Sai phạm trong quản lý đất đai và xây dựng ở TP Cần Thơ (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Xây dựng không phép tràn lan - Buông lỏng quản lý, cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định; để 113 khu dân cư tự phát mọc lên như nấm sau mưa tại các quận trung tâm thành phố; xây dựng không phép tràn lan ở khu dân cư kiểu mẫu Cồn Khương… là thực trạng khó chấp nhận trong việc quản lý quy hoạch và xây dựng ở TP Cần Thơ thời gian qua.

113 khu dân cư tự phát

Theo kết quả thanh tra của Thanh tra TP Cần Thơ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở thuộc phạm vi dự án đường nối Cách mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918 và dự án Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1 và 2) thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm tại địa bàn các phường An Thới, Long Tuyền và Long Hòa. Công tác quản lý nhà nước về đất đai thời gian qua có nhiều sơ hở, yếu kém, để xảy ra điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, tách thửa, chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng thấp kém. Nổi cộm nhất là địa bàn phường Long Hòa, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, phát triển đô thị của quận Bình Thủy và của thành phố, vi phạm Luật Ðất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Ðiển hình như trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cây lâu năm thành đất ở đô thị của ông Lê Ðức Thành với diện tích gần một ha, trong đó có 0,66 ha chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với quy hoạch. Ông Lê Ðức Thành còn nhận chuyển nhượng đất lúa - nông nghiệp sai quy định. Hiện nay khu đất này được sử dụng làm bến xe Thành Bưởi, mà theo quy định phải là đất chuyên dùng. Thông báo kết luận số 344 ngày 6-4-2018 của Thanh tra TP Cần Thơ nêu rõ: “Qua đó cho thấy có dấu hiệu không bình thường trong việc chuyển mục đích tại khu đất này”.

Hay trường hợp vợ chồng ông Sử Quang Thái và bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền: Qua xác minh cho thấy, ngành chức năng quận Bình Thủy đã buông lỏng quản lý, ưu ái, dễ dàng để cho ông Thái và bà Tuyền được chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa chia lô, bán nền, cấp phép xây dựng trái quy hoạch được phê duyệt. Ðồng thời, để xảy ra xây dựng nhà sai phép, không phép nhưng không kiên quyết xử lý. San lấp rạch Mù U trái phép để làm đường đi tại khu vực Bình Nhựt (phường Long Hòa), hình thành nên các khu dân cư tự phát có kết cấu hạ tầng kém, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai, thực hiện Ðề án khai thác quỹ đất thành phố giai đoạn 2017 đến 2021 do phải bồi thường giá đất thổ cư, bồi thường nhà, vật kiến trúc và tái định cư cho các hộ dân, có khả năng hình thành điểm nóng trong giải quyết khiếu nại.

Với những sai phạm như vậy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã có văn bản chỉ đạo UBND quận Bình Thủy xử lý trách nhiệm của các cá nhân và tập thể sai phạm. “Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ và Chánh Thanh tra TP Cần Thơ hướng dẫn và theo dõi việc xử lý vi phạm theo chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ. Thường trực Thành ủy cũng sẽ có chỉ đạo tiếp tục cho Quận ủy Bình Thủy kiểm điểm xử lý về mặt Ðảng đối với những cá nhân và tập thể có liên quan”, đồng chí Võ Thành Thống cho biết.

Cũng chính từ việc buông lỏng quản lý, thời gian qua tại thành phố có đến 113 khu dân cư tự phát, trong đó tập trung chủ yếu ở ba quận Ninh Kiều (33 khu), Cái Răng (33 khu), Bình Thủy (24 khu). Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, hầu hết các khu dân cư tự phát này đều có cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, không có chủ trương đầu tư và chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Vì thế, đã chỉ đạo dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng, có biện pháp quản lý chặt chẽ địa bàn không để phát sinh các khu dân cư tự phát như trên, xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các vụ việc sai phạm.

Tại quận Ninh Kiều, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Tiến Dũng cho biết, thành phố đã giao cho quận tự thanh tra giai đoạn từ năm 2016 đến nay. “Nhà đầu tư lợi dụng quy định của pháp luật để đầu cơ, phân lô bán nền đất. Chúng tôi ngăn chặn quyết liệt không cho phát sinh khu dân cư tự phát mới. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn được 10 khu dân cư chỉ mới tách thửa theo quy định của pháp luật (trên giấy) nhưng chưa có hạ tầng, chưa có nhà ở. Ðối với những khu dân cư tự phát đã có dân cư ở rồi thì yêu cầu chủ đầu tư phải bảo đảm về điều kiện cơ sở hạ tầng, bảo đảm đấu nối với các tuyến đường và khu dân cư khác theo quy định ở mức tối thiểu nhất”, đồng chí Trần Tiến Dũng cho biết.

Tràn lan xây dựng không phép ở Cồn Khương

Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Trần Tiến Dũng cho biết, một trong những khu dân cư kiểu mẫu của TP Cần Thơ hiện nay là khu dân cư Cồn Khương, thuộc khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, nơi đây cũng là điển hình của vi phạm xây dựng không phép. Một trong những dự án treo kéo dài hàng chục năm trời khiến người dân sống “vật vạ” ngay trên đất của chính mình là Khu đô thị và vui chơi giải trí Cồn Khương. Ngay cả đồng chí Trần Tiến Dũng cũng không nhớ chính xác dự án trên đã trải qua hai hay ba chủ đầu tư mà vẫn chưa thể triển khai xây dựng, chỉ biết chủ đầu tư hiện tại là Công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Miền Nam. Do dự án “treo” suốt thời gian dài đã khiến nhiều người có đất mà không thể xây dựng, sửa chữa nhà ở dù có nhu cầu chính đáng. Nhưng kỳ lạ thay, số lượng công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án này lại lên đến con số hàng trăm trường hợp.

Theo số liệu do người dân Cồn Khương cung cấp chưa đầy đủ, từ khu vực đầu cầu Cồn Khương đến phà Cồn Khương có hơn 350 căn nhà ở, nhà trọ, khách sạn tồn tại trên đất quy hoạch dự án. Trong đó có một biệt thự, một căn nhà hai tầng, một khách sạn có 16 phòng kinh doanh, một nhà nghỉ, hai kho bãi, một xưởng gỗ, bốn dãy phòng trọ cho thuê, một quán cà phê xây dựng trên khoảng 1.500 m2 đất và hàng trăm căn nhà cấp bốn. Ông Trương Văn Hồng, nhà ở Cồn Khương quả quyết: “Tất cả những công trình xây dựng trên đất quy hoạch của dự án khu vui chơi giải trí Cồn Khương đều là xây dựng không phép. Thế nhưng hàng trăm công trình vi phạm vẫn tồn tại như thách thức dư luận và gây bức xúc cho người dân”.

Chị Nguyễn Thị Cưng, sinh năm 1984, từ huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau lên TP Cần Thơ làm mướn suốt 13 năm mới dành dụm được chút tiền mua miếng đất ở Cồn Khương thuộc khu vực 3, nhưng không biết là đất đã được quy hoạch. Năm 2014, chị Cưng vay ngân hàng được 150 triệu đồng rồi vay mượn người thân được 100 triệu đồng nữa để xây căn nhà cấp bốn trên phần đất đã mua. Thế nhưng, nhà vừa xây xong thì bị UBND phường Cái Khế cưỡng chế, phá bỏ. “Ðiều bức xúc nhất là cùng bị lập biên bản vi phạm với tôi còn có 12 trường hợp khác, thế nhưng chỉ có mỗi nhà tôi và nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên gần bên bị đập bỏ. Còn 10 trường hợp khác đến nay vẫn tồn tại công trình, có cả những căn nhà trọ hàng chục phòng kinh doanh. Nếu tính cả khu vực này thì có tới hàng trăm công trình nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ xây dựng trái phép trên đất quy hoạch không hiểu vì sao vẫn tồn tại?”, chị Cưng bức xúc nói.

Trong khi đó, cũng tại Cồn Khương, phía trái con đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, những tòa “bạch ốc”, biệt phủ mọc lên san sát. Năm 2007, UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu nhà vườn và xây dựng khu tái định cư tại Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Khu đất điều chỉnh quy hoạch có diện tích 583.766 m2, chia làm hai khu A và B, dân số dự kiến 4.800 dân. Trong đó khu A là khu nhà vườn do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Vạn Phát đầu tư, đã được phê duyệt, có diện tích 353.392 m2; khu B là khu nhà vườn do Công ty cổ phần Hoàn Mỹ đầu tư có diện tích 230.374 m2.

Thế nhưng, ở khu dân cư kiểu mẫu này lại xuất hiện những công trình xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông ngang nhiên tồn tại. Ðiển hình là khu biệt thự số 89 của một lãnh đạo cấp cao TP Cần Thơ nay đã về hưu, được mọc lên từ nhiều năm trước để “đón gió” trước khi có quyết định triển khai giai đoạn 2 dự án Khu tái định cư tập trung Cồn Khương (?!). Ðến nay, công trình này vẫn đang “chạy nước rút” hoàn tất các thủ tục cần thiết để tồn tại một cách hợp pháp? Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Trần Tiến Dũng cho rằng không hay biết có sự tồn tại của công trình trên, vì phường không báo cáo (!?). Còn Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Cần Thơ Nguyễn Khánh Vinh thừa nhận: “Chưa lần nào kiểm tra công trình “biệt phủ” này” (?!).

Một trường hợp vi phạm tại Resort Cồn Khương do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Linh Phương làm chủ đầu tư có diện tích hơn 9.400 m2 là chủ đầu tư này lại vô tư xây dựng một cụm công trình khá kiên cố lấn chiếm trên mặt nước mà không cần xin phép xây dựng. Toàn bộ phần công trình xây dựng vi phạm gồm một sàn bê-tông cốt thép có chiều rộng 8,4 m, dài 14 m có hàng rào. Phần sàn này nằm hoàn toàn trên mặt sông Hậu, vị trí lấn chiếm ra xa nhất của công trình là 8,4 m, cách mặt nước bình quân khoảng 2 m. Cạnh đó còn chín tum nhà sàn thì nằm trên bờ con rạch Chòng Chõng.

Chủ đầu tư thừa nhận, đã không xin phép khi tiến hành xây dựng những hạng mục này và hoàn toàn nằm ngoài bản vẽ thiết kế của Resort Cồn Khương. Còn các cơ quan chức năng, từ phường Cái Khế đến quận Ninh Kiều, vẫn loay hoay với các khâu lập biên bản vi phạm rồi báo cáo mà suốt nhiều tháng qua vẫn chưa đi đến xử lý vi phạm. Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Cần Thơ thì cho hay, đang rà soát lại quy định mới có thể xử lý một công trình vi phạm xây dựng hết sức… rõ ràng này?

Bài 1: Khu du lịch sông Hậu - dự án nhiều tai tiếng

--------------------------------

() Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23-9-2018.

BÙI QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37711102-sai-pham-trong-quan-ly-dat-dai-va-xay-dung-o-tp-can-tho.html