Samsung chi 53 triệu USD giúp các SME đón đầu cách mạng 4.0

Ít ai biết rằng ngoài tư cách là nhà sản xuất smartphone, Tập đoàn Samsung còn cung cấp giải pháp nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Tại diễn đàn quốc tế “Industry 4.0 Summit 2019”, Samsung bày tỏ mong muốn đồng hành cùng công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực sản xuất thông minh.

Đại diện Samsung Vina cho biết, tập đoàn đang triển khai “Dự án trung tâm hỗ trợ nhà máy thông minh của Samsung ở Hàn Quốc”. Dự án này hỗ trợ cho hơn 2.500 SME trong thời gian 5 năm, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 53 triệu USD.

Mô hình nhà máy thông minh

Mục tiêu chính của dự án là cải thiện năng suất của ngành công nghiệp sản xuất nội địa cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua xây dựng các mô hình nhà máy thông minh giúp SME tự chủ trong kỷ nguyên mới.

Các đại biểu tại Diễn đàn quốc tế Industry 4.0 Summit 2019.

Các đại biểu tại Diễn đàn quốc tế Industry 4.0 Summit 2019.

Tại Việt Nam, Samsung Vina sở hữu 8 nhà máy thông minh. Đây là những nơi vận hành dây chuyền sản xuất ra hơn một tỷ thiết bị di động thông minh “made in Vietnam”, gồm smartphone, smartwatch và tablet, xuất đi khắp 128 quốc gia. Trong đó, nổi bật là nhà máy Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên (SEVT) và Bắc Ninh (SEV). Hai nơi này được xem là “cứ điểm” sản xuất điện thoại di động toàn cầu.

Phủ khắp mỗi nhà máy thông minh của Samsung là loạt giải pháp công nghệ ứng dụng AI, IoT, cloud, blockchain, big data, machine learning… Ngoài ra, nhà máy còn được trang bị quy trình vận hành sản xuất tự động hóa, kiểm tra giám sát đến nhận dạng sản phẩm lỗi bằng camera.

Năm 2018, 4 nhà máy này của Samsung Vina đã cho ra doanh thu tương đương 28% GDP Việt Nam.

Toàn cảnh nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh.

Suốt 10 năm kinh nghiệm xây dựng nhà máy tại Việt Nam, tập đoàn Hàn Quốc này cũng đã hỗ trợ triển khai giải pháp quản lý và điều hành nhà máy thông minh MES (Manufacturing Execution System) cho hơn 200 doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu cho Samsung.

MES là hệ thống quản lý sản xuất tổng hợp do Samsung SDS phát triển. Phần mềm tập trung vào việc điều khiển, giám sát thời gian thực, lịch sử công việc, lưu thông hàng hóa, kiểm kê hàng lỗi, quản lý hiệu suất cả ngày và đêm…

MES đã giúp nhiều SME giải quyết vấn đề về chi phí sản xuất, giảm thiểu sai sót. Từ đó, chủ doanh nghiệp không chỉ cải thiện được các công đoạn sản xuất, mà còn đưa ra quyết định tối ưu trong kinh doanh.

Giải pháp cho các SME Việt

Chia sẻ bên lề diễn đàn "Industry 4.0 Summit", giới chuyên gia tin tưởng rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành công xưởng lớn của thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, kinh tế số quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận và phát triển công nghệ hiện đại còn hạn chế. Để không bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài những nỗ lực tự thân, các SME cần được tiếp thêm trợ lực từ những đối tác dẫn đầu về khoa học công nghệ.

Đáp lại điều này, ông Jeong Sam Yong - Tổng giám đốc Samsung SDS Việt Nam - cũng bày tỏ mong muốn hợp tác, nhấn mạnh cam kết của tập đoàn với chiến lược phát triển nhà máy thông minh cho các SME Việt Nam. Mới đây, Samsung SDS đã trở thành cổ đông chiến lược của CMC Việt Nam.

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT).

Ông Jeong Sam Yong cho biết, một nhà máy thông minh phải có khả năng lấy thông tin dữ liệu từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Mô hình này giúp phân tích dữ liệu đó tự động, đồng thời đưa ra giải pháp thông minh cho khối sản xuất.

Ví dụ như nhà máy thông minh Mes Alpha của Samsung SDS có thể phân tích và theo dõi lịch sử sản xuất, cảnh báo người quản lý nguy cơ sản xuất ra hàng lỗi ở bất cứ công đoạn nào… Nexplant - giải pháp nhà máy thông minh dựa trên AI - có thể giảm thời gian giải quyết các vấn đề của nhà máy từ 12 giờ xuống còn 10 phút, giúp tối đa hóa hiệu quả sản xuất.

Các ông chủ ngày nay có xu hướng tìm kiếm giải pháp chuyển đổi nhà máy thông minh phù hợp với dây chuyền hiện có. Hiểu được điều này, Samsung cung cấp các gói giải pháp “Smart Factory”, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong sản xuất.

Đặc biệt, doanh nghiệp không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ cơ sở hạ tầng gây tốn kém và lãng phí, mà vẫn có thể kết nối và trích xuất dữ liệu từ hệ thống cũ. Mức đầu tư ban đầu thấp nhất là 3 tỷ đồng, thời gian triển khai 3-6 tháng, đem lại những hiệu quả lớn đối với doanh nghiệp.

Thái Trà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/samsung-chi-89-trieu-usd-giup-cac-sme-don-dau-cach-mang-40-post1001360.html