Sắm hàng ở 'xứ sở thảm bay'

Nằm ở 'ngã tư của các nền văn minh', Thổ Nhĩ Kỳ hội tụ đầy đủ những nét giao thoa văn hóa từ Á sang Âu đủ để níu chân du khách bởi các di sản thế giới đến từ những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại Hy Lạp, La Mã và Ottoman. Thế nhưng, 'xứ sở thảm bay' còn hấp dẫn khách muôn phương bởi hàng hóa phong phú và cách kinh doanh khiến người ta không thể không mở ví.

Giá nào cũng bán, ưu tiên khách Việt Nam!

Trung tâm đồ da nằm trên hành trình đến thăm thành phố cổ đại Hierapolis và thắng cảnh Lâu đài Bông là điểm dừng chân đầu tiên, thu hút du khách không chỉ bởi vô vàn sản phẩm làm từ da mà chính từ những người đàn ông bán hàng đẹp trai, vui tính.

Vừa tới cửa, đoàn du khách Việt Nam được phát một chiếc vé màu xanh với lời dặn dò của nhân viên đón tiếp: "Vé để phân biệt với khách Trung Quốc, khách Việt Nam sẽ được bán với giá rẻ hơn. Ngoài ưu đãi giảm giá từ 20 - 30% so với giá niêm yết, khách Việt Nam được giảm thêm 30% nữa". Hành trình mua hàng rẻ hơn bắt đầu. Áo da đủ màu, đủ kiểu, hàng được quảng cáo là "đốt không cháy, vò không nhăn, mềm mại như lụa" đầy mê hoặc nhưng giá bán lại gây hốt hoảng với không ít người. Trung bình từ 1.000 - 3.500 USD/chiếc, cao cấp thì 5.000 - 6.000 USD. Mà giá niêm yết mới lạ kỳ, luôn có 2 con số trên mác áo. Hướng dẫn viên tại đây giới thiệu, con số to nổi nhất dành cho khách Trung Quốc, số nhỏ hơn là khách Việt có thể "chiến đấu" để mặc cả giảm giá tiếp. Vài "thương vụ" mua - bán đã được chốt tại trung tâm đồ da với giá tiền từ 500 - 600 USD cho một chiếc áo có giá niêm yết trên 3.000 USD.

Kịch bản ưu tiên khách Việt tiếp tục được diễn ra ở cửa hàng bán thảm. Những chiếc thảm được làm thủ công, dệt từ sợi len lông cừu, tơ tằm với đủ màu sắc, kích cỡ bắt mắt. Kỹ thuật dệt thảm của người Thổ Nhĩ Kỳ đã vào hạng thượng thừa, mỗi tấm thảm ở góc nhìn khác nhau lại ánh lên một màu sắc mới đầy mê hoặc. Hàng chục tấm thảm được cuốn lên rồi trải ra cho khách lựa chọn. Giá cũng được những du khách Việt tự xem có nhiều kinh nghiệm mặc cả đưa xuống hết cỡ: "Hét" 4.800 đô, trả 800 đô. Lắc đầu. Thế 1.000 nhé? Vẫn lắc. Vậy 1.200, OK? Để tôi đi hỏi ông chủ. Câu trả lời sau 2 phút đi hỏi ông chủ là "quý cô thật có con mắt tinh tường, đây là tấm thảm đẹp nhất ở cửa hàng chúng tôi, giá của nó không thể dưới 2.000 đô". Thế nhưng, hồi kết của cuộc ngã giá cho tấm thảm đẹp nhất ấy là 1.250 đô. Chớp mắt, chiếc thảm đã nằm gọn ghẽ trong chiếc va li kéo được tặng kèm để du khách dễ dàng đưa về Việt Nam.

Ở các điểm mua sắm trên đường du lịch, ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ là cửa hàng đồ gốm. Gốm Thổ rất sặc sỡ, nhiều màu sắc, nhưng màu truyền thống nhất là xanh biếc như màu trời của thung lũng Cappadocia. Đa số sản phẩm gốm của Thổ Nhĩ Kỳ có vân nổi như chấm tròn, sọc hay hình hoa, họa tiết… được phun, đắp nổi lên những chiếc đĩa, lọ hoa hay bình đựng rượu kiểu dáng truyền thống có thể khoác lên vai để rót. Đặc biệt hơn cả, men gốm ở đây có thể hấp thụ được ánh sáng nên khi tắt đèn, cả căn phòng gốm lung linh dạ quang đủ sắc màu khiến du khách trầm trồ tán thưởng. Giá của các sản phẩm gốm cũng rất phong phú, tùy theo hàng đại trà và hàng làm tay của các nghệ nhân có chữ ký trên mỗi sản phẩm mà được bán từ vài chục đô đến mấy nghìn đô, vẫn "ưu tiên khách Việt Nam", giảm từ 30 - 50% so với giá niêm yết…

Lạc lối ở Grand Bazaar

Khu chợ Grand Bazaar nằm ở thủ đô Istanbul, có từ năm 1455 và được xây dựng ngay sau cuộc chinh phạt Constantinople của Đế chế Ottoman. Hơn nửa thiên niên kỷ, Grand Bazaar với đặc trưng nổi bật của kiến trúc là mái vòm chạm trổ kỳ công, nên còn được gọi với cái tên dân dã là chợ Vòm, đã phát triển thành một quần thể rộng lớn gồm 61 đường phố, 12 cửa ra vào với hơn 4.000 gian hàng trong diện tích 30.000m2.

Grand Bazaar không chỉ là một khu chợ, nơi đây thực sự là một hang động huyền ảo của thế giới Ả Rập với tất cả những màu sắc hàng hóa rực rỡ. Những gì tinh túy nhất, cổ xưa nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đều hiện diện ở khu chợ này. Lộng lẫy đầy màu sắc là khu vực bán trang sức, đèn trang trí, gốm; sặc sỡ với những họa tiết truyền thống là khu bán đồ tơ lụa, trang phục, thảm; khu bán bánh kẹo, gia vị, trái cây sấy như một bức tranh đa sắc màu đẹp tựa cầu vồng… Điểm đặc biệt nhất của 4.000 gian hàng tại đây là chỉ có đàn ông bán hàng.

"Trình" nói thách của các quý ông bán hàng tại chợ đã lên mức thượng thừa. Vì thế, du khách hãy mạnh dạn trả giá, với những mặt hàng như trang sức, đá quý, thảm hay đồ lưu niệm thủ công, hãy trả bằng 1/3 giá được nêu ra, hoặc 1/5, thậm chí 1/10. Dễ mua nhất cho du khách là các loại gia vị, kẹo dẻo, thảo mộc, nhụy hoa nghệ tây có xuất xứ từ Trung Đông. Nếm thử những viên kẹo nhỏ ngọt ngào, đầy màu sắc của món kẹo trứ danh Turkish delight, du khách có thể mua theo kg và được người bán cắt miếng, đóng hộp để mang về làm quà.

Quanh Grand Bazaar còn có 2 thánh đường Hồi giáo nổi tiếng, 4 suối nước uống, 2 nhà tắm công cộng cùng nhiều quán ăn, cửa hàng, tiệm cà phê. Thế nên, nếu mải chiêm ngưỡng những mái vòm với những hoa văn độc đáo nhiều sắc màu, hay sa chân vào thế giới cổ tích của các mẫu đèn, thảm trang trí, hoặc trót bị những viên kẹo ngọt mê hoặc trong nhất thời, bạn sẽ quên lối về, ở chợ Vòm…

Gốm, thảm, đá quý, đồ da và bánh kẹo là những mặt hàng được giới thiệu nhiều trong hành trình tour. Người Thổ quả là biết cách để du khách "xuống tiền", bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sam-hang-o-xu-so-tham-bay-131505.html