Sai phạm trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Nhân nhượng tới bao giờ?

Từ một dự án được đánh giá là 'kiểu mẫu' để 'đi trước mở đường', tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa 'hiện nguyên hình' như một sình lầy mà Bộ GTVT đang sa lầy dần trong đó.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông với những con số khiến tất cả những ai đọc được cũng phải giật mình. Sai phạm của dự án này xảy ra trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,59 tỷ đồng (tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%). Điều đáng nói, việc điều chỉnh này được thực hiện khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư.

Sau nhiều năm thi công nhưng đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Ảnh: Phạm Hùng

Sau nhiều năm thi công nhưng đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Ảnh: Phạm Hùng

Bộ GTVT đã thực hiện chưa đúng quy định tại điều 10, Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội và điều 7, điều 106 Luật Đầu tư công. Không những thế, với tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.231,62 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh khi tăng tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư năm 2017 bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại của hiệp định vay 250 triệu USD chưa đúng quy định; phê duyệt bổ sung vào tổng mức đầu tư chi phí xây lắp tăng thêm 21,07 triệu USD (tương đương 6% chi phí xây dựng) do một số nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công từ đầu dự án khi chưa có dự toán chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý.

Một sai phạm nghiêm trọng khác được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là tính đến ngày 30/6/2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỷ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai đơn giá 175 tỷ đồng, sai khác 698 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỷ đồng.

Bộ GTVT cũng phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD (tương đương 186,7 tỷ đồng) so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ có những sai phạm trong vấn đề tài chính, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn liên tục trễ hẹn và đến thời điểm hiện tại cũng không biết bao giờ dự án này mới hoàn thành.

Dự án được phê duyệt năm 2008, khởi công vào tháng 10/2011 và dự kiến chạy thử và khai thác từ 30/6/2015. Tuy nhiên, đến nay, tất cả những gì được nhìn thấy từ dự án là những chuyến tàu cô độc chạy thử qua lại hàng ngày trên tuyến đường ray trên cao.

Như vậy, tính từ thời điểm năm 2008 đến nay, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trải qua 11 năm được phê duyệt, 8 năm thi công và 10 lần lùi tiến độ. Việc liên tục trễ hẹn khiến dự án phải è cổ trả hàng nghìn tỷ đồng lãi vay cho đối tác Trung Quốc (khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi ngày nếu tính lãi suất ưu đãi 3%/năm).

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế T.Ư nhận định, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một bài học vô cũng đắt giá và đau đớn trong công tác lựa chọn nguồn vốn vay khi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

TS Lê Đăng Doanh phân tích rằng, vấn đề căn bản dẫn đến việc dự án bị sa lầy như hiện nay do chúng ta lựa chọn nhà thầu Trung Quốc để thực hiện dự án. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn lại nằm ở chỗ chúng ta lựa chọn nguồn vốn vay của Trung Quốc để thực hiện dự án. Khi lựa chọn nguồn vốn vay này chúng ta cũng bắt buộc phải chấp nhận nhà thầu và giám sát do Trung Quốc chỉ định. Đây là gốc rễ của vấn đề. “Việc dự án bị đội vốn hay liên tục bị trễ hẹn trong những năm qua đều bắt nguồn từ sai lầm khi lựa chọn nhà thầu Trung Quốc” - TS Lê Đăng Doanh nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông lại cho rằng, bên cạnh vấn đề năng lực nhà thầu, việc đội vốn và chậm tiến độ của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt nguồn từ thái độ vô trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc.

“Ở đây, rõ ràng, việc chọn nhà thầu không những là vấn đề năng lực, mà còn là cả vấn đề ý thức, đạo đức nghề nghiệp, tính tổ chức, kỷ luật trong quan hệ với đối tác. Nhà thầu Trung Quốc tất cả các yếu tố đều yếu kém, nhất là đối với quan hệ quốc tế” - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Chuyên gia giao thông này cũng chỉ rõ, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trường hợp hiếm hoi mà chủ đầu tư - Bộ GTVT liên tục vạch trần lỗi của tổng thầu EPC rất nhiều lần trong suốt quá trình triển khai dự án nhưng lại không thể thay nhà thầu khác. Nếu nhìn bên ngoài có thể nhiều người cho đó là điều khó hiểu nhưng trên thực tế, TS Nguyễn Xuân Thủy đồng quan điểm với TS Lê Đăng Doanh rằng, việc thay nhà thầu không nằm trong phạm vi quyền lực của Bộ GTVT vì nguồn vốn đầu tư của dự án là chúng ta đi vay từ Trung Quốc.

“Chúng ta phụ thuộc Trung Quốc vì nguồn vốn ODA, phía Trung Quốc cầm chắc thế vững nên gây khó khăn cho Việt Nam. Cái thế của chúng ta phụ thuộc vào hợp đồng, trong khi hợp đồng có nhiều kẽ hở, nên nhà thầu tha hồ tung hoành, trong khi chúng ta ngập sâu vào sự phụ thuộc nguồn vốn, ý thức trách nhiệm, lòng tin với nhà thầu” - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Nhìn nhận vấn đề ở một phương diện khác, TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, sẽ là “vơ đũa cả nắm” khi từ Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chúng ta vội vàng quy chụp tất cả những dự án đi vay vốn của Trung Quốc đều gặp vấn đề về tiến độ.

TS Ngô Trí Long chỉ ra không ít dự án cũng rơi vào tình trạng tương tự như: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; hay Dự án thủy điện Thượng Kon Tum… Còn với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, vấn đề chính nằm ở năng lực Tổng thầu EPC của Trung Quốc. Đây là một trong những lý do khiến dư luận lâu nay luôn coi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là ví dụ điển hình cho các dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề. “Dự án chậm tiến độ, trách nhiệm chủ yếu là của nhà thầu chính - Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu EPC” - TS Ngô Trí Long nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trở lại với bản kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sau khi chỉ ra một loạt sai phạm trong dự án này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) xử lý về tài chính hơn 874 tỷ đồng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của tổng thầu EPC và các bên liên quan đối với những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân còn để xảy ra các sai sót; xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn để xử lý theo quy định.

Đối với Bộ GTVT, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị phải tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định đối với những sai sót, tồn tại trong việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,59 tỷ đồng đồng thời báo cáo kết quả thực hiện tới Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/9/2019.

Phân tích về việc xử lý trách nhiệm đối với những sai phạm trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, TS Ngô Trí Long khẳng định quan điểm, Bộ GTVT và đơn vị trực thuộc là Ban Quản lý Dự án đường sắt không thể vô can.

Theo TS Ngô Trí Long, những hệ lụy đến từ các sai phạm của dự án này là vô cùng lớn và vào thời điểm hiện tại khó lòng đong đếm được. Việc dự án liên tục trễ hẹn đã đành nhưng tới thời điểm hiện tại, không ai có thể đánh giá đến bao giờ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được đưa vào vận hành.

Hệ lụy của điều này không chỉ riêng vấn đề về tiền bạc mà còn là câu chuyện lòng tin của người dân. “Tác động tiêu cực lớn cả về mặt kinh tế và xã hội. Thiệt hại tiền bạc chắc ai cũng thấy nhưng còn có những thiệt hại lớn hơn, không thể đong đếm được bằng tiền” - TS Ngô Trí Long bức xúc.

Đặc biệt, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ GTVT, của Ban Quản lý Dự án đường sắt và những cơ quan, đơn vị liên quan đã mắc lỗi nghiêm trọng trong quá trình đánh giá hiệu quả của dự án và ra quyết định đầu tư dự án. Bởi, nếu đã “biết lỗ mà vẫn làm” thì rõ ràng đây là sai phạm nghiêm trọng.

TS Ngô Trí Long đề nghị cần phải có một cuộc thanh tra toàn diện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong dự án này. Đặc biệt phải làm rõ có vấn đề tư lợi cá nhân trong dự án này hay không. Đây là vấn đề cần phải đặt ra và làm rõ vì khi biết rõ dự án lỗ mà vẫn cố làm là điều bất thường.

“Khi biết đánh giá không hiệu quả mà vẫn quyết làm bằng mọi giá vậy mục đích để làm gì?” - TS Ngô Trí Long nói.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tất cả những người liên quan đến sai phạm trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để lấy lại lòng tin của người dân. Ông Doanh nhấn mạnh thêm, việc quy trách nhiệm cần phải tiến hành toàn diện dọc theo chiều dài thời gian thực hiện dự án này.

Bởi dự án được thực hiện trong một thời gian dài, những đơn vị liên quan có nơi đã trải qua nhiều đời lãnh đạo, nhiều người có trách nhiệm đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Tất cả đều phải được xem xét trách nhiệm. “Kể cả những người nghỉ mà chịu trách nhiệm như vậy cũng cần đưa ra quy trách nhiệm và xử lý thích hợp theo pháp luật” - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm phải xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, đầu tiên phải tìm cách tháo gỡ những điểm ách tắc của dự án để sớm đưa dự án này vào vận hành, sau đó mới tính đến việc xử lý sai phạm sau. Đây là cách làm mà PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng là cần kíp để tránh cho dự án rơi vào cái vòng luẩn quẩn sai đâu sửa đó nhưng càng sửa càng phát sinh thêm cái sai.

Việc xử lý dứt điểm những vướng mắc để đưa dự án vào vận hành không những tránh được câu chuyện "sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai" mà còn hạn chế được câu chuyện các bên tìm mọi cách đổ lỗi cho nhau.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể thấy rõ một chân lý, đó là chất lượng cán bộ quyết định mọi thành bại không chỉ ở phạm vi một dự án mà còn ở mọi mặt đời sống xã hội. “Cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, lương tâm, thiếu năng lực, trách nhiệm nên mới xảy ra chuyện dự án đội vốn khủng, chậm tiến độ bao nhiêu năm” - PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.

- Dự án được phê duyệt năm 2008, khởi công tháng 10/2011, dự kiến chạy thử và khai thác từ 30/6/2015.

- Do chậm tiến độ, Bộ GTVT điều chỉnh đến 30/6/2016.

- Giữa năm 2016, Bộ GTVT ra "tối hậu thư" yêu cầu tổng thầu phải hoàn thành xây lắp vào 31/12/2016, cuối quý II/2017 sẽ vận hành chính thức.

- Đến hạn, tổng thầu thất hứa, xin lùi đến đầu năm 2018.

- Đến tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định dự án sẽ đưa vào vận hành vào tháng 4/2019.

- Đến tháng 4/2019, tuyến đường sắt đô thị vẫn "án binh bất động".

- Từ đó đến nay, lãnh đạo Bộ GTVT không có phát ngôn nào khẳng định về một mốc cụ thể dự án sẽ đưa vào vận hành.

Ý kiến người trong cuộc

Cần xử phạt nghiêm sai phạm

"Một công trình có quá nhiều vấn đề và sai phạm như đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì chúng ta cũng không nên nhân nhượng mãi như thế nữa. Cần phải giải quyết triệt để những vướng mắc tại dự án, xử phạt nghiêm sai phạm của Tổng thầu và những đơn vị liên quan. Nếu cần thiết có thể mời giám định quốc tế đến để xem xét nghiệm thu, trước khi chúng ta chấp nhận dự án này." - TS Lê Đăng Doanh

- nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư

Làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể

"Cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định, tư vấn, thiết kế dự án, những người phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án này. Rõ ràng các khâu đã có vấn đề, đã không làm tốt dẫn tới trong quá trình triển khai dự án phải thay đổi thiết kế, thay đổi các cấu kiện, phải điều chỉnh tăng vốn." - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Có thể chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra

"Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rất rõ những sai phạm trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông rồi. Vấn đề bây giờ là phải quy trách nhiệm cụ thể các cá nhân, tập thể. Với những căn cứ được nêu ra trong bản kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì hoàn toàn có thể chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra thụ lý." - TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính (Hòa Thắng ghi)

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sai-pham-trong-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-nhan-nhuong-toi-bao-gio-353585.html