Samsung xin mua điện trực tiếp

Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho đề xuất Bộ Công Thương cho phép tập đoàn này được mua điện trực tiếp.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho vào ngày 29/4. Tại đây, lãnh đạo Samsung Việt Nam đã đưa ra một loạt kiến nghị với người đứng đầu ngành công thương.

Trong đó, Samsung đề xuất được Bộ Công Thương hướng dẫn hỗ trợ trong việc triển khai thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp). Cơ chế này nghĩa là Samsung có thể mua điện trực tiếp từ cơ sở phát điện.

Cơ chế này đang trong giai đoạn được Bộ Công Thương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn để thí điểm.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm: Đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án nhà máy điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời, có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW, đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với khách hàng sử dụng điện để bán điện và được lựa chọn theo quy định.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam. Ảnh: MOIT.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam. Ảnh: MOIT.

Khách hàng sử dụng điện tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp là các tổ chức, cá nhân mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với đơn vị phát điện để mua điện và được lựa chọn theo quy định.

Việc thí điểm mua bán điện trực tiếp được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với tổng công suất các dự án phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn tham gia không quá 1.000 MW.

Trước đề xuất này, Samsung có nhiều đề xuất về cơ chế, chính sách tại Việt Nam.

Cuối năm 2020, Samsung Display đề nghị Việt Nam miễn cách ly bắt buộc với 700 kỹ sư Hàn Quốc nếu họ trình bày các báo cáo kiểm tra y tế. Lý do là nhà sản xuất này cần chuẩn bị cho việc sản xuất màn hình của những mẫu smartphone mới.

Năm 2017, Samsung đề xuất xin được hưởng nguyên cơ chế ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi công ty này xin chuyển dự án từ tiêu chí “Dự án công nghệ cao” sang “Dự án quy mô lớn”.

Năm 2015, Samsung xin hưởng ưu đãi cho dự án Samsung CE Complex nằm trong Khu công nghệ cao TP.HCM với diện tích 70 ha.

Samsung đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các vật tư xây dựng mà dự án SECC phải nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp này đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất trong vòng 5 năm; có chế độ ưu tiên với thủ tục hải quan.

Samsung Việt Nam bắt đầu đầu tư dây chuyền sản xuất lớn vào Việt Nam từ năm 2008. Tổng số vốn đầu tư là 17,5 tỷ USD với 6 nhà máy trên cả nước. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của công ty này khoảng 60 tỷ USD.

Thuận Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/samsung-xin-mua-dien-truc-tiep-post1211372.html