Sai phạm bán đất công Đà Nẵng và Thủ Thiêm: Lỗi do định giá đất quá rẻ?

Theo TS Phạm Quang Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, những sai phạm trong quản lý đất đai như: vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), vụ quản lý đất rừng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hay vụ đất đai ở Khu ĐTM Thủ Thiêm (TP. HCM) rồi vụ bán đất công ở Đà Nẵng... đều có nguyên nhân sâu xa là vấn đề định giá đất.

Mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư đến địa phương đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý đất đai nhưng qua nhiều việc thanh, kiểm tra đất đai cho thấy, công tác quản lý đất đại còn tồn tại, phát sinh nhiều điều bất hợp lý, tạo kẽ hở tiếp tay cho những sai phạm.

Vấn đề ở Thủ Thiêm (TP. HCM) đã trở thành nội dung chính của các buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: H.V

Vấn đề ở Thủ Thiêm (TP. HCM) đã trở thành nội dung chính của các buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: H.V

Những năm qua, không khó để lấy ra những ví dụ điển hình về tranh chấp đất đai, về những sai phạm trong quản lý đất đai như: vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), vụ quản lý đất rừng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hay vụ đất đai ở Khu ĐTM Thủ Thiêm (TP. HCM) rồi vụ bán đất công ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác.

Nhà nước và người dân đang thiệt thòi

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Đất đai là nguồn tư liệu sản xuất chính và vô cùng quan quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường. Qua theo dõi, nguồn lực đất đai, đặc biệt là tăng giá của đất đai thời gian qua rất lớn. Song, trong mối quan hệ giữa Nhà nước (NN), nhà đầu tư (doanh nghiệp – DN) và người dân không đồng nhất.

“NN và người dân phải chịu nhiều thiệt thòi còn DN thì hưởng lợi rất lớn liên quan đến sử dụng, quản định đất đai. Cái này xuất phát từ tư duy quản lý trong việc quản lý, định giá đất của chúng ta đều có các vấn đề”, ông Hiển nói.

Đồng thời, ông Hiển cho rằng, tư duy quản lý của chúng ta hiện nay đã lạc hậu. “Thứ nhất, hiện nay các nước ứng dụng công nghệ rất là cao; ngay cả Trung Quốc quản lý rất giống mình song họ quản lý từ T.Ư xuống đến xã - điều này rất thuận lợi cho việc làm quy hoạch nhưng mình không làm được. Hai là, chúng ta quy định các thẩm quyền từ lúc lập quy hoạch rất chặt nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại phát sinh rất nhiều kẽ hở, dễ trục lợi, lúc này hưởng lợi nhiều nhất là DN còn NN và người dân rất thiệt thòi”.

Nhà nước và người dân phải chịu nhiều thiệt thòi còn DN thì hưởng lợi rất lớn liên quan đến sử dụng, quản định đất đai. (Ảnh minh họa: T.A)

Nhấn mạnh đến giá đất còn nhiều bất cập dẫn đến NN và người dân đang chịu nhiều thiệt thòi, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách, hiện nay rất bất cập không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách.

Do đó ông đề nghị Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường; cũng cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

“Không tính toán được giá đất sát thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai", ĐB Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Cần có cơ quan độc lập định giá đất?

Theo TS Phạm Quang Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, sâu xa của những bức xúc của vấn đề đất đai chính là vấn đề định giá đất. Do đó, điều đầu tiên để giải quyết được là phải xác định được vai trò của cơ quan độc lập trong việc định giá đất.

“Hiện nay chúng ta vẫn làm, có cảm giác cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là UBND Tỉnh, TP, tham mưu là Sở TNMT vẫn vừa đá bóng vừa thổi còi. Vai trò của cơ quan độc lập trong việc định giá đất và xác định định giá đất cho được làm rõ nên tôi đề nghị trong thời gian tới khi sửa đổi luật thì nên giao cho các cơ quan định giá đất độc lập định giá còn cơ quan nhà nước thì thẩm tra, thẩm định và đưa ra ban hành quyết định cuối cùng”, TS Phạm Quang Tú cho hay.

Giá đất hiện nay không sát với giá thị trường (Ảnh minh họa: I.T)

Cho rằng, thông tin giá đất thị trường và thông tin cơ sở dữ liệu đất đai không chính xác, nguyên nhân dẫn đến việc này là do trong các hợp đồng giao dịch đất được xác định theo Bảng giá đất của UBND cấp tỉnh để tính các loại thuế, phí nên rất khó xây dựng cơ sở dữ liệu đất thị trường, giá đất thường thấp hơn giá trị thực; hơn nữa với việc thẩm định giá đất do Hội đồng thẩm định giá đất hiện do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch khó có thể bảo đảm tính khách quan, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) đề nghị: “Việc đề xuất giá đất phải do Tổ chức cung cấp giá đất tổng hợp thực hiện”.

Còn ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, qua giám sát, kinh tế đất là vấn đề hầu hết các địa phương đang gặp phải, muốn giải quyết vấn đề này phải định được giá đất theo thị trường, phải tính được thời điểm định giá là khi nào. Đó là thời điểm nhà đầu tư bắt tay vào nhận đất khi chưa có cơ sở hạ tầng hay khi đã được đầu tư cơ sở hạ tầng? Hơn nữa phải có chính sách điều tiết chính sách giá trị gia tăng không phải chỉ bẳng việc nâng giá đất cao lên mà phải điều tiết giá trị đất đai trong quá trình sử dụng giá trị này dần tăng lên do sự thay đổi của kinh tế xã hội.

“Chúng ta phải thay đổi ở đây là cách thức tính được giá đất theo tinh thần Luật đất đai đã nói. Đó là theo giá thị trường. Theo tôi, điều căn bản nhất là phải sửa đổi trong Luật là từ cách thức định giá, việc làm thế nào để khi giao đất cho nhà đầu tư, khi giá trị đất đai tăng lên phải có giải pháp điều tiết phần tăng lên để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân sử dụng đất bị thu hồi cũng như NN và DN”, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tuấn Phong

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/sai-pham-ban-dat-cong-da-nang-va-thu-thiem-loi-do-dinh-gia-dat-qua-re-983525.html