Sai phạm chồng chất, chỉ rút kinh nghiệm và tiếp tục giữ ghế

Quản lý các dự án khủng, hàng loạt sai phạm bị phanh phui, nhưng thay vì xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan thì lại 'giơ cao đánh khẽ' để tiếp tục bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Xuân Trường thời điểm nhậm chức Giám đốc Ban QLDA3

Chuyện xảy ra tại BQL dự án 3 (Ban QLDA3), thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TC ĐBVN).

Theo tài liệu của NNVN, chỉ tính riêng năm 2017, hàng loạt sai phạm và những lùm xùm xảy ra tại Ban QLDA3 đã bị các cơ quan chức năng phanh phui, kết luận và chỉ rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, các sai phạm chỉ bị xử lý theo kiểu cho có, thậm chí, các cá nhân sai phạm còn được tiếp tục tái bổ nhiệm, phớt lờ những hành vi đã gây ra.

Rõ ràng nhất là các sai phạm tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP).

Theo tài liệu của NNVN có được, đây là dự án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỉ đồng, trong đó, vốn vay của ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB) 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD, vốn đối ứng 50 triệu USD… Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến 2020 với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo trì, nâng cấp tài sản mạng lưới đường quốc lộ Việt Nam kết hợp các loại hình hợp đồng xây dựng mới trong quản lý, bảo trì đường bộ.

Dự án được chia làm 4 hợp phần chính: hợp phần A – Quản lý tài sản đường bộ; hợp phần B – Bảo trì tài sản đường bộ; hợp phần C – Nâng cấp tài sản đường bộ; hợp phần D – Tăng cường năng lực cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam… Kể từ khi thực hiện, liên tiếp những tố cáo sai phạm đã xẩy ra khiến cơ quan chức năng buộc phải vào cuộc. Chỉ riêng năm 2017, có tới 4 cơ quan ban hành những kết luận liên quan về những sai phạm tại dự án này như Kết luận thanh tra (của Bộ GTVT); Kết luận nội dung tố cáo (của Bộ GTVT); Kết luận nội dung tố cáo (của Tổng cục ĐBVN) và Kết luận thanh tra (của Bộ Tài Chính)…

Phê duyệt khống đền bù, bao che cho nhà thầu…

Kiểm tra các dấu hiệu vi phạm tại dự án, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện: Công tác lập và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp của dự án không đúng dẫn tới tổng dự toán tăng gần 150 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh toán không đúng số tiền 27 tỉ đồng tại gói thầu RAP/CP6, 7, 10; phê duyệt đơn giá không đúng hạng mục tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn các gói thầu RAP/CP8, 5, 9; Nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng khối lượng xây mới rãnh bê tông hình thang tại gói thầu RAP/CP6…

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, báo cáo của Ban QLDA3, đến 31/7/2017, kinh phí giải phóng mặt bằng đã chuyển cho các địa phương là 391,5 tỷ đồng/506,7 tỷ đồng. Kinh phí Bộ GTVT bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho dự án còn thiếu số tiền 11,6 tỷ đồng. Các sai phạm cụ thể xẩy ra tại 3 tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.

Cụ thể, UBND huyện Hưng Hà (Thái Bình) phê duyệt sử dụng vốn giải phóng mặt bằng của dự án để chi trả đền bù cho 3 khu tái định cư với diện tích đất đền bù lớn hơn nhiều lần so với diện tích đất phải bố trí tái định cư số tiền gần 4 tỷ đồng. Trong việc hoàn tạm ứng với Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Hà, Hội đồng hỗ trợ và tái định cư huyện Hưng Hà chậm hoàn tạm ứng số tiền hơn 57 tỷ đồng.

Tương tự, UBND huyện Thái Thụy (Thái Bình) phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Quốc lộ 39 (đoạn đi qua xã Thái Dương) trùng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 3 tỷ đồng, chi trả kinh phí đền bù trước khi có Quyết định phê duyệt của UBND huyện Thái Thụy hơn 2,5 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị với Tổng Giám đốc Ban QLDA3 – Tổng cục đường bộ Việt Nam nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra những thiếu sót, tồn tại…

Không chỉ để xảy ra các sai phạm về GPMB, kết luận thanh tra của Bộ GTVT còn chỉ rõ các sai phạm của Ban QLDA 3, đặc biệt là liên quan đến các hành vi bao che cho những thiếu sót, sai phạm của các nhà thầu thi công.

Dự án VRAMP sử dụng vốn vay WB, tuy nhiên trong các bước triển khai tiếp theo Tổng cục ĐBVN và Ban QLDA3 chưa thực hiện các nội dung Bộ GTVT lưu ý như lập quy trình bảo trì, vận hành khai thác các tuyên đường; bổ sung hồ sơ đánh giá năng lực hành nghề của cá nhân lập thiết kế cơ sở… Mặc dù hồ sơ mời thầu được lập theo mẫu của nhà tài trợ nhưng Ban QLDA3 chưa đưa các tiêu chí cụ thể tại bước kiểm tra sơ bộ (các quy định cụ thể tại Việt Nam) để lấy ý kiến thống nhất của nhà tài trợ. Điều này dẫn đến việc lập duyệt dự toán 10 gói thầu tại hợp phần B đều không đúng, có sự chênh lệch lớn so với giá trị dự toán tính lại. Với hợp phần C, các hạng mục trong 6 gói thầu cũng bị giảm trừ do tính trùng, tính sai khối lượng đến hàng tỷ đồng.

Nghiêm trọng nhất là việc Ban QLDA3 đã để “lọt lưới” ít nhất 2 nhà thầu không đủ tiêu chuẩn là Công ty Quản lý Đường bộ Thái Bình và Công ty CP Quản lý Đường bộ 234. Chính việc này đã làm sai lệch kết quả đấu thầu tại gói thầu RAP/CP15, 16, 17: “Bảo trì PBC đoạn tuyến QL6, từ KM 193 – KM 303”. 3 nhà thầu khác là Công ty Hòa Hiệp, Công ty 656 và Công ty CP Vinadelta tiến hành thi công trước khi bản vẽ thi công được phê duyệt…

Tại 2 hai hợp phần B, C tập trung công tác đầu tư xây dựng, khôi phục bảo trì cho một số đoạn tuyến Quốc lộ, cơ quan chức năng phát hiện nhà thầu có dấu hiệu nâng khống giá trị doanh nghiệp để trúng thầu.

Cụ thể, Công ty Quản lý Đường bộ Thái Bình (RAP/CP15 Quốc lộ 6) theo hồ sơ dự thầu báo cáo doanh thu năm 2013 là 137 tỷ đồng, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế chỉ có 88 tỷ đồng. Năm 2014, doanh nghiệp này báo cáo doanh thu là 138 tỷ đồng, thực tế chỉ còn 67 tỷ đồng. Năm 2015, doanh nghiêp báo cáo doanh thu 138 tỷ, kiểm tra thực tế còn 94 tỷ đồng.

Với Công ty Cổ phần Quản lý Đường bộ 234 (RAP/CP17 Quốc lộ 6) cũng bị phát hiện tình trạng tương tự. Trong hồ sơ dự thầu của công ty này, năm 2014, doanh thu công ty báo cáo là 45 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ có 32 tỷ; năm 2015 báo cáo là 66 tỷ, thực tế còn 11,7 tỷ đồng…

Chính việc làm này của các đơn vị đấu thầu đã làm sai lệch kết quả đấu thầu tại gói thầu RAP/CP15, 16, 17 “Bảo trì PBC đoạn tuyến QL6, từ KM 193 – KM 303”, thuộc dự án VRAMP, đã được tổ công tác của Ban QLDA3 và Thanh tra Bộ GTVT tiến hành kiểm tra và khẳng định, Ban QLDA3 đã bao che cho các nhà thầu nêu trên.

Thậm chí, Ban QLDA 3 còn để các nhà thầu thi công trước khi bản vẽ thi công được phê duyệt.

Tại các gói thầu CP15, CP16, CP17 trên Quốc lộ 6, qua kiểm tra hồ sơ, thiết kế bản vẽ thi công, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Hòa Hiệp khởi công ngày 23/11/2016, thảm Bê tông nhựa ngày 29/12/2016 khối lượng khoảng 1,7km, tuy nhiên, tài liệu thể hiện, Ban QLDA3 chấp thuận vào ngày 23/1/2017, tức là khi nhà thầu đã thi công được 23 ngày.

Tại lô RAP/CP17 nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng công trình 656 khởi công và thảm thử bê tông nhựa ngày 24/11/2016; Công ty Cổ phần Vinadelta thảm bê tông nhựa ngày 1/12/2016. Tổng cộng thảm bê tông nhựa khoảng 1,2 km, nhưng Ban QLDA3 chấp thuận thiết kế bản vẽ vào ngày 12/1/2017, khi nhà thầu thi công được 48 ngày… Những hành vi này thể hiện nhà thầu và chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng, cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu Ban QLDA3 là giám đốc, lãnh đạo được giao phụ trách dự án…

Chỉ rút kinh nghiệm và tiếp tục tái bổ nhiệm

Mặc dù những sai phạm tại Ban QLDA3 bị phanh phui và yêu cầu xử lý trách nhiệm, tuy nhiên, những động thái xử lý từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam dường như chưa thực sự thuyết phục.

Về phần xử lý trách nhiệm, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị Tổng cục ĐBVN nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra những thiếu sót, tồn tại trong việc lập thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp, cũng như ký hợp đồng và nghiệm thu thanh toán các gói thầu xây lắp. Bộ GTVT thì yêu cầu cơ quan này nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân có sai sót trong công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát đối với Ban QLDA3 để xảy ra vi phạm; Giám đốc Ban QLDA3 thực hiện nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với cá nhân, tổ chức…

Rõ ràng, với hàng loạt sai phạm tại Ban QLDA 3, giám đốc Nguyễn Xuân Trường không thể vô can. Tuy nhiên, vào đầu tháng 10/2018 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cụcđường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã ký tái bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Trường tiếp tục giữ ghế giám đốc đơn vị này. Đáng chú ý, trong thông tin đề nghị tái bộ nhiệm, với việc hàng loạt sai phạm của dự án VRAMP do chính Ban QLDA 3 làm chủ đầu tư đã được kết luận, và việc ông Trường đã phải nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm không hề xuất hiện, ông này vẫn hoàn thành nhiệm vụ năm 2017.

BOX: Không chỉ để xẩy ra hàng loạt sai phạm, năm 2017, Ban QLDA3 còn bị chính các nhà thầu tố cáo các cá nhân ép họ làm giả hồ sơ, hợp thức hóa chứng từ để tham nhũng, vòi vĩnh đòi hối lộ./.

HOÀNG ANH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/sai-pham-chong-chat-chi-rut-kinh-nghiem-va-tiep-tuc-giu-ghe-post229160.html