Sai phạm thi THPT quốc gia: Xử nghiêm, không vùng cấm

Nếu phát hiện sai phạm, Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm, không có vùng cấm, bảo đảm công bằng cho các thí sinh...

Bảo đảm công bằng cho thí sinh

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời nhiều vấn đề liên quan tới sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: NLĐ

Cụ thể với vụ việc gian lận tại Sơn La, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc.

"Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm công bằng cho các thí sinh", ông Độ nói.

Đối với việc chấm thẩm định tại các địa phương, ông Độ khẳng định nếu phát hiện sai phạm, Bộ sẽ yêu cầu các địa phương làm việc với cơ quan Công an xử lý nghiêm, không có vùng cấm, bảo đảm công bằng cho các thí sinh...

Về xử lý các Sở GD&ĐT để xảy ra sai phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, ngoài những trường hợp bị xử lý hình sự, những cá nhân sai phạm sẽ do lãnh đạo các tỉnh, thành phố xử lý theo Luật Công chức, Luật Viên chức.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công an - Bùi Văn Nam cho biết, sau những sai phạm tại Sơn La, cơ quan công an đã khởi tố vụ án.

"Sau khi khởi tố vụ án hình sự, chúng tôi thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến một số người. Chiều hôm qua, ngày 31/7, cơ quan điều tra an ninh của Công an Sơn La đã khởi tố 5 bị can. Cho tới thời điểm này, cơ quan điều tra chúng tôi đang quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng làm rõ những vi phạm pháp luật của những bị can này.

Việc điều tra cần có thời gian nhưng chúng tôi cùng với Bộ Giáo dục sẽ làm nghiêm túc, khẩn trương, đúng pháp luật. Xin hãy yên tâm, tin tưởng Bộ GD-ĐT và Bộ Công an cũng như sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Nam chia sẻ.

Không bỏ thi THPT quốc gia

Về hướng khắc phục trong kỳ thi năm tới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ rà soát toàn bộ quy trình, các khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện cho phù hợp; nâng cao nghiệp vụ thi đồng thời nâng cao năng lực, đạo đức của các bộ làm nhiệm vụ tại kỳ thi, nhấn mạnh sự trung thực, đạo đức của những cán bộ làm nhiệm vụ trong kỳ thi; hoàn thiện phần mềm chấm thi để những đối tượng có ý đồ xấu cũng khó có thể thực hiện; phương thức tổ chức chấm đối với bài thi trắc nghiệm có thể hướng tới chấm tập trung, theo cụm.

Liên quan tới vụ việc, tại buổi làm việc với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng nhận trách nhiệm về những sai phạm xảy ra trong ngành giáo dục.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá những sai phạm trên là rất nghiêm trọng. Bộ đang phối hợp xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm minh, đúng pháp luật.

“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm, nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Vụ gian lận điểm thi THPT: Chỉ đạo nóng

Trước đó, tại cuộc họp ngày 30/7 khi trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia 2018 và những giải pháp cho những năm tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT lắng nghe ý kiến các chuyên gia một cách cầu thị, nghiêm túc, phải nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình và sớm đưa ra những giải pháp tối ưu để khắc phục các hạn chế về quy trình tổ chức thi.

Liên quan tới vụ việc, ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi.

Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/sai-pham-thi-thpt-quoc-gia-xu-nghiem-khong-vung-cam-3362922/