Sai một li, đi hàng trăm triệu đồng

Hành xử trái pháp luật, doanh nghiệp phải bồi thường hàng trăm triệu đồng cho người lao động

Thương lượng thành công, vụ án tranh chấp lao động giữa bà P.B.H và một công ty bảo hiểm có trụ sở tại quận 1, TP HCM chấm dứt mà không cần xử phúc thẩm. Thế nhưng, tranh chấp kéo dài đã khiến công ty phải bồi thường hơn 364 triệu đồng cho người lao động (NLĐ).

Hợp thức hóa sai phạm

Bà H. cho biết bà và công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn từ ngày 18-3-2003 với vị trí giám sát cấp cao (bộ phận nhượng quyền thương hiệu). Hơn 16 năm làm việc tại công ty, bà H. luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và không vi phạm kỷ luật. Tuy nhiên, ngày 5-5-2018, công ty đột nhiên ban hành 2 quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà H. kể từ ngày 7-5-2018. Một quyết định do giám đốc cấp cao nhân sự ký và quyết định còn lại do phó tổng giám đốc nhân sự ký. Cả hai quyết định đều căn cứ theo đơn xin nghỉ việc của bà H. Tuy nhiên, trong thực tế, bà H. không nộp bất cứ đơn xin nghỉ việc nào.

Một ngày sau khi ban hành 2 quyết định trên, công ty mời bà H. lên làm việc. Tại buổi làm việc, công ty ép bà H. ký vào biên bản thỏa thuận nghỉ việc nhằm hợp thức hóa các quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ đã ban hành. Cho rằng hành vi của công ty làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và quyền lợi chính đáng của mình, bà H. khởi kiện ra tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 11-2019, đại diện công ty cho rằng bà H. và công ty đã ký thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 5-5-2018. Công ty cũng đã thanh toán toàn bộ các khoản chi trả cho bà H. theo thỏa thuận hơn 183 triệu đồng. "Công ty không đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với bà H. theo đúng quy định pháp luật", đại diện công ty khẳng định.

Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi

Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi

Tuy nhiên, lập luận này của công ty bị tòa bác bỏ. Theo HĐXX, hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ mà không có lý do chính đáng và không tuân thủ thời gian báo trước là trái với quy định của pháp luật. Chưa hết, việc công ty thương lượng chấm dứt HĐLĐ với NLĐ sau khi ban hành quyết định cho nghỉ việc là không phù hợp quy định. Do đó, ngoài số tiền đã chuyển cho NLĐ, tòa tuyên buộc công ty phải bồi thường thêm cho bà H. hơn 192 triệu đồng.

Không chấp nhận kết quả trên, công ty nộp đơn kháng cáo. Tuy nhiên, đến phiên xử phúc thẩm vào tháng 3-2020, công ty chấp nhận thương lượng và đồng ý trả cho bà H. hơn 364 triệu đồng để chấm dứt tranh chấp.

Ép buộc thôi việc

Luôn khẳng định tuân thủ đúng pháp luật lao động khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, nhưng mới đây, một doanh nghiệp (DN) tại quận Thủ Đức, TP HCM đã bị tòa tuyên buộc phải bồi thường hơn 300 triệu đồng cho NLĐ.

Theo đơn khởi kiện, bà P.T.T.X, thư ký chuỗi cung ứng, bắt đầu làm việc tại công ty từ năm 2008 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 8-7-2019, bà X. được trưởng phòng nhân sự gọi vào phòng làm việc, yêu cầu đọc và ký vào bản thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do công ty soạn thảo, đóng dấu sẵn. Lý do công ty đưa ra để buộc bà X. thôi việc là DN thực hiện tái cơ cấu nhân sự.

Dù không đồng ý ký vào bản thỏa thuận, nhưng bà X. vẫn bị buộc giao nộp lại máy tính làm việc, thẻ nhân viên và không được vào công ty kể từ ngày 8-7-2019. Bức xúc, bà X. đã gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thủ Đức. Do hòa giải không thành nên bà X. khởi kiện công ty ra tòa đòi bồi thường.

Tại tòa, đại diện công ty yêu cầu tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà X., vì cho rằng việc chấm dứt HĐLĐ với bà X. là nằm trong kế hoạch tái cơ cấu bộ phận chuỗi cung ứng của công ty. "Công việc của bà X. là nhập liệu chứ không phải phân tích. Khi thay đổi cơ cấu, bộ phận thư ký sản xuất không còn nhưng công việc nhập liệu vẫn còn và thuộc về nhân viên phân tích dữ liệu. Yêu cầu của vị trí này là NLĐ phải có trình độ đại học, khả năng sử dụng tiếng Anh và một số tiêu chuẩn khác nhưng bà X. không đáp ứng được nên phải nghỉ", đại diện công ty trình bày.

Cũng theo đại diện công ty, trước khi chấm dứt HĐLĐ, công ty đã lập phương án sử dụng lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM và đã được thông qua. Hơn nữa, đối với trường hợp chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu tổ chức thì luật không quy định phải báo trước cho NLĐ.

Đại diện VKSND quận Thủ Đức nhận định công ty đã xây dựng phương án sử dụng lao động, trao đổi với tổ chức đại diện NLĐ tại DN và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước trước khi cho NLĐ nghỉ việc vì lý do tái cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, công ty lại không tuân thủ thời gian báo trước 45 ngày cho bà X. trước khi chấm dứt HĐLĐ là trái quy định pháp luật. Từ nhận định này, HĐXX đã tuyên buộc công ty phải thanh toán cho bà X. các khoản: bồi thường chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, vi phạm thời gian báo trước; tiền lương trong những ngày không được làm việc; trợ cấp mất việc làm… tổng cộng hơn 300 triệu đồng.

Doanh nghiệp cần có thiện chí

"Không một NLĐ nào muốn giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án, bởi đó là việc chẳng đặng đừng. Bởi NLĐ vốn không am hiểu quy trình, thủ tục khởi kiện nên gặp nhiều khó khăn, chưa kể tranh chấp kéo dài gây tốn kém về thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng tinh thần. Chính vì lẽ đó, tôi muốn tranh chấp được giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, thiện chí ấy của tôi không được công ty hồi đáp lại. Kết quả phiên tòa là cái giá phải trả cho sai phạm và sự thiếu thiện chí trong giải quyết tranh chấp của DN" - bà P.T.T.X nói.

Bài và ảnh: CAO HƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/sai-mot-li-di-hang-tram-trieu-dong-20200814212859811.htm