Sai sót trong thi công đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, mà còn có vai trò quan trọng ở phía bắc và cả nước. Hiện nay, công trình đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường dự án mới đây, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã phát hiện nhiều sai sót, khiếm khuyết trong thi công, dẫn tới chất lượng công trình tại một số nơi chưa bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ nhưng nhiều vị trí thi công chưa bảo đảm chất lượng, thiết kế cầu, cống chui dân sinh chưa phù hợp thực tiễn.

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ nhưng nhiều vị trí thi công chưa bảo đảm chất lượng, thiết kế cầu, cống chui dân sinh chưa phù hợp thực tiễn.

Nhiều vị trí thi công ẩu

Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm hai hợp phần: Hợp phần xây dựng đường cao tốc (dài hơn 64 km) và hợp phần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng, do Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là nhà đầu tư. Hợp phần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 hiện đã hoàn thành và tiến hành thu phí từ ngày 1-6-2018. Ðối với hợp phần xây dựng đường cao tốc (theo hình thức BOT) đang được triển khai các hạng mục của đường, cầu và cống, đến nay khối lượng thực hiện đạt khoảng hơn 70%. Trong thời gian qua, nhà đầu tư và các nhà thầu thi công xây dựng đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ, khối lượng thực hiện thay đổi đáng kể so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá, dự án vẫn còn một số vị trí trên tuyến chưa thể triển khai thi công do vướng khâu giải phóng mặt bằng, nếu nhà đầu tư không tích cực phối hợp chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, sẽ có nguy cơ khó bảo đảm được việc hoàn thành, nghiệm thu và thông xe vào cuối năm nay theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, trên tuyến chính còn vướng năm điểm với chiều dài khoảng 500 m và 16 điểm trên đường dân sinh, mái ta-luy; các vị trí vướng mắc tập trung chủ yếu tại tỉnh Bắc Giang.

Phó Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Ngô Lâm cho biết: Ðối với hạng mục nền, mặt đường, công tác thi công cơ bản tuân thủ theo chỉ dẫn kỹ thuật, các loại vật liệu trước khi thi công được thí nghiệm đầy đủ theo tần suất quy định. Tuy nhiên, tại nhiều điểm trên tuyến, rãnh thoát nước đã được thi công, nhưng đoạn rãnh chuyển tiếp để dẫn nước ra khỏi phạm vi nền đường vẫn chưa hoàn thiện, một số chỗ bê-tông rãnh không bảo đảm độ bằng phẳng và bị rỗ nhiều; nền đất tại vị trí sát rãnh không được đầm lèn chặt. Bề mặt mái ta-luy dương tại nhiều điểm trên tuyến chưa được tạo phẳng, nhưng nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện gia cố mái ta-luy là chưa tuân thủ quy định theo tiêu chuẩn áp dụng và biện pháp thi công được duyệt. Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8859:2011, bề mặt lớp cấp phối đá dăm sau khi thi công, nếu buộc phải cho phương tiện lưu thông, cần có biện pháp bảo vệ (phủ lớp đá mạt và lu nhẹ từ 2 đến 3 lần), tuy nhiên trên thực tế, các phương tiện giao thông vẫn chạy trực tiếp lên bề mặt lớp cấp phối đá dăm mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào.

Theo báo cáo kết quả kiểm định chất lượng, tại nhiều vị trí như Km 59 + 400, Km 63 + 200, Km 87 + 700,… có thành phần hạt nhỏ trong khoảng 4,75 đến 0,425 mm, không nằm trong đường bao tiêu chuẩn. Việc thi công lớp móng cấp phối đá dăm tại Km101+750 chưa tuân thủ theo biện pháp thi công được phê duyệt, chưa đủ chủng loại lu trong dây chuyền, chưa thực hiện tạo ẩm vật liệu trước khi rải cho nên đã xảy ra hiện tượng phân tầng. Tại Km 52+100, bề mặt lớp móng cấp phối đá dăm trước khi rải bê-tông nhựa bị lồi lõm và bong tróc. Tại Km 52+100, Km 106+700, công tác cố định ván khuôn chưa tốt cho nên thành bê-tông nhựa không bằng phẳng và khó đạt độ chặt tại vị trí tiếp giáp.

Ngoài ra, theo thiết kế hỗn hợp bê-tông nhựa P12,5, hàm lượng nhựa sử dụng ở sát cận dưới của tiêu chuẩn quy định, cho nên hàm lượng nhựa trong hỗn hợp bê-tông nhựa sẽ khó bảo đảm ổn định khi thi công đại trà. Theo kết quả kiểm định chất lượng, tại một số vị trí trên tuyến lớp bê-tông nhựa không đạt yêu cầu về chỉ tiêu độ rỗng dư (tại Km 63 +650, Km 106 + 640, Km 67 + 320); không bảo đảm độ chặt (Km 106 + 640) và thành phần hạt thoi dẹt,… "Ðặc biệt, trạm trộn bê-tông nhựa của nhà thầu Hòa Hiệp chịu ảnh hưởng bụi do bộ phận lọc bụi của trạm không tốt, ảnh hưởng chất lượng bê-tông nhựa. Bề mặt tại một số vị trí trên tuyến đã thi công xong lớp đá cấp phối gia cố nhựa (ATB), lớp bê-tông nhựa C19 rất bẩn do để phương tiện đi lại hoặc tập kết đất để trồng cỏ mái ta-luy. Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy khó bảo đảm độ dính bám giữa các lớp bê-tông nhựa", Phó Cục trưởng Ngô Lâm nhấn mạnh.

Thiết kế phát sinh bất cập

Theo đại diện UBND tỉnh Bắc Giang, ngoài những vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, còn phát sinh một số vấn đề trong thiết kế thi công. Hệ thống thoát nước dọc, ngang tại nhiều đoạn có sự bất cập, gây ngập đọng nước. Một số hầm chui, đường gom, đường dân sinh bố trí chưa hợp lý, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân khi đi vào hoạt động. Tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn tiếp thu kiến nghị của chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn, đề xuất nghiên cứu, xem xét điều chỉnh thiết kế xây dựng tại một số nút giao phù hợp nhu cầu sử dụng thực tiễn của nhân dân. Trong quá trình thi công cần bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân sống ven đường cao tốc.

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng nhận định, đối với việc thi công hạng mục cầu, cống trên tuyến, một số dầm của cầu vượt đường sắt quốc lộ 37 và cầu vượt nút giao quốc lộ 37 chưa tốt, bề mặt bê-tông còn hiện tượng bị rỗ và "vân mây". Chưa kể, bê-tông mặt cầu tại các cầu Sông Thương, Sông Thương 1, cầu vượt đường sắt km 70,... không bảo đảm độ bằng phẳng theo yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật. Một số cầu và các cống chui dân sinh trên tuyến không được bố trí hệ thống thoát nước trong lòng mố, nhà thầu thi công sử dụng vật liệu đắp chưa đúng theo quy định.

Nhà đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công còn để xảy ra sai sót ở một số chỉ tiêu như nhiệt độ tối thiểu khi kết thúc lu, độ rỗng dư của mẫu khoan lớp bê-tông nhựa P12,5 (quy định từ 3 đến 8%) trong chỉ dẫn kỹ thuật chưa tuân thủ theo các tiêu chuẩn. Chỉ tiêu thí nghiệm độ sụt của bê-tông trong hồ sơ quản lý chất lượng cống chui Km 63+512 không phù hợp so quy định nêu trong chỉ dẫn kỹ thuật và trong phiếu thiết kế thành phần cấp phối bê-tông; các số liệu về tải trọng, góc nội ma sát của vật liệu đắp trong bản tính kế cầu tường chắn tại cầu vượt quốc lộ 31 chưa phù hợp.

Ðể công trình thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế, chất lượng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước yêu cầu tư vấn thiết kế chỉnh sửa lại các quy định chưa phù hợp đối với bê-tông nhựa làm cơ sở để thi công và nghiệm thu. Ðồng thời, Tư vấn thiết kế cần đánh giá lại khả năng chịu lực của đoạn tường chắn tại cầu vượt quốc lộ 31 trên cơ sở các số liệu đầu vào thực tế áp dụng. Cần kiểm soát chặt chẽ việc thi công lớp móng cấp phối đá dăm, lớp bê-tông nhựa theo chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và biện pháp thi công đã được phê duyệt, nhất là các yếu tố hình học của các lớp bê-tông nhựa. Các vị trí cấp phối đá dăm bị phân tầng, phải yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng bóc bỏ, thi công lại. Ðối với lớp móng cấp phối đá dăm, bê-tông nhựa chưa đạt yêu cầu về thành phần hạt nhỏ, độ rỗng dư được nêu trong báo cáo kiểm định chất lượng, nhà đầu tư tổ chức kiểm tra lại và có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngoài ra, phải có biện pháp thi công phù hợp đối với các vị trí đã thi công xong lớp cấp phối đá dăm, lớp bê-tông nhựa, sớm tổ chức thi công lớp bê-tông nhựa ngay để đạt yêu cầu chất lượng lớp kết cấu áo đường. Công tác xử lý bề mặt dầm cầu trước khi lao lắp cần được giám sát chặt chẽ, để bản mặt cầu bằng phẳng trước khi thi công lớp bê-tông nhựa. Tại các vị trí khe co giãn của cầu, để đạt êm thuận, nhà đầu tư cần chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xem xét việc thi công khe co giãn sau khi thảm bê-tông nhựa và sử dụng vữa không co ngót, thay thế bê-tông theo như hồ sơ thiết kế hiện nay. Các mái ta-luy đã gia cố phải được rà soát hiện trạng, nếu chỗ nào lồi lõm quá lớn, phải có biện pháp khắc phục ngay để đạt yêu cầu mỹ quan.

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng lưu ý, tại một số nút giao, cần xem xét bổ sung thiết kế cảnh quan; thiết kế chống va xô cho mố, trụ cầu vượt trên tuyến trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do một số vị trí chưa có mặt bằng, còn thi công theo kiểu "xôi đỗ", nhà đầu tư cần nghiên cứu biện pháp thi công phù hợp để các vị trí thi công sau có chất lượng đồng đều như các nơi khác trên tuyến. Ðồng thời, xem xét việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông theo quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) vừa có công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn và Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn kiểm soát chất lượng vật liệu cát trong thi công dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Theo đó, dư luận phản ánh, một số gói thầu đang thi công đã tập kết và sử dụng vật liệu cát không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để đổ bê-tông. Cục yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xác minh thông tin, đồng thời chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu lấy mẫu vật liệu tập kết tại công trường, thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu thi công hạng mục đổ bê-tông và các hạng mục khác, kiên quyết không cho các đơn vị sử dụng các vật liệu không bảo đảm kỹ thuật để thi công và kiểm tra chất lượng các hạng mục bê-tông đã thi công, kiểm soát nghiêm quản lý chất lượng công trình đúng quy định.

Bài và ảnh: QUANG XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39817402-sai-sot-trong-thi-cong-duong-cao-toc-bac-giang-lang-son.html