Sai lầm nhiều người mắc khi thực hiện lễ phóng sinh đầu năm mới

Phóng sinh là một nét đẹp văn hóa thế nhưng hiện này hành động này đang bị biến tướng, sai lệch khi có hiện tượng nhiều người phóng sinh theo phong trào, hình thức, phóng sinh cả những loài gây ảnh hưởng đến môi trường như: rùa tai đỏ, ốc bươu vàng…

Những con chim bị bắt nhốt trong lồng để chờ bán cho những người làm lễ phóng sinh. Ảnh: Đình Thảo

Những con chim bị bắt nhốt trong lồng để chờ bán cho những người làm lễ phóng sinh. Ảnh: Đình Thảo

Theo quan điểm Phật Giáo, phóng sinh là một nét đẹp, thể hiện lòng từ bi, mong muốn đem lại sự an lạc, bình an cho tất cả chúng sinh. Lễ phóng sinh thường được các chùa tổ chức cho phật tử vào thời điểm cuối hoặc đầu năm nhằm mong cầu bình an, giải bớt ác nghiệp hướng con người đến những điều thiện nguyện.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ này. Tại nhiều ngôi chùa xảy ra tình trạng, chim phóng sinh bị cắt cụt cánh, làm cho yếu đi rồi đem bán cho khách làm lễ hay người dân thả phóng sinh ồ ạt rùa tai đỏ gây ra những hậu quả xấu về môi trường.

GS Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, phóng sinh hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng.

Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống. Còn việc con chim đang bay trên trời, con cá đang bơi dưới nước mình mua về để phóng sinh thì không phải là làm phước, ban ơn.

Những con chim phóng sinh chết vì bị mua đi bán lại trong lễ phóng sinh tại một ngôi chùa ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Thảo

“Hiện nay, có hiện tượng rất nhiều người đi bắt những con vật đang tự do, bắt xong lại bán cho những người phóng sinh. Điều này khiến những con chim trời đang được tự do ca hát, những con cá đang bơi lội dưới nước trở thành những kẻ nô lệ. Vòng luẩn quẩn “bắt lại rồi thả” khiến những con vật tội nghiệp “chết dần, chết mòn”. Đây là sự “tàn ác” chứ không phải điều tốt.”, Gs Trần Lâm Biền khẳng định.

Chuyên gia này cũng cho biết, việc phóng sinh phải xuất phát từ lòng từ bi, mang ý nghĩa làm phước, ban ơn chứ không phải vì mục đích cầu tài lộc. Chính vì thế, việc phóng sinh không nên làm theo phong trào, số đông mà nên làm một cách tùy duyên, ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Đơn cử, khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu giúp đưa về môi trường tự nhiên. Việc giúp đỡ thời điểm này mới có ý nghĩa và đúng với tinh thần của phóng sinh.

Hiện nay, rất nhiều người phóng sinh không hiểu biết, khi mua bán rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, thả ra ao hồ tự nhiên. Hay khi phóng sinh lại thả kèm túi bóng, rác thải. Điều này sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đối với môi trường, cần phải loại bỏ.

“Phóng sinh là đem đến sự sống mới chứ không phải là gieo rắc mầm mống tai họa, sự chết chóc hay ô nhiễm môi trường. Sinh vật nào cũng có môi trường sống ấy, nếu như thả không đúng môi trường của nó thì suy cho cùng sẽ tạo nên mâu thuẫn giữa các loài, tiêu diệt giữa các loài với nhau. Nếu không hiểu được bản chất của phóng sinh rất dễ tạo ra sự sai lệch và không mang lại bất cứ ý nghĩa nào”, GS Trần Lâm Biền khẳng định.

Trong khi đó, Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cũng cho rằng, nhiều người đem phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ - những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật đang sinh sống trong môi trường đó. Điều này không những làm mất bản chất tốt đẹp của tục lệ phóng sinh mà còn vô tình tiếp tay gây ra những ảnh hưởng xấu cho môi trường, là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa.

Ngoài ra, không ít loài đã chết sau khi được phóng sinh. Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao. Nhiều loài trong số chúng được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.

Đặc biệt, việc mua động vật hoang dã để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ động vật hoang dã nói chung.

“Phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi, thiếu hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài động vật hoang dã", bà Dung nói.

Trụ trì một ngôi chùa nổi tiếng tại Hà Nội chia sẻ, theo quan điểm Phật Giáo, phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng. Đồng thời, là việc làm tốt thể hiện lòng Đại từ Đại bi.

Việc phóng sinh chỉ có ý nghĩa khi vì lòng thương xót các loài vật đang lâm nạn. Nghĩa là tùy duyên, chúng ta gặp các con vật đang bị bắt nhốt trong chậu, trong lồng, chờ đem đi làm thịt, chúng ta bỏ tiền ra mua, rồi thả ra liền, càng sớm càng tốt, để cứu mạng sống của chúng.

Hiện nay, việc phóng sinh đang ngày càng bị hiểu lệch lạc, thực hiện không đúng. Đơn cử như việc, thả chim phóng sinh là một việc thiện và dễ làm, nhưng chính hành động đó đã tiếp tay cho đội quân chuyên đi săn lùng bắt các loại chim vào những dịp lễ, vô tình tiếp tay cho những người đi đánh bắt gây thêm nghiệp sát. Để có được một con đến tay người thả, ắt sẽ có nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật. Điều này vô tình lại đi ngược lại với ý nghĩa tốt đẹp của việc phóng sinh.

Theo HÀ TRANG/Dân trí

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/sai-lam-nhieu-nguoi-mac-khi-thuc-hien-le-phong-sinh-dau-nam-moi-d90560.html