'Sấm sét' Nga được đóng gói xuất khẩu

Không quân nước ngoài lại là lực lượng đầu tiên được trang bị các loại đạn 'không đối đất' chính xác cao triển vọng của Nga

Xin được giới thiệu tiếp một bài viết về chuyên đề vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự Nga- Mỹ của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế Tên lửa TSIMASH khét tiếng Tuchkov Vladimir.

Bài đăng trên “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” (Nga) ngày 7/1/2021 mới đây.

Ảnh: oko-planet.su

Ảnh: oko-planet.su

Vào cuối tháng 11 (2020) vừa qua, tạp chí chuyên ngành chính trị-quân sự có uy tín của Mỹ The National Interest đã tiến hành “thanh tra“ các loại đạn (bom) lớp “không đối đất” nhằm mục đích xác định những kiểu đạn nào có tỷ lệ hiệu quả/giá cả tối ưu.

Rất bất ngờ, kiểu đạn dẫn đầu theo tiêu chí này (hiệu quả/giá cả) lại là bom của Nga. Nhưng nói cho thật đúng thì đây là loại đạn còn chưa được đưa vào trang bị cho Bộ đội Đường không- Vũ trụ (VKS) Nga.

Tác giả bài báo đăng trên tạp chí The National Interest nói trên cho rằng việc phá hủy một chiếc xe ô tô- thánh chiến cải hoán từ xe Toyota sản xuất hàng loạt có giá chỉ 15.000 USD bằng một quả tên lửa hành trình chính xác cao ngốn của ngân sách Lầu Năm Góc trung bình nửa triệu USD/ quả, về bản chất- đó là một tội ác kinh tế.

Ngay cả loại đạn tương đối rẻ tiền có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu đơn lẻ, - bom lượn GBU-39 cũng đã là khá đắt tiền nếu sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu thô sơ của quân khủng bố. Nó (bom GBU-39) có giá khoảng 70.000 đô la.

Tuy nhiên, đó là giá phiên bản đầu tiên của loại bom này. Vào cuối thập kỷ trước, một phiên bản hoàn thiện đã xuất hiện, nó có thể tiêu diệt không chỉ các mục tiêu cố định, mà cả các mục tiêu di động. Chính vì vậy, giá của nó (phiên bản mới) đã vượt quá 100.000 đôla/quả.

Cùng thời gian đó, như The National Interest khẳng định, có thể thực hiện một công việc tương tự như vậy- tức tiến hành các đòn tấn công chính xác vào những mục tiêu di động chỉ với giá 15.000 đôla.

Theo các thông tin từ phía Mỹ, quả bom bay triển vọng "Drel" của Nga sẽ có giá xấp xỉ 15.000 đôla. Mặc dù, tất nhiên, việc ước tính giá của một sản phẩm trước khi nó được đưa vào sản xuất hàng loạt là một công việc cực kỳ mạo hiểm.

Lầu Năm Góc từng có ý định biến máy bay F-22 Raptor trở thành kiểu máy bay có số lượng lớn nhất của Không quân Mỹ.

Tuy nhiên, khi đưa vào sản xuất hàng loạt dòng máy bay này, thì do chi phí quá cắt cổ của chúng, chỉ giới hạn ở ngưỡng hai trăm chiếc.

Ấn Độ hỗ trợ nhà sản xuất Nga

Nhưng trước khi chuyển sang bàn về kiểu đạn triển vọng này, sẽ là rất “hợp tình hợp lý” nếu chúng ta điểm qua những mẫu đang có trong trang bị. Cánh “chim én” đầu tiên của dòng bom này là bom hàng không có hiệu chỉnh KAB-500L (КАБ-500Л).

Nó bắt đầu được đưa vào trang bị cho Không quân Liên Xô vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước. Con số 500- trọng lượng của quả bom (500kg) , và trọng lượng của những quả bom dòng KAB-500 được thiết kế sau đó tuy không hẳn là 500 kg, nhưng sự chênh lệch trọng lượng cũng không quá nhiều.

Chữ cái L (Л) – laser (лазер). Có nghĩa là bom này được trang bị đầu tự dẫn laser định hướng.

Với độ chính xác khá ổn khi dẫn bom đến mục tiêu (4–7 m), phương pháp này cũng có một số nhược điểm. Bom không phải là loại đạn “ném và quên” – máy bay ném quả bom đó phải chỉ mục tiêu cho bom bằng tia laser.

Nói cho thật đúng thì một máy bay khác hoặc một chiến sỹ dưới mặt đất cũng có thể chỉ mục tiêu cho bom. Thêm nhược điểm nữa, nếu trạng thái của bầu khí quyển xấu đi, đầu tự dẫn của bom sẽ gặp một số khó khăn trong việc phát hiện mục tiêu dù đã được chiếu tia laser.

"Máy khoan" (“Drel”) là phương án thay thế bù đắp cho việc Quân đội Nga không có các tổ hợp tên lửa chống tăng thế hệ ba như “Javelin” của Mỹ "

Dòng bom này vẫn được tiếp tục phát triển trong thời đại Nga (sau khi Liên Xô tan vỡ-ND) trong lịch sử của đất nước. Bom KAB-500Kr (đầu tự dẫn truyền hình, khối tác chiến bộc phá- xuyên bê tông), bom KAK-500OD (đầu tự dẫn ttruyền hình) liên tiếp xuất hiện.

Cả hai quả bom này đều thuộc lớp bom “thả và quên”. Và độ chính xác cũng tương đương với KAB-500L. Cũng đã thiết kế và đưa vào trang bị các kiểu bom một tấn rưỡi KAB-1500 có cùng kiểu khối tác chiến và đầu từ dẫn như trên.

"Bom một tấn rưỡi" xuyên bê tông có khả năng khoan thủng ba mét sàn bê tông cốt thép hoặc xuống sâu dưới đất tới 20 mét.

Tất cả những kiểu bom này đều được thiết kế tại Xí nghiệp Nghiên cứu và Sản xuất Nhà nước “Region” thuộc Tập đoàn “Vũ khí Tên lửa Chiến thuật” (KTRV). Và tất cả chúng đều có chung một nhược điểm đáng kể - có thể sử dụng chúng mà không sợ mất máy bay- phương tiện mang chỉ trong trường hợp chống những đội quân không chính quy, tức là chống lại những chiến binh khủng bố rậm râu.

Vì sau khi tách khỏi máy bay mang, KAB-500 và KAB-1500 chỉ có khả năng bay không quá 8 km. Tức là để cắt bom, máy bay ném bom phải bay vào tầm bắn của lực lượng phòng không tầm ngắn đối phương.

Thứ vũ khí phòng không duy nhất “không gây hại” cho máy bay ném bom là tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) kiểu “Stinger” với tầm bắn không vượt quá 4.500 mét.

Còn có một nhược điểm nữa của những quả bom này – nhiệm vụ làm giảm diện tích phản xạ radar hiệu dụng đã không được tính tới khi thiết kế bom. Có nghĩa là việc đánh chặn chúng bằng các tổ hợp tên lửa phòng không đối phương là một nhiệm vụ không quá phức tạp.

Và vào giữa những năm 2010, "Region" đã làm được những gì mà bom lượn (bay) GBU của Mỹ đã sử dụng từ đầu thế kỷ mới – hiệu chỉnh đường bay bằng cách sử dụng tín hiệu vệ tinh định vị toàn cầu.

Quả bom mới này được đặt tên là KAB-500S (S- “Sputnhik”- vệ tinh). Mô-đun máy tính của nó rất đa năng. Nó có thể sử dụng tín hiệu từ GLONASS hoặc GPS, hoặc cũng có thể hoạt động cùng lúc với cả hai tín hiệu này.

Để đạt được độ tin cậy cao và khả năng chống nhiễu tốt, hệ thống điều khiển bay có 24 kênh thu tín hiệu vệ tinh. Cũng đã sử dụng các biện pháp làm tăng chất lượng quả đạn (bom). Và điều này đã được thể hiện ngay qua giá của nó - tăng lên đến 50.000 đô la.

Vì thế nên Quân đội Nga dù tuyên bố rằng đây là một kiểu bom quá xuất sắc nhưng họ không hề có ý định trả một khoản tiền điên rồ như vậy để mua nó. Các cuộc thảo (tranh) luận đến tận bây giờ vẫn chưa ngã ngũ.

Nhưng tuy vậy, bom KAB-500S đã được sản xuất cũng thi thoảng được thả tại Syria. Quả đúng là đã có một kênh bán loại bom này được khai thông. Và Ấn Độ là quốc gia đầu tiên mua một lô lớn bom KAB-500SE (E- Export – tức xuất khẩu). Sau đó, một số quốc gia khác cũng bắt đầu đặt mua.

Đã chế tạo thêm bom KAB-250 dành riêng cho máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57. Bom này đang được thử nghiệm, kể cả tại Syria. Chúng ta chỉ biết chắc chắn về trọng lượng của nó - một phần tư tấn (250kg).

Tổng giám đốc KTRV Boris Obnosov cho biết là các cuộc thử nghiệm biến thể KAB-250LG-E với đầu tự dẫn laser và khối tác chiến bộc phá- nổ mảnh hiện đang ở giai đoạn hoàn tất.

Chỉ có một điều không rõ ràng tại sao trong chỉ số lại có chữ cái E- Export. Bởi vì nếu thế thì nó không phải dành riêng cho Su-57. Về cự ly bay của bom, hiện chỉ có các tin đồn- tin đồn táo bạo nhất khẳng định cự ly bay của nó là 40 km.

"Region” đi theo con đường của "Boeing"

Trong khi đó, KTRV và “Region” thành viên, vừa vẫn tiếp tục “nhân bản” các kiểu bom trong các dòng bom truyền thống của mình, vừa còn “lấn sân” sang các dòng đạn không động cơ (bom) lớp “không đối đất” khác.

Điều này khiến chúng ta có thể liên tưởng rằng một dự án lớn và nghiêm túc được chia thành nhiều dự án nhỏ.

Và tất cả những điều này được thực hiện xuất phát hoàn toàn từ các động cơ thấm đậm chất nhân văn - mang lại công ăn việc làm cho tập thể người lao động và nếu có thể, hãy giữ được lương cho họ trong thời điểm khó khăn về tài chính như hiện nay.

Ở Mỹ, tất cả những chuyện này được giải quyết theo một cách gọn gàng hơn nhiều – chỉ trong khuôn khổ một hoặc hai dự án. Liên quan đến vấn đề này, câu chuyện về kiểu bom lượn 250 pound GBU-3 là một điển hình.

Số là vào năm 2001, “Boeing” và “Lockheed Martin” đã tham gia đấu thầu chế tạo loại đạn này. Ngay ở giai đoạn đầu của cuộc đấu thầu, Thứ trưởng Bộ Không quân Darlene Drui đã loại khỏi bản nhiệm vụ kỹ thuật yêu cầu phải tiêu diệt được các mục tiêu di động.

Nhờ thế mà đã làm tăng đáng kể cơ hội thắng thầu cho Boeing. Âm mưu của Druin với Boeing sau này đã được phát hiện, bà ta đã phải nhận án tù. Còn kiểu bom đã được chế tạo chỉ có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định.

Nhưng chỉ sau 5 năm, nhược điểm trên đã được khắc phục, và khi đó- ngoài dẫn đường bằng tín hiệu GPS, đã bổ sung phương pháp dẫn đầu bằng đầu tự dẫn, cả hồng ngoại dẫn radar.

Kết quả là, kiểu bom này trở thành bom đa năng. Với cự ly bay quá xuất sắc- tới 110 km. Độ chính xác - từ 5 đến 8 mét và 1 mét với bom có đầu tự dẫn. Và nó không phải cạnh tranh với những quả bom "tốt hơn" từ các nhà sản xuất khác hoặc từ chính nhà sản xuất đó.

Trong tương lai, nó có thể được tiếp tục hiện đại hóa để cải thiện các tính năng. Nhưng dù sao thì sẽ vẫn là bom GBU-39 Mod N.

Trong khi đó, “Region” Nga đã chế tạo thêm một dòng bom nữa, chính xác hơn là hai – bom hàng không có điều khiển UPAB-500 và UPAB-1500. Cả hai bom UPAB-500B và UPAB-1500B (khoan bê tông) này được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ quốc tế MAKS-2019.

Chúng được trang bị ngòi nổ hoạt động ở ba chế độ: kích nổ ngay khi tiếp xúc với bề mặt đất và hai ngòi nổ chậm với thời gian giữ chậm khác nhau. Điều khiển quán tính và hiệu chỉnh bằng tín hiệu GLONASS. Cự ly bay đã tăng lên đáng kể - 40 km với UPAB-500B và 50 km với UPAB-1500B. Độ chính xác- gần 10 mét.

Tổng Giám đốc Xí nghiệp Nghiên cứu và Sản xuất Nhà nước "Region” Igor Krylov cho biết tại MAKS-2019 rằng cả hai quả bom trên đều đã hoàn thành tất cả các cuộc thử nghiệm và đang được bàn giao cho Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga. Có lẽ là để khai thác thử nghiệm.

Rất nhiều khả năng là trong tương lai gần, sẽ có thêm các UPAB mới trong họ bom này xuất hiện, và sẽ có nhiều kiểu khối tác chiến hơn.

Nhưng trong trường hợp này, dòng bom sẽ có một hạn chế rất đáng kể khi sử dụng: nếu UPAB không được trang bị đầu tự dẫn, thì chỉ có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định.

Các bom “Máy khoan" (“Drel” – tiếng Anh: “Drill”) chống tăng và "Sấm sét" kiểu mô-đun

Thế thì tại sao bom "Drel"Nga lại trở thành món hàng "được yêu quý " của tờ báo Mỹ nói trên? Tên chính thức của nó- bom chùm bay PBK-500U “Drel” với các phần tử tác chiến (bom con) tự ngắm SPBE-K. Nó được chế tạo tại Tập đoàn Khoa học- Sản xuất “Basalt, một công ty con thuộc Tập đoàn nhà nước “Rostekh”.

Dự án thiết kế nó được triển khai từ những năm 90, nhưng đã bị kéo dài vì những khó khăn phát sinh khi thực hiện các yêu cầu trong bản nhiệm vụ kỹ thuật (của bên đặt hàng) về độ chính xác.

Lẽ ra bom này phải được đưa vào trang bị từ cách đây 2 năm, nhưng “cấp trên” đã quyết định tiến hành thêm một số cuộc thử nghiệm bổ sung nữa trong điều kiện thực chiến.

Có nghĩa là tại Syria. Vào thời điểm hiện tại thì các công trình sư thiết kế bom đã khẳng định là Quân đội Nga không còn bất kỳ phàn nàn nào về "Máy khoan". Và nó sẽ được đưa vào biên chế cho các đơn vị chiến đấu của Bộ đội Không quân Nga ngay trong năm tới.

Trọng lượng bom- 540 kg. Chiều dài – 3.100 mm, đường kính tối đa - 450 mm. Bom chứa 15 bom con được thiết kế để phá hủy các phương tiện bọc thép, các công trình kỹ thuật kiên cố, các trạm radar của hệ thống phòng không và sở chỉ huy.

Độ cao khi cắt bom nằm trong khoảng từ 100m đến 14.000 mét và khi máy bay mang đang bay ở dải tốc độ từ 700 đến 1.100 km/h. Khi chế tạo phần thân của bom, đã ừng dụng công nghệ tàng hình, vì vậy- radar của đối phương rất khó phát hiện được nó.

Vào thời điểm sau khi rời khỏi máy bay, bom bắt đầu bay bằng cách mở các cánh gấp. Việc hiệu chỉnh đường bay được thực hiện bằng các bánh lái khí động học. Trong bộ nhớ của bom có cài sẵn tọa độ của mục tiêu và “Drel” được điều khiển bay tới mục tiêu bằng tín hiệu vệ tinh GLONASS.

Cự ly bay tối đa, tùy thuộc vào tốc độ máy bay- phương tiện mang và độ cao cắt bom, đạt tới 30 km.

Như vậy là đủ để đảm bảo máy bay chiến đấu- phương tiện mang bom không phải bay sâu hơn vào khu vực hoạt động của các tổ hợp tên lửa lục quân tầm ngắn, - những tổ hợp này sẽ không gây nguy hiểm cho máy bay mang ở cự ly 15 km.

Khi đến điểm cuối của tuyến bay tính toán, ở độ cao 200 mét, “Drel” sẽ phóng ra 15 “bom con”, mỗi bom con được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại hoặc đầu tự dẫn radar.

“Máy khoan” hoạt động hiệu quả nhất khi được sử dụng để chống lại các loại xe bọc thép. Các quả bom con tự phân phối mục tiêu với nhau và mỗi “bom con” trong số đó được điều khiển bằng đầu tự dẫn tự “lao” đến xe tăng hay xe bọc thép “được phân công” của mình.

Thêm nữa, xe tăng bị tấn công ở phần nóc xe, tức là nơi ít được bảo vệ nhất. Và như vậy, "Drel" đã “bù đắp” cho sự “thiếu vắng” trong Quân đội Nga các tổ hợp tên lửa chống tăng thế hệ 3 kiểu như "Javelin" của Mỹ.

Nhưng lại có thể khẳng định nhiệm vụ tiêu diệt xe tăng từ trên cao theo “kiểu Nga” được giải quyết gần như ở mức “không mất tiền”. (Vì) Lầu Năm Góc mua mỗi quả tên lửa ATGM cho tổ hợp này (“Javelin”) với giá 100.000 USD. Trong khi tầm bắn của “Javelin”- chỉ vẻn vẹn 5 km.

Còn "Máy khoan" Nga thì như đã nói ở trên, chỉ có giá 15.000 đôla nhưng cự ly hoạt động tới 30 km và có khả năng đánh trúng tới 15 mục tiêu (xe) bọc thép trong điều kiện lý tưởng. Nhưng tất nhiên, trên thực tế, con số này, theo các con số thống kê qua các cuộc thử nghiệm cho thấy, chỉ dao động từ 8 đến10 (mục tiêu)

"Máy khoan" có một ưu thế rất đáng nể nữa - mỗi quả bom được trang bị thiết bị nhận biết "địch- ta". Thành thử, có thể ném “Drel” thẳng xuống trung tâm của một trận đấu “tăng đang quần tăng” nhưng nó sẽ không gây hại cho các phương tiện bọc thép của quân ta.

Cũng phải nói thêm rằng “Drel “ không vi phạm Công ước về bom,đạn chùm - công ước này cho phép sử dụng bom đạn chùm nếu mỗi quả bom, đạn con nặng hơn 20 kg. Các phần tử chiến đấu của “Máy khoan” nặng hơn nhiều.

Mỹ sử dụng bom chùm "phổ biến" AGM-154 nặng 500 pound. Có những biến thể “thuần bom” có khả năng bay ở cự ly 22-110 km. Cũng có kiểu bom chùm nhưng được lắp thêm động cơ đẩy nhiên liệu rắn nên bay được tới 500 km.

Số lượng các bom con dao động trong khoảng 6 đến 146, và như vậy là vi phạm các điều khoản của Công ước. Tuy nhiên, như thường thấy, Mỹ tuy không ký công ước này, cũng như hàng loạt các văn kiện quốc tế khác, nhưng lại yêu cầu các quốc gia khác còn lại phải tuân thủ chúng.

Các “bom con” của Mỹ cũng hoạt động theo cách tương tự như các “bom con” Nga, chỉ có một điểm khác biệt- chúng không thể phân biệt được "bạn hay thù".

Một thiết kế triển vọng khác của KTRV có ý tưởng tương tự như "bom- tên lửa" AGM-154 nói trên của Mỹ. Đó là một họ đạn mô-đun, hay còn được gọi là tổ hợp vũ khí bom - tên lửa có điều khiển được đặt tên là "Grom" (“Sấm sét” ).

Đó có thể gọi là một "tập hợp" các mô-dun để chế tạo những kiểu đạn- bom với các tính chất và tính năng mong muốn. Vào thời điểm hiện tại, đã chế tạo xong hai loại đạn có cùng kích thước: chiều dài – 4.200 mm, đường kính tối đa - 310 mm.

Cả hai đều sử dụng một hệ thống dẫn đường - hệ thống dẫn đường quán tính với hiệu chỉnh tín hiệu GLONASS / GPS. Bánh lái giống hệt nhau. Khối tác chiến khác nhau, nhưng nó được tạo thành từ ba mô-đun khác nhau trong nhiều cách kết hợp khác nhau.

1. Tên lửa 9-A-7759 (có động cơ) có tầm bay 120 km. Đầu tác chiến bộc phá- phân mảnh nặng 315 kg.

2. Bom 9-A1-7759: tầm bay - 65 km, đầu đạn nổ phân mảnh - 480 kg.

3. Bom 9-A2-7759: tầm bay- 65 km, khối lượng đầu tác chiến- 370 kg.

Do những loại đạn này không có đầu tự dẫn, nên chỉ có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định trên mặt đất.

Để kết luận, cần phải nói rằng trong những phát biểu của ban lãnh đạo KTRV về “Sấm sét” hiện chỉ thấy toàn những nốt nhạc vô cùng lạc quan.

Kiểu như: các thử nghiệm thiết kế- thử nghiệm đã hoàn tất, chúng tôi đang chuẩn bị cho những thử nghiệm cấp nhà nước và chỉ còn một chút nữa là có thể bắt đầu triển khai sản xuất hàng loạt.v.v và v.v.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ thấy sự sôi động khi nói về các kiểu đạn (bom) bay triển vọng có ký tự E (xuất khẩu). Chúng đang được quảng cáo, được sản xuất và bán cho khách hàng nước ngoài. Nhưng rồi cũng sẽ có một số đến được với Không quân Nga.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/sam-set-nga-duoc-dong-goi-xuat-khau-3428992/