Saigonbank có đang đi ngược ngành?

Trong bối cảnh phần nhiều các ngân hàng thương mại đồng loạt báo lãi kết thúc quý I, việc Saigonbank ghi nhận kết quả kinh doanh khiêm tốn có thể giải thích bởi quy mô 'bé hạt tiêu' của nhà băng này.

Một trường hợp đang được giới đầu tư đánh giá có hiện tượng "đi ngược" ngành ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).

Theo BCTC 3 tháng đầu năm 2018 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank), tính đến ngày 30/3, tổng tài sản của ngân hàng đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. So với toàn ngành ngân hàng, tổng tài sản của Saigonbank được liệt vào mức thấp.

Các hoạt động kinh doanh trong kỳ cũng không có gì nổi bật, cho vay khách hàng đạt 13,7 nghìn tỷ, giảm so với hồi đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tăng nhẹ và không đáng kể, lên 15,7 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính của Saigonbank thì lợi nhuận trước thuế quý I/2018 giảm 5%, đạt 115 tỷ đồng so với con số 121 tỷ đồng cùng kỳ 2017. Ngân hàng này cũng thất thu đối với 378 tỷ đồng trong quý I/2018 do tín dụng giảm 2,7%, dừng ở con số tuyệt đối 13.727 tỷ đồng, lãi thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ 2017 và đạt 158 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng này rất cao gần 4%, tăng mạnh so với 2,96% đầu năm nay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh so với hồi đầu năm là 361 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nợ xấu.

Nguồn: BCTC quý 1/2018 của Saigonbank

Trong năm 2017, số lượng nhân sự của Ngân hàng này có hiện tượng giải. Với quỹ lương giảm 15% từ 209 tỷ đồng về 178 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên Saigonbank giảm đáng kể từ 12 triệu đồng về 10 triệu đồng/ tháng. Đây cũng là mức thu nhập thấp nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay.

Chính vì nguồn lực khiêm tốn khiến Saigonbank khó lòng mở rộng hoạt động, nâng cấp hệ thống tài sản cố định hữu hình cũng như vô hình.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường chứng khoán ấm lên, nhiều tổ chức đã đua nhau thoái vốn ở ngân hàng nhỏ, mà Saigonbank là một ví dụ. Sau nhiều lần thoái vốn bất thành, vào cuối năm 2017, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB) đã chào bán hơn 13,2 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài gòn Công thương (Saigonbank) ra công chúng với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần. Ướ́c tính Vietcombank đã thu về hơn 266 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Saigonbank. Người mua là một tổ chức và một cá nhân.

Theo cơ cấu cổ đông, Saigonbank có tỷ lệ sở hữu khá cô đặc. Năm 2017 cũng ghi nhận biến động tại cấu trúc thượng tầng ở Saigonbank, khi các nhóm cổ đông lớn thay thế người đại diện phần vốn.

Văn phòng Thành ủy TPHCM, pháp nhân giữ 18,18% vốn của SGB đã cử ông Phạm Văn Thông làm người đại diện phần vốn. Ông Thông sau đó được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Công ty TNHH MTV Xây dựng & Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (16,64%) và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (16,35%) cũng cử ông Vũ Quang Lãm và ông Nguyễn Minh Trí tham gia HĐQT SGB. Ông Vũ Quang Lãm kiêm luôn chức vụ Tổng giám đốc nhà băng này.

Ngoài các cổ đông nêu trên, cổ đông còn lại của Saigonbank là Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu 14,08%, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam có 4,37% và Vietinbank có 4,91%.

Hoàng Dung

Nguồn ANTT: http://antt.vn/saigonbank-co-dang-di-nguoc-nganh--237866.htm