Sai phạm Việt phủ Thành Chương: Hỏi khó chuyện bản sắc!

Cá nhân hay tổ chức nào công nhận Việt phủ Thành Chương mang bản sắc văn hóa dân tộc?

Ngày 10/12/2018, trao đổi với Đất Việt, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội bày tỏ sự không đồng tình về việc có ý kiến cho rằng nên giữ lại Việt phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) bởi đây là công trình mang bản sắc văn hóa dân tộc mặc dù đã có kết luận sai phạm đất rừng của Thanh tra Chính phủ năm 2006.

"Vấn đề nằm ở chỗ cá nhân hay tổ chức nào công nhận Việt phủ Thành Chương là công trình văn hóa dân tộc? Nếu là quan điểm cá nhân thì cũng có thể khó quyết theo cảm tính mà phải có số đông các nhà khoa học thừa nhận công trình này mang nét văn hóa.

Bên trong Việt phủ Thành Chương.

Nhưng bài học kinh nghiệm đã có rồi. Dù là công trình mang bản sắc văn hóa dân tộc nhưng đã vi phạm pháp luật thì cũng không thể "phạt cho tồn tại" được. Các tỉnh khác đã có những bài học rất lớn về vấn đề này" - ông Nghiêm bày tỏ.

Trong khi đó, một lãnh đạo Hội KTS Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, Việt phủ Thành Chương không phải là một công trình văn hóa dân tộc.

"Anh không thể đắp mấy bức tượng đặt cạnh nhau, xây mấy ngôi nhà kiểu mái ngày xưa thì được gọi là công trình mang bản sắc văn hóa dân tộc được.

Hơn nữa, chủ nhân của Việt phủ Thành Chương là một nhà văn chứ không phải một người có chuyên ngành thiết kế xây dựng nên nó mang nhiều chất cảm tính trong đó, không thể hiện rõ không gian và nội dung muốn xây dựng" - vị lãnh đạo này cho biết.

Từ đó, vị này khẳng định: Việt phủ Thành Chương không phải là công trình văn hóa dân tộc! Nên nếu lấy lý do đó mà không xử lý vi phạm đối với công trình này là khó thuyết phục dư luận!

Vị chuyên gia nói thêm, hơn nữa, Việt phủ Thành Chương tiến hành bán vé cho khách thăm quan. Điều đó cho thấy công trình này mang mục đích thương mại, đang vi phạm đất rừng để kinh doanh, tư lợi cá nhân chứ không phải vì mục đích cộng đồng nên tính chất có thể thấy giống như nhiều công trình bất động sản đang vi phạm trên địa bàn cả nước hiện nay.

Trong khi đó, việc phạt cho tồn tại trong vi phạm trật tự xây dựng đang là giải pháp phổ biến ở Việt Nam. Điều này dẫn tới hệ lụy rất xấu, khiến các doanh nghiệp, cá nhân ngày càng nhờn luật và có tâm lý "có xây đi, sai đâu nộp phạt đó" còn lợi ích từ phần sai phạm thì lại cao hơn giá trị nộp phạt rất nhiều.

"Người quản lý nhà nước thì phải làm việc theo quy định của pháp luật chứ không thể có sự thay đổi theo cảm tính. Đã sai thì phải xử theo quy định, mà quy định vi phạm đất rừng xử lý như nào chúng ta đã có rồi. Cứ thế mà thực hiện thôi, việc thay đổi càng khiến dư luận thêm bức xúc và sẽ có nhiều công trình vi phạm xảy ra trong tương lai hơn" - vị lãnh đạo Hội KTS Việt Nam nói.

Vân Thành

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sai-pham-viet-phu-thanh-chuong-hoi-kho-chuyen-ban-sac-3370816/