Samsung: 'Smartphone làm ở Ấn Độ khó cạnh tranh với Việt Nam'

Chi phí nhập khẩu linh kiện cao vì kế hoạch thay đổi là lý do smartphone sản xuất tại Ấn Độ khó có mức giá cạnh tranh, Samsung Electronics vừa cảnh báo.

Samsung Electronics sắp dừng dây chuyền sản xuất hai mẫu smartphone cao cấp Galaxy S9 và Note 9 tại Ấn Độ, đồng thời kế hoạch xuất khẩu smartphone cũng sẽ bị thu hẹp dần. Những động thái này là phản ứng của Samsung sau khi chính phủ Ấn Độ thay đổi kế hoạch của chiến dịch sản xuất nội địa Make in India.

Samsung gặp khó vì kế hoạch đánh thuế mới

Đầu tháng 1, chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ đẩy nhanh chương trình sản xuất theo giai đoạn (PMP). Những nhà sản xuất phải bắt đầu sản xuất linh kiện tại Ấn Độ từ tháng 2/2019, thay vì cột mốc ban đầu là trước tháng 3/2020, nếu không sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu linh kiện 10%. Do mốc thời gian ban đầu chênh lệch quá xa, hầu hết kế hoạch sản xuất và nhập khẩu linh kiện của các công ty như Samsung sẽ bị xáo trộn.

Samsung mở nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tại Ấn Độ tháng 7/2018, với công suất 120 triệu máy/năm. Ảnh: Reuters.

Samsung mở nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tại Ấn Độ tháng 7/2018, với công suất 120 triệu máy/năm. Ảnh: Reuters.

Rất nhiều linh kiện giá trị cao trong smartphone phải nhập khẩu vào Ấn Độ. Một số linh kiện, như màn hình, có thể chiếm tới 25-30% giá thành sản xuất một chiếc smartphone. Trước đó, Samsung có kế hoạch đầu tư một nhà máy sản xuất màn hình trị giá 100 triệu USD và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020.

Nếu như thuế nhập khẩu màn hình tăng cao, “chúng tôi sẽ phải dừng sản xuất những thiết bị Samsung cao cấp như S9, Note 9 tại Ấn Độ”, Samsung thông báo tới chính phủ Ấn Độ.

“Điện thoại sản xuất tại Ấn Độ sẽ không thể cạnh tranh về mức giá với những quốc gia có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam”.

Nhà máy Samsung tại Noida, Ấn Độ sản xuất cả điện thoại cơ bản, giá rẻ và các thiết bị cao cấp. Tuy nhiên sự thay đổi trong chương trình áp thuế có thể khiến Samsung từ bỏ sản xuất các mẫu máy đắt tiền tại Ấn Độ. Ảnh: ET.

Vì lý do đó, lượng smartphone Samsung xuất khẩu từ Ấn Độ cũng sẽ giảm mạnh. Theo kế hoạch ban đầu thì điện thoại sản xuất ở Ấn Độ sẽ chiếm tới 40% lượng xuất khẩu trong năm 2019, nhưng Samsung cho biết kế hoạch đó giờ rất khó thành hiện thực.

Vào cuối năm 2018, Samsung đã dừng sản xuất TV tại Ấn Độ sau khi chính phủ nước này áp mức thuế nhập khẩu 5% cho các tấm nền LED. Đây là linh kiện đắt nhất của TV, có thể chiếm tới 65-70% giá trị linh kiện. Giờ đây Samsung Ấn Độ chỉ nhập khẩu TV nguyên chiếc sản xuất tại Việt Nam, tờ Economic Times cho biết.

Đánh thuế để khuyến khích hay làm khó “Make in India”?

Thuế suất PMP (Phased Manufacturing Programme) được chính phủ Ấn Độ quy định là 10% đối với các mặt hàng linh kiện quan trọng phải nhập khẩu. Các linh kiện này bao gồm bảng mạch in (PCB), màn hình, bộ camera và các loại mạch kết nối. Tùy trường hợp, mức thuế có thể lên tới 11%.

Lý do chính để chính phủ Ấn Độ áp mức thuế này là các nhà sản xuất Trung Quốc. Các hãng như Xiaomi, Vivo đã chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ bằng cách nhập khẩu nguyên chiếc và bán ra thị trường với mức giá thấp. Chính phủ Ấn Độ hi vọng thuế PMP sẽ giúp khuyến khích các hãng đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện trong nước, từ đó thúc đẩy chương trình sản xuất nội địa.

Tuy nhiên sự thay đổi mốc thời gian đánh thuế đột ngột khiến cho nhiều nhà sản xuất phải điều chỉnh kế hoạch, và có thể ảnh hưởng tới chiến dịch Make in India.

Ông Sunil Vachani, chủ tịch công ty chuyên gia công smartphone Dixon Technologies cho biết các công ty sẽ phải cân nhắc rất kỹ với kế hoạch mới, bởi thị trường điện thoại Ấn Độ đã không tăng trưởng mạnh trong 2 năm qua.

“Do vậy, tất cả kế hoạch sản xuất đều đã bị trì hoãn”, ông Sunil Vachani cho biết.

Hiệp hội Viễn thông và Điện tử Ấn Độ (ICEA) cũng lên tiếng về sự thay đổi đột ngột này. ICEA cùng một vài hiệp hội khác đang kiến nghị lên chính phủ Ấn Độ để lùi thời hạn áp dụng PMP, hoặc ít ra là lùi thời hạn cho các linh kiện giá trị cao như màn hình.

Thời hạn áp dụng PMP đối với mỗi loại linh kiện là khác nhau. Hiện tại, mức thuế mới đã được áp dụng cho các linh kiện như micro hay bộ thu sóng trên điện thoại. Do vậy, ICEA muốn giảm bớt số lượng linh kiện bị đánh thuế trong năm nay và chưa đánh thuế với màn hình.

Về phía Samsung, công ty này có thể cắt giảm sản lượng của các mẫu máy cao cấp, nhưng nhà máy tại Ấn Độ vẫn rất quan trọng. Khu sản xuất mới tại nhà máy ở Noida, Ấn Độ được khai trương tháng 7/2018, có công suất dự kiến năm 2020 là 120 triệu máy/năm. Samsung ước tính nhà máy sẽ đem về doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2022.

Nhật Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/samsung-smartphone-lam-o-an-do-kho-canh-tranh-voi-viet-nam-post911045.html