Samsung đặt nhà máy tại Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ra sao?

TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho hay, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp Việt Nam rất thấp và hiện đang bị cạnh tranh bởi các nước.

Tham gia sâu vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp

Ngày 21-8, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức "Diễn đàn tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp".

TS Võ Trí Thành cho hay: "Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, trong đó có 2 hiệp định chất lượng cao là CPTPP, FTA Việt Nam- EU, Việt Nam đang hội nhập rất máu lửa. Lợi thế của Việt Nam là địa chính trị, dân số trẻ, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng thách thức cũng không ít, chẳng hạn như tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao, chi phí điều chỉnh, chi phí tuân thủ, chi phí logistic... cao.

Dù doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện nhiều về giá trị gia tăng song theo báo cáo mới nhất, chỉ có 47% doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận"- ông Võ Trí Thành nói.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi gia công, ít tham gia và tham gia vào chuỗi giá trị hoặc tham gia ở mức thấp nên giá trị gia tăng thấp.

"Nghiên cứu từ ngành dệt may, da giày, điện tử, những ngành này đều sử dụng nhiều lao động, kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu, nhưng thực tế xuất khẩu 10 đồng, doanh nghiệp nhập khẩu 9 đồng. Doanh nghiệp FDI nắm vị trí chi phối và đang bị các nước khác cạnh tranh"- ông Võ Trí Thành lý giải.

Theo Viện trưởng BCSI, ngay cả Samsung, doanh nghiệp hiện dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đã đặt nhà máy lớn tại Ấn Độ, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh rất khó khăn.

Doanh nghiệp Việt Nam đang bị chi phối bởi nhà sản xuất, như trường hợp của Samsung. Còn dạng nữa là người mua chi phối như ở lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày... nên khó tăng thêm về giá trị.

TS Võ Trí Thành cũng gợi ý, doanh nghiệp muốn có thêm giá trị gia tăng, cần đáp ứng nguyên tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi từ các FTA, quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, thượng nguồn và hạ tầng phải vững.

Bên cạnh đó, sản phẩm hoặc cần có "áo mới" xanh hơn, thông minh hơn, biểu tượng hơn, cá thể hơn, hoặc cần cho ra đời sản phẩm mới nhờ cách mạng công nghiệp, công nghệ thông tin, thực tế ảo...

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/samsung-dat-nha-may-tai-an-do-doanh-nghiep-viet-nam-canh-tranh-ra-sao/779187.antd