Sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức 'nóng' nghị trường

Ngày 7-11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đăng đàn trả lời nhiều vấn đề đại biểu quan tâm về lĩnh vực Nội vụ. Đáng chú ý là tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; sai phạm trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm...

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Đức Nghĩa

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Đức Nghĩa

Trước đề nghị của đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) về việc công khai các trường hợp sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức… để cử tri, nhân dân biết và giám sát. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, sai phạm trong tuyển dụng hiện chiếm nhiều nhất trong số các loại sai phạm.

“Hiện nay có những đồng chí cán bộ cấp cao sai phạm, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý cho phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, sự ổn định chính trị, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Vấn đề này chúng tôi đã trình Ban Tổ chức Trung ương” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, cái gốc của vấn đề là tuyển dụng, không giải quyết được vấn đề gốc thì các bước tiếp theo sẽ vướng.

Về thực trạng thời gian qua, Trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn: “Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ của một bộ phận không đáp ứng yêu cầu như vậy. Nguyên nhân và giải pháp thế nào để khắc phục trong thời gian tới?”.

Nội dung này Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận: “Quan trọng là chúng ta không nắm được cán bộ. Tất cả cán bộ đều thông qua hồ sơ, lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới... Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ. Từ các sai phạm trong công tác cán bộ thời gian qua cho thấy, hồ sơ của cán bộ, công chức khai không trung thực, nhưng không phát hiện được, nhiều hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến nhưng cơ quan, tổ chức không xác minh".

Để giải quyết vấn đề, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã có các quyết định giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu, cán bộ tổ chức khi nhận hồ sơ, cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại, làm cơ sở trong việc xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, đề nghị các địa phương chỉ đạo đối với các Sở Nội vụ, Ban Tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ phải kiểm tra, chứ không thực hiện nhiệm vụ cất hồ sơ cán bộ. “Tất cả hồ sơ cán bộ nhìn qua đều rất đẹp, học hành đàng hoàng, khi đề bạt, bổ nhiệm rồi, lật ra mới thấy có vấn đề, mới thấy khai gian lý lịch...” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thẳng thắn nêu.

Đối với tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu ra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin ghi nhận ý kiến để tham mưu trong việc xây dựng các nghị định, nhất là xây dựng nghị định thay thế Nghị định 34 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, cương quyết ngăn chặn không để những phần tử nhũng nhiễu lọt vào cơ quan hành chính Nhà nước, gây phiền hà, làm giảm lòng tin của người dân.

Việc tiếp tục chấn chỉnh các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt người thiếu tiêu chuẩn, sai quy trình, người nhà, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, cần xác định đúng chức trách của người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, phát hiện và xử lý vi phạm. Tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm thực chất, tạo cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tránh ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ.

Phương Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/sai-pham-trong-bo-nhiem-can-bo-tuyen-dung-cong-chuc-nong-nghi-truong/