Samsung muốn mua điện trực tiếp từ Bộ Công Thương

Samsung vừa đề xuất được Bộ Công Thương hướng dẫn hỗ trợ trong việc triển khai thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp). Đồng nghĩa với việc Samsung có thể mua điện trực tiếp từ cơ sở phát điện mà không thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ngày 29/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho. Tại đây, đại diện Samsung đã có nhiều đề xuất tới Bộ Công Thương, trong đó có việc hướng dẫn hỗ trợ trong việc triển khai thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp).

Samsung muốn mua điện trực tiếp từ Bộ Công Thương.

Samsung muốn mua điện trực tiếp từ Bộ Công Thương.

Theo dự thảo thực hiện cơ chế này, đối tượng áp dụng gồm: Đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án nhà máy điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời, có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW, đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với Khách hàng sử dụng điện để bán điện và được lựa chọn theo quy định.

Khách hàng sử dụng điện tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp là các tổ chức, cá nhân mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với đơn vị phát điện để mua điện và được lựa chọn theo quy định.

Việc thí điểm mua bán điện trực tiếp được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với tổng công suất các dự án phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn tham gia không quá 1.000 MW.

Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chưa trả lời cụ thể về đề xuất nêu trên.

Samsung Việt Nam bắt đầu đầu tư dây chuyền sản xuất lớn vào Việt Nam từ năm 2008. Tổng số vốn đầu tư là 17,5 tỷ USD với 6 nhà máy trên cả nước. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của công ty này khoảng 60 tỷ USD.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2019, hoạt động sản xuất của Samsung Electronics Việt Nam (Thái Nguyên, Bắc Ninh) thu về lợi nhuận trước thuế gần 4 tỷ USD.

Samsung Electronics có 9 nhà máy sản xuất điện thoại di động trên toàn cầu (Hàn Quốc, Indonesia và ấn độ mỗi nước có 01 nhà máy; Trung Quốc, Brazil và Việt Nam mỗi nước có 2 nhà máy). Hai nhà máy ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên, thành lập năm 2013, vốn đầu tư là 5 tỷ USD). Hiện nay đây là 2 nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu.

SEV hiện có khoảng 40.000 lao động, SEVT có 70.000 lao động. 2 nhà máy này chiếm hơn 30% nhân lực của Samsung Electronics toàn cầu và cung cấp hơn 50% tổng số lượng điện thoại Samsung trên toàn cầu.

Khoảng 70% công suất của cả hai nhà máy là dành cho sản xuất linh kiện điện thoại di động phục vụ lắp ráp trong nước cũng như xuất khẩu sang các nhà máy khác.

Thanh Thư

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/samsung-muon-mua-dien-truc-tiep-tu-bo-cong-thuong-138147.html