Sai phạm CPH Cảng Quy Nhơn: Thứ trưởng GTVT nói gì?

Là người ký các văn bản báo cáo Thủ tướng về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định không thoái thác trách nhiệm.

Không cố ý làm sai

Liên quan đến Kết luận thanh tra số 1566/KL-TTCP về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn của Thanh tra Chính phủ; trong đó có chỉ ra sai phạm, khuyết điểm của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công đã có cuộc trao đổi với TTXVN về những nội dung trong kết luận thanh tra và các giải pháp để khắc phục hậu quả theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Thứ trưởng Công cho biết, ông là người ký các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Quá trình ký các văn bản này đều được thực hiện trên cơ sở ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc bấy giờ và đã có nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ.

"Tôi khẳng định tôi không thoái thác trách nhiệm của bản thân", ông nói.

Có nhiều sai phạm trong cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Lao động

Có nhiều sai phạm trong cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Lao động

Về những kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng "có thể quan điểm của anh em tham mưu cũng như của tôi trong bối cảnh lúc đó, đặc biệt là hiểu biết về văn bản quy phạm pháp luật chưa thật đầy đủ, ý kiến của anh em có thể phiến diện, chưa đồng bộ, chưa hết.

Qua thanh tra, kết luận như vậy, thì bản thân tôi và các đơn vị liên quan sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, còn việc xử lý hậu quả của quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn sẽ phải phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết".

Ông khẳng định, "anh em không hề cố ý làm sai vì những người tham mưu cũng đã nghiên cứu các văn bản pháp luật, thậm chí bản thân tôi cũng đã yêu cầu anh em nghiên cứu kỹ vấn đề này".

Về phía nhà đầu tư, theo Thứ trưởng Công, bản thân nhà đầu tư cũng xác định rõ là doanh nghiệp đã mua theo đúng quy định, bản thân doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư, họ cũng đầu tư nâng cao quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là kết quả sản xuất kinh doanh có tăng lên mấy lần. Do đó, họ có mong muốn là tiếp tục gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, nếu vì lợi ích quốc gia, nhà đầu tư sẵn sàng chấp hành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Vinalines từng đứng trước nguy cơ phá sản

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng giải thích rõ hơn về bối cảnh mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.

Theo đó, thời điểm thực hiện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Vinalines đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thậm chí, vào năm 2012, 2013, Vinalines rơi vào hoàn cảnh nợ đầm đìa. Không chỉ nợ các tổ chức tín dụng, Vinalines lúc đó còn nợ các đối tác.

Vì không có tiền trả nợ nên các tàu của Vinalines ra nước ngoài khai thác đều bị bắt để đòi nợ. Khi đó, hàng chục con tàu của Vinalines để cũ nát không khai thác, các thuyền viên không được trả lương có đơn gửi đi khắp nơi kêu cứu.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ phải tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo. Cuối cùng Chính phủ đã phải chỉ đạo Bộ Tài chính cho Vinalines vay 200 tỷ đồng để đi chuộc tàu ở nước ngoài về, sau đó bán tàu thu hồi tiền trả nhà nước.

Thời điểm ấy, Vinalines thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại các cảng do Vinalines quản lý, Nhà nước cho phép bán 25% cổ phần nhưng kết quả cũng chỉ bán được 2-5% cổ phần và bán với giá rất thấp.

Trước việc Vinalines khẳng định sẽ bố trí nguồn lực đủ để mua lại cổ phần đã bán, Thứ trưởng Công cho hay, khi chưa có kết luận của Thanh tra Chính phủ về quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, ông đã chỉ đạo Vinalines chủ động làm việc với nhà đầu tư về các vấn đề liên quan.

"Về phía nhà đầu tư, tôi được biết họ đã thống nhất sẽ hoàn trả lại cổ phần để cho Nhà nước chi phối. Vấn đề hiện nay phải bàn là phương thức hoàn trả thế nào để đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.

Tài chính của Vinalines lúc này không phải là mạnh, tuy nhiên về khoản tiền mua lại cổ phần chi phối của nhà đầu tư theo tôi là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ cân đối được", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định.

Từ bài học Cảng Quy Nhơn, ông Công chia sẻ quan điểm, trong một số loại hình doanh nghiệp, nên xác định một số doanh nghiệp thực sự quan trọng thì Nhà nước giữ quyền chi phối. Tuy nhiên, việc tận dụng kinh nghiệm quản trị của doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết.

Ông cũng thừa nhận những cảng mà tư nhân nắm quyền chi phối có những điểm yếu và cho rằng cần có nghiên cứu đề xuất để làm sao vừa tận dụng tối đa kinh nghiệm quản trị của doanh nghiệp tư nhân nhưng những hạ tầng quan trọng Nhà nước vẫn phải nắm giữ nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng. Lợi nhuận lúc đó thì Nhà nước và tư nhân đều được hưởng.

Trước đó, ngày 17/9, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành văn bản Kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Theo kết luận thanh tra, Bộ GTVT, với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Vinalines nhưng chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ đã có một số vi phạm.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/sai-pham-cph-cang-quy-nhon-thu-truong-gtvt-noi-gi-3365814/