khó khăn, điển hình khối lượng nhân khẩu di dời quá lớn, trên 15,000 người. Việc ổn định công việc cho người dân, cũng là khó khăn thách thức rất lớn. Tuy nhiên Đồng Nai thấy đây là cơ hội để địa phương cố gắng thực hiện, thấy được tầm quan trọng để thúc đẩy sự phát triển. Hiện hạ tầng kết nối Đồng Nai với các tỉnh lân cân hiện tại rất tốt. Hiện Đồng Nai đang thu hồi đất để làm khu tái định cư, tỉnh quan tâm đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động; sắp xếp địa giới hành chính để ổn định dân cư.

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/san-bay-long-thanh-xay-nhanh-hay-cham-phu-thuoc-vao-co-che-1255251.tpo