Sai phạm tại Dự án 16 B Nguyễn Thái Học (Hà Đông, Hà Nội): Vì sao UBND Quận Hà Đông lại bất ngờ 'đánh võng'?

Vướng mắc trong giải quyết vụ việc tại Dự án 16B Nguyễn Thái Học kéo dài gần 10 năm qua tưởng như đã đi đến hồi kết thì mới đây, UBND quận Hà Đông lại bất ngờ đổi chiều, đề nghị không thể đưa ra khỏi quy hoạch khiến sự việc thêm luẩn quẩn, bế tắc.

Sai phạm thuộc về quận, chủ đầu tư?

Theo xác minh của Thanh tra thành phố, Dự án Khu chung cư cao tầng 16B Nguyễn Thái Học do Công ty TNHH MTV Duyên Hải làm chủ đầu tư.

Ngày 2/6/2008, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án, tỉnh Hà Tây giao chủ đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận bằng văn bản đối với 4 hộ hiện đang sinh sống trong phạm vi lập quy hoạch, thể hiện rõ tại Điều 2, Quyết định số 1471/QĐ-UBND.

Ngày 25/7/2008, Công ty có văn bản cam kết chịu trách nhiệm chủ động thỏa thuận đền bù thỏa đáng và bố trí tái định cư cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, khi Công ty chưa tiến hành thỏa thuận đối với các hộ dân thì UBND quận Hà Đông lại ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân.

Do đó, từ năm 2010, các hộ dân đã có đơn khiếu nại lên UBND thành phố. Qua xác minh, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định giải quyết khiếu nại khẳng định các hộ dân đề nghị chủ đầu tư phải có trách nhiệm mời các hộ gia đình đến họp để thỏa thuận bồi thường là có cơ sở. UBND thành phố xác định, UBND quận Hà Đông ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân khi chủ đầu tư chưa tiến hành thỏa thuận với các hộ dân là chưa phù hợp với Điều 41 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước sai phạm nêu trên, UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Hà Đông thu hồi và hủy quyết định thu hồi đất của ông Lê Văn Đại và ông Trương Minh Sơn và quyết định phê duyệt phương án, dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án 16B Nguyễn Thái Học.
Bên cạnh đó, UBND thành phố giao UBND quận Hà Đông chủ trì, hướng dẫn các bên trong việc thỏa thuận về bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến nay, UBND quận Hà Đông mới chỉ thu hồi và hủy quyết định thu hồi đất của ông Đại và ông Sơn và quyết định phê duyệt phương án, dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án tại 16B Nguyễn Thái Học.

Dự án 16B Nguyễn Thái Học, Hà Đông, Hà Nội

Suốt nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Duyên Hải vẫn chưa thỏa thuận được với 2 hộ ông Sơn (hiện đã chuyển quyền sử dụng đất cho 2 con trai là Trương Quốc Chiến, Trương Anh Tuấn) và ông Đại.

Chưa thỏa thuận với người dân nằm trong quy hoạch dự án thế nhưng, đến nay Dự án khu chung cư cao tầng 16B Nguyễn Thái Học cơ bản hoàn thiện việc xây dựng nhiều năm, bán cho hàng trăm người dân về đây sinh sống.

Căn cứ vào kết quả rà soát của Thanh tra thành phố, mới đây, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 7513/VP-GPMB giải quyết kiến nghị của các hộ dân liên quan đến thỏa thuận bồi thường. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu UBND quận Hà Đông căn cứ vào quy định pháp luật đất đai về thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khẩn trương báo cáo, đề xuất phương án xử lý dứt điểm nội dung còn tồn tại đã được Thanh tra thành phố yêu cầu tại Văn bản số 677/TTTP-P1, trong tháng 10/2018.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, UBND quận Hà Đông đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường quận chủ trì phối hợp Phòng Quản lý đô thị, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND phường Yết Kiêu làm việc với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Duyên Hải và các hộ dân liên quan đến thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, làm cơ sở báo cáo UBND TP giải quyết vụ việc theo quy định.

Trên cơ sở đó, ngày 25/10/2018, ông Cấn Văn Khoan, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông chủ trì buổi làm việc về việc thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng nhà chung cư cao tầng 16B Nguyễn Thái Học.

Thỏa thuận không thành, hai bên kiến nghị đưa khu đất ra khỏi quy hoạch

Tại buổi làm việc, các hộ dân nhất trí với việc thỏa thuận trên cơ sở bình đẳng theo quy định của pháp luật, đề nghị phê bình Công ty TNHH MTV Duyên Hải do không thực hiện đúng các quyết định của UBND TP và đề nghị phía công ty trả lời dứt khoát có lấy đất hay không, nếu có thì phải thỏa thuận và cho thời gian thực hiện cụ thể để giải quyết dứt điểm. Trường hợp công ty không có nhu cầu lấy đất đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Các hộ dân cũng thống nhất đưa ra mức giá bằng giá chuyển nhượng trên thị trường các thửa đất lân cận đã chuyển nhượng.

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH MTV Duyên Hải cho rằng mức giá thỏa thuận mà các hộ dân đưa ra quá cao so với khả năng của đơn vị. Do vậy, công ty không đáp ứng được và đề nghị UBND TP điều chỉnh quy hoạch đối với phần đất của 3 hộ dân ra ngoài ranh giới thực hiện dự án.

Việc thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng giữa công ty và các hộ dân không thành. Do vậy, 2 bên đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh quy hoạch phần đất của 3 hộ gia đình ra ngoài ranh giới dự án. Trên cơ sở kết quả thỏa thuận tại hội nghị, phòng, ban chức năng quận tiến hành tham mưu UBND quận giải quyết theo quy định.

Biên bản làm việc về việc thỏa thuận bồi thường GPMB thực hiện dự án xây dựng nàh chung cư cao tầng 16B Nguyễn Thái Học, Hà Đông

Bất ngờ đảo chiều?

Sự việc tưởng như vậy là đã có hồi kết thì bất ngờ mới ngây, UBND quận Hà Đông lại có báo cáo số 505/BC-UBND ngày 8/11/2018 với nhiều nội dung sai lệch so với kết quả buổi làm việc.

Tại phần đề xuất, kiến nghị của bản báo cáo, UBND quận Hà Đông nêu quan điểm: Qua kiểm tra hiện trạng xây dựng và sử dụng đất tại dự án cho thấy, thửa đất hiện nằm rải rác cạnh tòa chung cư 16B Nguyễn Thái Học (mặt sau của hai thửa đất này nằm cách tòa chung cư 1,6m); thửa đất nằm giữa hai thửa đất này đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, nếu điều chỉnh quy hoạch sẽ ảnh hưởng chung đến công tác phòng cháy chữa cháy của tòa nhà và ảnh hưởng chung đến toàn bộ quy hoạch của dự án.

Về việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng, UBND quận Hà Đông còn đưa ra phương án lòng vòng hơn, viện dẫn điều 16, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho rằng khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chủ đầu tư và người có đất phải thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất. Sau khi thỏa thuận xong việc mua tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định.

Với quan điểm mới này cho thấy, suốt 10 năm qua, cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã vô cảm, yếu kém trong tham mưu, lúc tham mưu thế này, lúc tham mưu thế khác, khiến cho sự việc khiếu kiện kéo dài và ngày càng đi vào bế tắc. Nay khi cả doanh nghiệp và người dân tìm được tiếng nói chung thì lại viện dẫn quan điểm trái ngược mà không hướng dẫn được cụ thể cách thức thỏa thuận bồi thường, mua tài sản gắn liền với đất như thế nào khiến các hộ dân nghi ngờ dường như có sự bắt tay giữa doanh nghiệp và chính quyền khi mà nội dung này không hề được đề cập trong buổi làm việc giữa ba bên, chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Liệu có hay không sự bất thường trong bản báo cáo này?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Quang Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/camera-24h/sai-pham-tai-du-an-16-b-nguyen-thai-hoc-ha-dong-ha-noi-vi-sao-ubnd-quan-ha-dong-lai-bat-ngo-danh-vong-276106.html