Sai thì phải sửa!

Những tác động của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20) đối với doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang là vấn đề được doanh nghiệp BĐS rất quan tâm.

Chỉ sau hơn nửa năm có hiệu lực, những bất cập của nghị định này đã bắt đầu lộ rõ. Trên nhiều diễn đàn, rất đông ý kiến đã cho rằng, một số quy định trong nghị định này không những không đạt được những mục tiêu về quản lý mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những mục tiêu chính của Nghị định 20 là gia tăng tính minh bạch trong công tác quản lý các doanh nghiệp thực hiện giao dịch liên kết của cơ quan thuế, chống chuyển giá từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, khoản 3, Điều 8 của nghị định này lại đang cản trở rõ rệt hoạt động của các doanh nghiệp BĐS. Cụ thể, chi phí lãi vay được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp bị khống chế không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, nếu vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Xét trên hoạt động thực tế, chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận tại các doanh nghiệp BĐS hầu hết cao hơn tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20. Nếu áp dụng quy định của nghị định này, doanh nghiệp BĐS nào cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh việc khó triển khai dự án quy mô lớn, các doanh nghiệp còn bị mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh cũng như giảm khả năng cạnh tranh. Không chỉ dừng lại ở đó, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm còn có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, không phản ánh đúng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được dự báo sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp này phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, các ngân hàng sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, trong khi các cổ đông lại bị hạn chế do vốn liên kết, dẫn đến hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Điều đáng nói hơn nữa là, quy định của Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành.

Thông tin từ Hiệp hội BĐS cho biết, đến thời điểm này, hiệp hội đã ghi nhận nhiều kiến nghị từ phía doanh nghiệp đề nghị bỏ khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20. Trong thời gian tới, Hiệp hội BĐS sẽ phân tích các số liệu đã có, dự thảo văn bản, xin ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh và gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... về những vấn đề bất cập của Nghị định 20.

Hy vọng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ xem xét thận trọng, đưa ra những cơ chế chính sách điều chỉnh phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đảm bảo tính khả thi và vẫn đạt mục tiêu của quản lý nhà nước. Hy vọng này là có cơ sở, bởi như ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã phát biểu tại hội nghị về tác động của Nghị định 20 vừa diễn ra tại Hà Nội, nếu trái quy định của Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Bãi bỏ theo quy định của luật thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần.

BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sai-thi-phai-sua-565676.html